Chấm, chấm và chấm

TP - Giải Nobel Hóa học năm 2023 vừa được trao cho “chấm lượng tử”. Ba nhà khoa học của Mỹ và Nga đã phát hiện và phát triển các chấm lượng tử, như đánh giá của Ủy ban Nobel, là đã “gieo một hạt giống quan trọng cho công nghệ nano”. Những “chấm” này là các hạt nano siêu nhỏ đến mức kích thước quyết định tính chất của nó, sẽ được ứng dụng đột phá hơn trong các lĩnh vực điện tử, hóa sinh, y học...

Nobel Vật lý 2023 trao cho 3 nhà khoa học với các thí nghiệm tạo ra xung ánh sáng trong một “chấm” thời gian siêu ngắn là atto giây. Thử tưởng tượng, 1 atto giây bằng một phần tỷ của một phần tỷ giây.

Nobel Văn học 2023 trao cho nhà viết kịch, tiểu thuyết gia người Na Uy Jon Fosse, trong đó tác phẩm lừng danh nhất là Septology - bộ tiểu thuyết 7 tập dày 1.250 trang không hề có dấu chấm hết câu, hay xuống hàng.

Tìm ra những “chấm” hay tìm cách triệt tiêu các loại chấm, là một thứ nghịch lý hiển nhiên trong đời sống này. Cũng như việc tổ chức nọ vừa tọa đàm nên viết hoa hay không viết hoa chữ cái đầu sau dấu hai chấm (:) gây xôn xao cõi mạng.

Trả lời trên tờ The New Yorker hồi cuối năm ngoái, Jon Fosse cho rằng “Trong thế giới sa ngã này, cuộc sống là một loại quà tặng và một loại ân sủng. Nhưng rồi mọi chuyện trở nên quá nghịch lý. Mọi thứ đối với tôi, theo một cách nào đó, đều kết thúc trong một nghịch lý. Và đôi khi tôi cảm thấy mình chứa đầy những mâu thuẫn đến nỗi tôi khó có thể hiểu được làm cách nào mà tôi có thể ở bên nhau, trở thành một”.

Việc không dùng dấu chấm câu, hoặc những câu văn dài vô tận trong tác phẩm thì từ lâu những Marcel Proust, James Joyce, William Faulkner, Cormac McCarthy, José Saramago,… đã dùng với thủ pháp văn chương dòng ý thức, hậu hiện đại. Cormac McCarthy (1933-2023), một trong những tiểu thuyết gia vĩ đại nhất của Mỹ, người đã gặt hái mọi giải thưởng văn chương danh giá, kể cả Oscar cho tác phẩm chuyển thể thành phim, trừ việc được trao giải Nobel, đã đúc kết “Nếu bạn viết đúng thì bạn sẽ không cần phải chấm câu”. Mấy năm trước ở Mỹ, một công ty bị thua kiện phải đền bù 5 triệu đô la cho nhân viên vì thiếu một dấu phẩy trong văn bản thông báo. Nhưng với tiểu thuyết được giải Nobel của Jon Fosse, lại bình thường.

Pythagoras, nhà toán học kiêm triết gia vĩ đại thời Hy Lạp cổ đại đã định nghĩa sự hài hòa của đời sống con người bằng dấu ba chấm (…). Trong đó, dấu chấm đầu tiên là bản thân, nghĩa là con người trước hết phải hiểu rõ bản chất thuần khiết nhất của chính mình. Dấu chấm thứ hai là cuộc sống, còn dấu chấm thứ ba là thần thánh/chân lý. Con người tìm kiếm, khẳng định chân lý và bản thân mình thông qua cuộc sống. Mối bất hòa và bi kịch sẽ xảy ra nếu không có sự hài hòa của ba dấu chấm ấy. Một chân lý thật đơn giản, chỉ từ dấu ba chấm, mà nhân loại đến giờ vẫn chưa thể nhận ra?

Những cái chấm nhỏ vô cực của vật chất, của thời gian, của văn chương, của đời người. Trái đất này khổng lồ với loài người nhỏ bé chúng ta, nhưng chỉ là dấu chấm là hạt bụi giữa ngân hà. Mọi thứ hạt giống cũng chỉ là những cái chấm li ti trong bàn tay con người, nhưng có chứa nổi trong đó niềm hy vọng?