Hà Tĩnh:

Cầu treo dân sinh Khe Tây:Tổng cục Đường bộ thừa nhận chưa hiệu quả

TP - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ thừa nhận hiện tại cầu treo dân sinh Khe Tây chưa hiệu quả. “Tổng cục chỉ việc xây cầu treo, còn làm đường để người dân đến với cầu là việc của địa phương. Hiện cả nước còn nhiều cầu treo dân sinh vừa làm xong cũng chưa có đường”, ông Nguyễn Trung Sỹ, Cục trưởng Cục quản lý  xây dựng, Tổng cục Đường bộ thừa nhận.
Con đường từ nhà ông Chủ tịch UBND đi vào các hộ dân “bỗng dưng” được phát quang khác hẳn với ba ngày trước đó

Cầu là của Bộ, đường là của địa phương

Sau khi Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chỉ đạo Bộ GTVT khẩn trương kiểm tra, rà soát lại dự án sau bài viết “Xây cầu treo dân sinh phục vụ Chủ tịch xã” đăng tải trên báo Tiền Phong. Hôm qua, 13/8, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, ông Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu đoàn công tác cùng lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, Sở GTVT, huyện Vũ Quang, xã Sơn Thọ và đông đảo cơ quan báo chí về thực tế tại hiện trường.

Từ rất sớm, hơn 20 hộ dân có trong danh sách do xã báo cáo hưởng lợi trực tiếp cầu treo Khe Tây đã có mặt tại UBND xã. Khi thấy các phóng viên (PV) đến phỏng vấn người dân, một cán bộ xã lập tức đến yêu cầu những người dân vào bên trong hội trường, tránh tiếp xúc với báo chí.

Sau khi qua chiếc cầu treo Khe Tây, đoàn chia làm hai nhóm, một nhóm do Phó Tổng cục trưởng cùng lãnh đạo Sở GTVT Hà Tĩnh đi theo con đường cũ của hai hộ dân thường ngày đi ra Cầu Gãy, còn một nhóm men theo con đường mà từ trước đến nay lãnh đạo xã cho biết có hơn 20 hộ dân thường đi để ra cầu. Sau khi qua đoạn đường đất lầy lội, bất ngờ cả một khoảng đồi dài hơn 50m mấy hôm trước rậm rạp nay bỗng được phát quang sạch sẽ, một số cây cối bị chặt vẫn còn tươi nguyên.

Có mặt trong đoàn đi theo con đường này, nhiều PV các báo được Tổng cục Đường bộ mời từ Hà Nội về thị sát hết sức bất ngờ vì người dân làm sao có sức để leo đồi ra với cầu treo. Tại nhà bà Nguyễn Minh Tân, khi nhóm PV vào nhà bắt gặp bà đang rửa bát, trước mặt nhiều PV, bà Tân thật thà chia sẻ, gia đình bà không cần đi lại trên chiếc cầu treo Khe Tây. “Trước đây xã bảo giấy tờ để làm đường. Thế nhưng giờ làm cầu mà không có đường ra thì đi vào đâu”, bà Tân nói.

Sau hơn một giờ thị sát thực tế, đoàn tập trung về tại trụ sở UBND xã Sơn Thọ. Mở đầu cuộc trao đổi, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Đề án xây dựng cầu treo dân sinh được thực hiện hai giai đoạn. “Cả nước có 4.145 cầu với kinh phí hơn 8 nghìn tỷ đồng. Giai đoạn I xây dựng 186 cầu treo dân sinh”, ông Cường cho biết. Phó Tổng cục trưởng khẳng định, 186 cầu phục vụ nhu cầu cấp bách cho các đối tượng là người dân vùng sâu, vùng xa. “Đề án ra đời xuất phát từ thực trạng bà con đi bè, mảng để qua sông”, lãnh đạo Cục Quản lý xây dựng, cho biết.

“Xin ông Cường cho biết, ngày 10/8, Tổng cục báo cáo Bộ GTVT báo Tiền Phong phản ánh thiếu cơ sở và nói rõ 26 hộ dân trực tiếp đi qua cầu. Vậy ông vừa đi thực tế xong, xin ông cho biết cụ thể có bao nhiêu hộ dân trực tiếp đi qua?”, chất vấn của PV Tiền Phong. “Căn cứ vào báo cáo và thực tế thị sát về thì 26 hộ dân này bị cô lập khi lũ về phải đi qua cầu treo. Mặc dù chưa có đường kết nối”, ông Cường nói.

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ yêu cầu các PV nêu các câu hỏi chất vấn xong để cử cán bộ trả lời. Tuy nhiên nhiều câu hỏi của PV không được trả lời thỏa đáng. “Tổng cục chỉ xây cầu treo, còn đường đến cầu do địa phương phải làm. Hiện tại cầu Khe Tây chưa hiệu quả”, ông Nguyễn Xuân Cường thừa nhận.

Ngay từ đầu cuộc họp, ông Cường khẳng định Đề án cầu treo dân sinh là cấp bách, nhưng vị lãnh đạo Tổng cục Đường bộ thừa nhận chưa hiệu quả. Trả lời chất vấn của PV báo Tuổi trẻ TPHCM, hiện 186 chiếc cầu treo dân sinh vừa làm xong ở 28 tỉnh, có bao nhiêu cầu treo thiếu đường như cầu treo Khe Tây. Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng thừa nhận. “À rất nhiều, có rất nhiều cầu khi làm xong đường đến cầu vẫn chưa hoàn thành. Tiêu chí của Bộ GTVT làm cầu còn đường là của địa phương”, ông Nguyễn Trung Sỹ, Cục trưởng Cục quản lý xây dựng nói. Phát biểu của vị Cục trưởng gây “choáng” cho mọi người dự họp. “Ồ hóa ra cầu treo dân sinh cấp bách lại đang bị treo”, PV Hồ Văn, báo Tuổi trẻ TP HCM thốt lên.

Chưa biết bao giờ làm đường

Chỉ cách đây mấy ngày, khi PV đến tìm hiểu, nhiều hộ dân có trong danh sách bức xúc về việc xây cầu treo dân sinh vào nhà ông Chủ tịch xã. “Làm cầu treo để cho gia đình ông Chủ tịch xã đi, người dân ở đây không biết gì về chiếc cầu đó. Không nhẽ thuê người phát rừng, lội khe, lên rừng để đi cầu treo. Trong khi đường nhựa, bê tông rộng rãi từ bao đời nay chúng tôi đang đi ở đây”, vợ chồng ông Nguyễn Hữu Hòa, người có tên trong danh sách đi cầu treo Khe Tây, Sơn Thọ, bức xúc kể với PV vào chiều ngày 10/8.

Tuy nhiên khi gặp lại, người phụ nữ này lảng tránh PV. Có 6 người dân đứng dậy phát biểu ý kiến. Mở đầu đều bằng câu: Cảm ơn đã xây cầu cho dân. Người dân chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi. Tuy nhiên, chính người dân mong mỏi: “Mong các cấp chính quyền làm con đường để người dân có đường đến cầu”.

Mục tiêu của cầu treo dân sinh là cấp bách. Tuy nhiên sau khi sự thật về người dân hoàn toàn đi qua Cầu Gãy vì đường ra cầu Khe Tây là một khu rừng rậm rạp, lãnh đạo xã Sơn Thọ, và huyện Vũ Quang vẫn cho rằng, sau khi làm đường có 16 hộ dân vào làm các mô hình kinh tế tập trung. Trả lời người dân, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ yêu cầu Giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh và lãnh đạo huyện Vũ Quang báo cáo về quy hoạch trong đó có việc làm đường dẫn đến cầu.

Ông Bùi Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang cho biết, dự án đường từ cầu treo vào các hộ dân đã được UBND tỉnh phê duyệt 6 tỷ đồng và nằm trong quy hoạch Nông thôn mới. “Đề nghị Giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh cho biết khi nào thì làm đường”, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ nêu. Cả lãnh đạo Sở GTVT Hà Tĩnh và UBND huyện Vũ Quang chỉ thừa nhận có làm đường nhưng khi nào làm thì vẫn trả lời chung chung là “thời gian tới”. “Về mặt báo cáo kỹ thuật đã được phê duyệt với tổng mức 6 tỷ đồng. Tuy nhiên đang vướng mắc về nguồn vốn. Đề nghị đại diện cho UBND tỉnh dự họp sớm báo cáo lại lãnh đạo Ủy ban”, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ nói.

Trước đó, tại một văn bản của Tổng cục Đường bộ khẳng định có 500 lượt người/ngày đêm qua cầu treo Khe Tây. Thế nhưng tại cuộc họp, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ và xã Sơn Thọ tỏ ra lúng túng. Còn đại diện đơn vị tư vấn thiết kế lại chống chế cho rằng, để có con số này đã phỏng vấn địa phương. “Nó chỉ mang tính chất dự báo, chúng ta không nên đi sâu vào vấn đề con số này như là giá trị cụ thể. Và trong đề án thì là…50 lượt người/ngày đêm”. Ngoài ra, danh sách 42 hộ dân có chữ ký cùng một nét na ná như nhau và tại sao lại vừa ký vào ngày 31/7 vẫn không được ai trả lời.

Dù rất nhiều PV đang muốn chất vấn trực tiếp với lãnh đạo Tổng cục Đường bộ về việc xây cầu treo Khe Tây. Tuy nhiên lãnh đạo Tổng cục Đường bộ đã đề nghị kết thúc cuộc họp.