Dự án cầu Nhật Tân và đường dẫn hai đầu cầu có tổng mức đầu tư 89,943 tỷ yên Nhật (tương đương 13.626 tỷ đồng). Cầu có chiều dài của 8,9km. Phần cầu Nhật Tân dài 3,7 km trong đó có cầu chính vượt sông Hồng dài 1,5 km là cầu dây văn liên tục nhiều nhịp với 5 trụ tháp tượng trưng cho 5 cửa ô của Thủ đô chào đón bạn bè quốc tế đến với Hà Nội.
Cầu chính Nhật Tân là một trong số rất ít cầu dây văng liên tục nhiều nhịp trên thế giới, ngoài công nghệ thi công cầu dây văng nhiều nhịp, thì phần cầu chính còn áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến lần đầu được áp dụng ở Việt Nam như công nghệ hộp neo bằng thép trên trụ tháp, hệ thống quan trắc theo dõi với nhiều thiết bị hiện đại như đo lực căng cáp văng, đo ứng suất cốt thép, dầm thép…
Liên quan đến tên cầu Nhật Tân, tại cuộc họp báo sáng nay (26/12), Thứ trường Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, tại buổi làm việc giữa Nhật Bản và Việt Nam bàn về tên cầu, phía nước bạn mong muốn được đặt tên cầu là “Hữu nghị Việt-Nhật”.
Trước nguyện vọng này, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 11 Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XIV diễn ra vào đầu tháng 12 vừa qua, đa số đại biểu cho rằng, đây là cầu có ý nghĩa lịch sử nên quyết định giữ nguyên tên cầu là “Nhật Tân.”
Tuy nhiên, để ghi lại mối quan hệ hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản, trên bảng ghi tên cầu, ngoài tên “Nhật Tân” còn có thêm tên “Hữu nghị Việt-Nhật” bên dưới. Hiện, Bộ Giao thông Vận tải đã đúc bảng tên cầu bằng đồng và gắn ở hai đầu.
Dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu được khởi công từ tháng 3/2009, thiết kế, thi công và giám sát bởi các nhà thầu chính Nhật Bản và sự tham gia của một số Nhà thầu Việt Nam. Tư vấn thiết kế, giám sát của dự án là Liên danh Chodai-NE và TEDI. Dự án được chia thành 3 gói thầu xây lắp.
Đến thời điểm hiện tại, các hạng mục thi công chính của dự án đã hoàn thành đủ điều kiện để đưa cầu Nhật Tân vào vận hành, khai thác. Tuy nhiên, Tư vấn và nhà thầu sẽ kiểm tra, rà soát để hoàn thiện một số hạng mục ngoài chính tuyến như vỉa hè, các hạng mục tại đảo nút giao Phú Thượng.
Bên cạnh đó, nhà thầu sẽ tiếp tục thi công một số hạng mục bổ sung như hệ thống phòng cháy cho cầu chính, tăng cường thêm hạng mục an toàn giao thông tại một số vị trí trên đường dẫn (bổ sung hàng rào hai bên vai đường, tôn lượn sóng, sơn kẻ giải phân cách...) và trồng bổ sung cây xanh để đảm bảo hiệu quả khai thác tốt cho công trình.
Trước đó, Ban Quản lý dự án 85-đại diện chủ đầu tư dự án cầu Nhật Tân đã đề xuất gửi Bộ Giao thông Vận tải xem xét và đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đặt tên cầu khi đưa vào khai thác sử dụng đối với dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu.Theo đề xuất của Ban Quản lý dự án 85, tên kép tiếng Việt chính thức trên các biển tên cầu của công trình cầu dây văng vượt sông Hồng là cầu Nhật Tân và cầu Hữu nghị Việt-Nhật; tên kép tiếng Anh trên các biển cầu là Nhat Tan Bridge và Vietnam-Japan Friendship Bridge. Cách sử dụng tên kép này được cho là hài hòa giữa đề xuất của nhà tài trợ và nguyện vọng của đại bộ phận người dân Thủ đô.