Một nhóm nghệ sĩ được mời cộng tác, đảm nhiệm phần quay phim, chụp ảnh nghệ thuật, kỹ thuật ánh sáng. Dự án là đề tài của nghệ sĩ tạo hình trẻ Phan Lê Chung, giảng viên ĐH Mỹ thuật Huế. Triển khai từ hồi tháng 7, do hạn chế thời gian và kinh phí nên dự án chỉ tiến hành trên một số khu vực chính: Từ đồi Vọng Cảnh đến chùa Linh Mụ; từ chùa Linh Mụ đến Đập Đá; từ Cồn Hến đến ngã ba Sình.
Thông qua nghệ thuật nhiếp ảnh, người dân ghi nhận những nét đẹp và chưa đẹp, bày tỏ cái nhìn của họ về sông Hương. Các tác phẩm tác động trực tiếp đến người tham gia dự án và công chúng thưởng lãm, qua đó tạo biến chuyển về nhận thức và hành động để gìn giữ sông Hương.
Trung tuần tháng 12, vào giai đoạn kết thúc dự án, các tác phẩm gồm: ảnh thời sự - nghệ thuật, một vựng tập, một phim tài liệu - được triển lãm và giao lưu với công chúng tại một số địa điểm công cộng, và tại trụ sở Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên - Huế. Không gian nghệ thuật trải dài khoảng 20 km, trên 2/3 chiều dài của dòng sông Hương, là một bộ sưu tập về cuộc sống hiện tại dọc đôi bờ dòng sông di sản.
Bên cạnh đền, chùa, đình, tạ “nghiêng ngả say”, Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp đẹp như thơ, có những khúc sông bên lở bên bồi, nước khi đục khi trong. Có những khúc sông bị bức tử bởi vấn nạn khai thác cát sạn, vấn nạn nhà chồ, những “hàm cá mập”; những “bãi xa anh vũ xanh đầy cỏ non” bỗng dưng biến thành bãi rác.v.v...
Tiến sĩ Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng ĐH Mỹ thuật Huế, xem dự án này là “một dòng chảy của nghệ thuật cộng đồng”. Nghệ thuật ngày càng gần hơn với cuộc sống hơn với muôn vàn biểu hiện sinh động, ảnh hưởng thẩm mỹ tích cực đối với cộng đồng: các fesival văn hoá - nghệ thuật, các loại hình lễ hội đường phố, nghệ thuật sắp đặt, mỹ thuật cộng đồng… đang trở nên gần gũi, quen thuộc với người Huế.