Nút thắt cơ chế
TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) nhận định, đại dịch COVID-19 đã cắt đứt chuỗi cung ứng liên quan vận chuyển, logistics…, đồng thời khiến số người bệnh đến viện tăng đột biến...
Trong khi đó, các cơ chế pháp lí đang tồn tại nhiều vấn đề. “Đây chính là nguyên nhân tiếp theo gây thiếu thuốc, vật tư tiêu hao trong thời gian qua và cũng là nguyên nhân chủ yếu”, ông Quang nói. Ông cho rằng, do cơ chế chưa minh bạch nên các cơ sở không có hành lang pháp lí đầy đủ, gây tâm lí e dè trong đấu thầu. Tình trạng này có tác động của các đợt thanh, kiểm tra vừa qua nên tạo ra tâm lý e ngại. Một nguyên nhân nữa là năng lực thực hiện đấu thầu từ trung ương đến cơ sở khám chữa bệnh còn hạn chế nhất định. “Chúng ta thiếu những cán bộ am hiểu về lĩnh vực thuốc, đấu thầu; nhiều doanh nghiệp không tham gia thầu do giá thầu thấp, không đảm bảo doanh thu dẫn đến ảnh hưởng nguồn cung thuốc, vật tư y tế”, ông Quang nhìn nhận.
Tại tọa đàm, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII, nói: “Tôi đề nghị Chính phủ nhanh chóng rà soát cơ chế, chính sách liên quan đấu thầu mua sắm thuốc, nếu có vướng mắc thì sửa ngay, kể cả phải làm thêm giờ để sửa”. “Các bệnh viện cũng dũng cảm vào cuộc để gỡ” nếu còn có tâm lí lo ngại các vấn đề pháp lí, bà đề xuất.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo, Phó Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia, cho biết, tuần vừa rồi, Bộ Y tế thành lập 4 đoàn kiểm tra tình trạng thiếu thuốc, ghi nhận một số khó khăn liên quan cơ chế mua sắm. Ví dụ, trước đây, Bệnh viện Bạch Mai thiếu thuốc ở phạm vi bệnh viện và trực tiếp làm việc với các nguồn, đối tác của viện xử lí được ngay. Hiện có các cấp đấu thầu khác nhau, từ quốc gia, địa phương và bệnh viện. Nếu Bệnh viện Bạch Mai thiếu loại thuốc trong danh mục của quốc gia thì phải chờ kết quả đấu thầu của quốc gia. Tuy nhiên, khi lập kế hoạch đấu thầu, yêu cầu bệnh viện phải sử dụng ít nhất 80%, nhưng thực tế có thuốc chỉ dùng được 20%. “Như vậy, thực tế tình trạng thiếu không phải xảy ra ở tất cả loại thuốc, tất cả đơn vị”, bà Bảo nói.
Có 28/34 sở y tế và 12/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc. Các loại thuốc thiếu gồm thuốc kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, nha khoa, vị thuốc cổ truyền. 26/34 sở y tế và 15/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất. 14/34 sở y tế và 8/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu trang thiết bị y tế.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong chiều 12/8, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cho biết, nơi đây sắp cạn thuốc Protamin sulfat giúp chống đông máu trong mổ tim. Hiện bệnh viện còn khoảng 300 ống thuốc này và dự kiến chỉ đủ trong điều trị chưa tới một tháng. Ngọc Lâm
Tính đúng, tính đủ viện phí
Ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cũng đề cập cơ chế tự chủ của bệnh viện và đề xuất nên dừng thí điểm tự chủ toàn diện, chỉ nên thực hiện tự chủ nhóm theo Nghị định 60. Bạch Mai là một trong 4 bệnh viện được giao thí điểm tự chủ toàn diện cùng với Việt Đức, K và Trung ương Huế. Tuy nhiên đến nay, chỉ có hai bệnh viện thực hiện toàn diện là Bạch Mai và K.
Theo ông Cơ, Bạch Mai đã hoàn thành hai năm thí điểm tự chủ toàn diện, song diễn ra trong khoảng thời gian rất khó khăn bởi dịch COVID-19 hoành hành. Trong thí điểm, điều quan trọng nhất là tự chủ tài chính. Tuy nhiên, thời gian qua, bệnh viện tự chủ trong điều kiện toàn bộ cán bộ, nhân viên tham gia chống dịch, bệnh nhân đến viện chỉ còn 1/5 so với thường quy. Sau khi dịch được kiểm soát, bệnh viện đã có báo cáo tổng kết gửi Chính phủ và Bộ Y tế, đến nay chưa có hướng dẫn tiếp theo. Trong lúc Bộ Y tế chờ Chính phủ chỉ đạo, Bộ đã gửi văn bản yêu cầu bệnh viện tiếp tục thực hiện tự chủ.
“Chất lượng cuộc sống, chăm lo sức khỏe cho người dân là một trong ba trụ cột phát triển bền vững của đất nước, do đó, vấn đề thiếu thuốc cần tất cả bộ ngành vào cuộc, chứ không chỉ riêng ngành y”.
PGS. TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII
“Chưa kể, giá viện phí hiện nay không được tính đúng, tính đủ. Giá này xây dựng cách đây 15 năm, hiện trượt giá, thu không bù được chi. Tôi lấy ví dụ, một ca siêu âm ổ bụng giá là 43.900 đồng, máy siêu âm mua từ nguồn thu của bệnh viện, tính từ lúc mua máy đến khi máy hết khấu hao, thì tổng số tiền thu không đủ mua cái máy. Như vậy, nguồn tài chính rất khó khăn, tự chủ làm sao được, không đảm bảo lấy thu bù chi”, ông Cơ phân tích. Theo ông, sau tự chủ cũng không còn liên doanh, liên kết, không còn xã hội hóa, không còn máy nào của doanh nghiệp đặt tại bệnh viện, nên càng khó khăn. Cán bộ y tế chất lượng cao dễ chuyển dịch sang y tế tư nhân để được trả mức thù lao cao hơn. Giải pháp căn cơ nhất là cần tính đúng, đủ giá viện phí, để bệnh viện có nguồn thu, đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho tất cả các giai tầng.
Tại tọa đàm, TS Quang đề nghị kết hợp các giải pháp trước mắt và các giải pháp căn cơ, lâu dài để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Đầu tiên, các bộ gấp rút hoàn chỉnh hồ sơ dự thảo Nghị quyết về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, trình Chính phủ trước ngày 15/8.