Tìm đến xóm chạy thận Lê Thanh Nghị những ngày cuối năm, khác với vẻ hối hả, nhà nhà mua sắm tết, nhạc trống rộn ràng khắp phố, con ngõ nhỏ dẫn vào xóm tĩnh lặng lạ thường, đôi mắt của những bệnh nhân hiện rõ những lo lắng chồng chất.
Sở dĩ người ta gọi tên 'xóm chạy thận' là vì, xóm trọ này là nơi tập trung của hơn 100 bệnh nhân suy thận, họ đều đặn 3 lần/tuần đến bệnh viện Bạch Mai để chạy thận nên đều tập trung về đây sinh hoạt.
Đa phần những bệnh nhân ở đây có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, có người phải mang cả con cái xuống để tiện chăm sóc.
Anh Mai Anh Tuấn (Sn 1976, quê ở huyện Ba Vì, Hà Nội), là người có 'thâm niên' 23 năm chạy thận tại xóm trọ Lê Thanh Nghị, anh được tập thể chọn làm trưởng xóm.
Theo anh Tuấn, hiện nay xóm có gần 130 người ở với nhiều phòng khác nhau. Các bệnh nhân mỗi người mỗi quê tìm đến đây, họ có điểm chung duy nhất là đều duy trì sự sống bằng việc chạy thận đều đặn mỗi tuần. Có lẽ, chính vì lẽ này mà dù không cùng lớn lên, không cùng nơi chôn nhau cắt rốn nhưng họ sống tình cảm, đùm bọc lẫn nhau.
Đa phần các bệnh nhân tại xóm đều phải đến bệnh viện để chạy thận nhân tạo 3 lần/tuần, nếu không đúng lịch thì bệnh tình sẽ chuyển biến theo chiều hướng tiêu cực. Lịch chạy thận kín theo tuần nên có người hơn 20 năm phải đón Tết trong bệnh viện, cùng với những cơn đau bệnh tật.
Sống chung với việc chạy thận nhân tạo, những bệnh nhân tại đây quá quen với những cái Tết xa nhà, thế nhưng, cứ mỗi khi đào bung nở, phố phường nhộn nhịp mua sắm Tết, ánh mắt của họ lại u uẩn, buồn rầu.
Bi kịch từ căn bệnh quái ác đã cướp đi tổ ấm hạnh phúc của nhiều người. Chị Dương Thị Lan (SN 1993, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) là một trong những người rơi vào bi kịch do căn bệnh gây ra.
Lập gia đình ở lứa tuổi đẹp nhất đời người, những tưởng cuộc sống sẽ bình yên, hạnh phúc, thế nhưng căn bệnh suy thận đã lần lượt cướp đi những đứa con của chị ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Một cháu bé chào đời được 3 tháng cũng mãi mãi ra đi.
Chưa hết chênh vênh về nỗi đau mất con, chồng chị tiếp tục rời bỏ chị, kết hôn với một người khác.
“Có những lúc tôi bất lực, muốn buông xuôi, nhưng vì thương mẹ nên tôi tiếp tục chiến đấu với bệnh tật, cố gắng sống tốt để hy vọng cuộc sống sau này sẽ khá hơn", chị Lan nói trong nước mắt.
Chị Lan cũng như nhiều bệnh nhân khác, họ rất hiếm khi có một cái Tết đúng nghĩa với gia đình. Nhiều đêm giao thừa trôi qua, họ ngồi lại với nhau, bên mâm cơm họ kể chuyện cuộc sống từng gia đình. Có những buổi tối giao thừa, họ ôm nhau khóc vì thương hoàn cảnh của nhau và... thương chính bản thân mình.
Trưởng xóm Mai Anh Tuấn chia sẻ, hàng năm, cứ vào ngày cuối cùng của năm cũ (tính theo lịch âm), những ai ở lại sẽ tập trung ra khoảng ngõ rộng đầu xóm trọ cùng nhau ăn tất niên, họ hát cho nhau nghe, chuyện trò để vơi đi nỗi nhớ gia đình, nhớ các con.
Năm nay cũng vậy, trong ánh đèn hiu hắt ở sâu trong con ngõ Lê Thanh Nghị, có những phận đời đón tết trên đất khách. Những chiếc bánh chưng, một cành đào nhỏ, những tấm thiệp năm mới lại được treo đầu ngõ, mùa xuân về với xóm chạy thận giản dị và đời thường như thế.