Những suất cơm nồng ấm tình người

Các thành viên trong đội tận tay trao đồ ăn cho người dân ở xóm chạy thận. Ảnh: NVCC.
Các thành viên trong đội tận tay trao đồ ăn cho người dân ở xóm chạy thận. Ảnh: NVCC.
TP - 5 năm qua “Biệt đội giải cứu thức ăn” Hanoi Food Rescue (HFR) gồm những học sinh ở thành phố Hà Nội làm cầu nối, mang đến 42.000 suất ăn còn nguyên chất lượng bị bỏ phí đến với 16.000 người có hoàn cảnh khó khăn.

Biệt đội giải cứu thức ăn

Nguyễn Việt Anh (học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam) là một trong những thành viên tham gia đội HFR từ những ngày đầu thành lập. Việt Anh cho biết, HFR xuất phát điểm là một tổ chức từ thiện, được thành lập năm 2012 bởi những học sinh các trường THPT trên địa bàn TP Hà Nội. “Những ngày đầu thành lập, nhóm rất vất vả thuyết phục chủ các nhà hàng, khách sạn được thu lại thực phẩm dư thừa. Tôi vẫn nhớ ánh mắt họ nhìn chúng tôi đầy nghi ngại. Họ chẳng biết chúng tôi là ai. Tìm đến cả trăm nhà hàng, khách sạn chỉ nhận được một câu trả lời: chúng tôi không có đồ ăn thừa”, Việt Anh kể.

Không nản chí, các thành viên trong đội HFR kiên trì thuyết phục và bước đầu được một số ông chủ nhà hàng, khách sạn đồng ý cho thức ăn dư thừa. “Khi những người chủ khách sạn, nhà hàng hiểu được công việc chúng mình làm là giúp đỡ những người nghèo, người vô gia cư, bệnh nhân ở Hà Nội… thì họ rất tạo điều kiện và còn chủ động giúp nhóm gom thức ăn trước”, Thu Loan, học sinh trường THPT Chuyên KHTN, nói.

Sau 5 năm, HFR đã lớn mạnh lên rất nhiều khi nguồn cung được mở rộng ở những khách sạn, nhà hàng lớn như: Hotel de l’Opera Hanoi MGallery by Sofitel; Trống Đồng Palace; Nhà hàng Paris Deli, Bay Buffet… Công việc giải cứu thực phẩm dư thừa giúp người nghèo đỡ vất vả hơn khi nguồn cung dồi dào. Mỗi năm có khoảng 150 tình nguyện viên (chủ yếu là học sinh, sinh viên) tham gia vào “Biệt đội giải cứu thức ăn”, mang những suất ăn đầy đủ chất dinh dưỡng đến với những người nghèo, bệnh nhân ở những địa chỉ: Bệnh viện K, Bệnh viện Nhi T.Ư, xóm chạy thận 121 Lê Thanh Nghị, xóm Vạn Phúc (Kim Mã),…

Đinh Nguyên Phương, thành viên đội HFR, thường đi đưa các suất ăn cho những bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện K vào chiều thứ Sáu. “Mình trao tận tay bệnh nhân những suất ăn và nhận lại từ họ lời cảm ơn, cái nắm tay, một nụ cười và đôi khi là những cái ôm nữa. Nhiều lần mình không dám đưa những hộp đồ ăn cuối cùng, bởi sợ phải thấy những ánh mắt buồn của những cô, chú bệnh nhân hỏi: Hôm nay hết rồi hả cháu; tiếc thật, cô, chú xuống muộn quá…”, Phương kể.

Thay đổi thói quen ăn uống lãng phí

Ngoài giải cứu thực phẩm, hàng năm biệt đội còn tổ chức các hoạt động quyên góp như: Tet Donation, Mid Autumn’s Giving. Năm 2016, chương trình Tet Donation mang về 700 túi bánh kẹo phân phát cho hơn 100 học sinh nghèo ở trường Tiểu học Yên Tân (Ý Yên, Nam Định). Năm 2017, nhóm quyên góp được 3.500 suất bánh kẹo cho các học sinh nghèo ở trường Tiểu học Quyết Chiến và trường Tiểu học Bắc Sơn (Hoà Bình).

Với mong muốn các bạn trẻ thay đổi nhận thức về vấn đề an ninh lương thực tiến tới thay đổi hành vi, sử dụng thức ăn có văn hóa, không lãng phí… HFR xây dựng thành công gameshow thực tế The Hunger Games. Bạn Nguyệt Hà, Chủ tịch đội HRF cho biết, The Hunger Games là chương trình mô phỏng của The Amazing Race. Trò chơi gồm 4 vòng: Vòng Chiêu quân, Dàn trận, Giáp chiến và vòng Nước rút. Các đội chơi phải trả lời những câu hỏi và vượt qua các thử thách liên quan đến vấn đề thực phẩm. Tham gia trò chơi các bạn trẻ được tự trải nghiệm giải cứu thức ăn. Sau đó, các đội chơi sẽ phải hoàn thiện quy trình đóng gói đồ ăn và trao tới những người thiếu lương thực, thực phẩm. Những đội thi vào chung kết sẽ tham gia trực tiếp cùng HRF giải cứu thức ăn ở các nhà hàng, khách sạn và mang đến trao tặng những người có hoàn cảnh khó khăn.

“Có thể hàng ngày những bạn trẻ được nghe rất nhiều về việc lãng phí thực phẩm, nhưng mình tin rằng các bạn không thể tưởng tượng được mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Chương trình này sẽ khiến các bạn tận mắt trông thấy lượng thức ăn khổng lồ tại các quán ăn đang từng ngày từng giờ bị lãng phí”, Nguyệt Hà nói.

“Mình trao tận tay bệnh nhân những suất ăn và nhận lại từ họ lời cảm ơn, cái nắm tay, một nụ cười và đôi khi là những cái ôm nữa. Nhiều lần mình không dám đưa những hộp đồ ăn cuối cùng, bởi sợ phải thấy những ánh mắt buồn của những cô, chú bệnh nhân hỏi: Hôm nay hết rồi hả cháu, tiếc thật, cô, chú xuống muộn quá…”.

Bạn Đinh Nguyên Phương

MỚI - NÓNG