Cảnh báo trẻ đau dạ dày do học nhiều, ăn vội

TP - Các bác sĩ nhi khoa cảnh báo, tình trạng trẻ em bị bệnh dạ dày đang gia tăng. Nguyên nhân được chỉ ra là do học tập căng thẳng, thức khuya, ăn uống không điều độ. Đáng nói là nhiều trẻ viêm loét dạ dày nhập viện trong tình trạng muộn do bệnh tiến triển rất nhanh.
Bác sĩ khám cho bệnh nhi bị viêm loét dạ dày. Ảnh: T.Hà.

Tại phòng khám tiêu hóa (Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi T.Ư), bác sĩ xác định bệnh nhi N.T.H (7 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội) bị viêm loét dạ dày. Chị Hạnh, mẹ bệnh nhân cho biết nửa tháng nay thấy con hay kêu đau bụng, thi thoảng buồn nôn hoặc nôn. 

Cứ nghĩ con bị rối loạn tiêu hóa nên chị Hạnh mua men tiêu hóa về cho con uống, nhưng tình trạng bệnh của bé có dấu hiệu nặng lên. Kết quả khám lâm sàng và nội soi dạ dày, bác sĩ phát hiện bé H. bị viêm loét dạ dày và chỉ định cho uống 3 loại thuốc.

Trường hợp khác là bệnh nhi Tr.V.Ch (ở Bắc Giang) nhập viện trong tình trạng cấp cứu vì bị xuất huyết dạ dày với khối lượng máu lên tới gần 1 lít. Mẹ bệnh nhân cho biết khoảng 3 tuần trước đó thấy con kêu đau bụng âm ỉ, nghĩ con bị giun nhiều nên mua thuốc tẩy giun cho bé uống. Các cơn đau không giảm mà còn tăng lên đến mức phải nhập viện. Các xét nghiệm cho thấy bé bị xuất huyết dạ dày nặng.

Trẻ bị đau dạ dày do căng thẳng, lo âu cũng là điều không hiếm gặp hiện nay. Chị Hạnh cho biết thấy các bạn cùng lớp con học thêm nhiều nên chị cũng cho bé học thêm mấy môn. Chị Hạnh nghĩ đơn giản, đã học thì phải ăn để đảm bảo sức khỏe, vì thế một ngày của bé H. hết ăn lại học, học lại ăn. Có những hôm hai ca học gần nhau nên hai mẹ con lại ra quán ăn tạm cái gì đó rồi vào lớp. Thức ăn ngoài quán đã trở nên quen thuộc với cậu bé. Nỗi ám ảnh ăn và học khiến bé H. bị căng thẳng. Nhiều khi chị Hạnh phải dọa nạt, quát mắng để bé ăn cho hết suất.

Ở trẻ em, thường cơn đau diễn ra khắp bụng chứ không chỉ đau vùng thượng vị như người lớn nên cha mẹ thường không nghĩ tới việc con mình đau dạ dày.

Bác sĩ Nguyễn Thị Út, Khoa Khám bệnh cho biết, nếu không được điều trị sẽ khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày, đặc biệt là biến chứng gây hẹp môn vị. Theo bác sĩ Út, thời điểm giao mùa, nhất là mùa thu sang đông, tỷ lệ trẻ mắc bệnh đau dạ dày cũng tăng lên.

Bác sĩ Bùi Thu Hương, Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa Vinmec) cho biết, khi bị căng thẳng, trẻ có nguy cơ bị ợ, gây hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản, tức là a-xít trong dạ dày trào lên thực quản gây ợ nóng, trào lên họng sẽ gây ho. Hiện tượng này lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ gây viêm loét dạ dày.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, tình trạng trẻ em mắc bệnh viêm loét dạ dày đang gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Khoa Nhi đã tiếp nhận một bệnh nhi 10 tuổi vào cấp cứu vì viêm loét dạ dày, tá tràng gây chảy máu đường tiêu hóa. Còn tại Bệnh viện Nhi T.Ư, lứa tuổi mắc bệnh dạ dày thường gặp nhất từ 5-10 tuổi. Mỗi tháng bệnh viện này tiếp nhận khoảng 200 trường hợp đến khám và điều trị vì đau dạ dày.

Bác sĩ Dũng cho hay nguyên nhân đầu tiên gây nên bệnh đau dạ dày ở trẻ chủ yếu là do ăn uống. Việc ép con cái ăn nhiều dễ khiến trẻ bị nôn, trớ vì trẻ no, hệ thống tiêu hóa không làm việc kịp dẫn đến đau dạ dày. Ngoài ra trạng thái lo âu, sức ép học tập lớn cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị đau dạ dày. Việc phụ huynh thúc ép trẻ học hành tạo cảm giác căng thẳng, học không vào đầu đối với trẻ, khiến trẻ luôn rơi vào trạng thái lo lắng thái quá dễ dàng dẫn tới những cơn đau bụng tăng dần lên, một biểu hiện ban đầu của bệnh dạ dày.

Bệnh dễ bị bỏ qua

Hiện nay đau dạ dày là bệnh đứng đầu trong các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa ở trẻ em. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ không nghĩ trẻ có dấu hiệu của bệnh đau dạ dày vì nghĩ chỉ người lớn mới mắc bệnh này. Bác sĩ Bùi Thu Hương cho biết một số trẻ bị đau dạ dày có biểu hiện đau bụng âm ỉ, có khi kéo dài đến vài tháng. 

Nhưng cũng có nhiều trường hợp trẻ có các cơn đau cấp tính như đau bụng dữ dội, nôn ra máu, đi ngoài phân đen. Ở trẻ em, thường cơn đau diễn ra khắp bụng chứ không chỉ đau vùng thượng vị như người lớn nên cha mẹ thường không nghĩ tới việc con mình đau dạ dày.

Triệu chứng lâm sàng để chẩn đoán bệnh lý dạ dày tá tràng thường không đặc hiệu ở trẻ em. Chủ yếu là đau bụng tái diễn, nôn hoặc buồn nôn, ợ hơi, ợ chua, đầy bụng khó tiêu. Một số trẻ có biểu hiện loét dạ dày tá tràng sẽ có đau bụng vùng thượng vị khi đói, đau về đêm làm trẻ thức giấc, thiếu máu, nôn máu hoặc đi ngoài phân đen. 

Mọi trẻ em đều có thể mắc bệnh lý dạ dày tá tràng. Với bệnh lý do nhiễm khuẩn Hp, tỷ lệ nhiễm vi khuẩn ở trẻ em tăng dần theo tuổi. Trẻ có thể bị nhiễm ngay từ khi sinh và tỷ lệ nhiễm tăng nhanh trong vòng 10 năm đầu của cuộc đời.