Cần kiểm soát kinh doanh rượu bia đến mức nào?

TPO - Ngày 30/8, Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tiến hành thẩm tra về dự thảo luật về phòng chống tác hại của bia rượu. Nhiều ý kiến, quan điểm trái chiều được đưa ra tại buổi làm việc này.
Rượu bia gây ra nhiều hệ lụy đối với xã hội. Ảnh minh họa.

Chưa xác định “ngưỡng an toàn”

Mặc dù đây là phiên họp thẩm tra, song hồ sơ ban soạn thảo trình lại không có chữ ký, con dấu, chưa có ý kiến chính thức từ Chính phủ. Theo Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Lưu Bình Nhưỡng, hồ sơ như vậy là không hợp lệ, cần chấn chỉnh trong cách làm luật như vậy.

Từ thực tiễn giảng dạy về pháp luật, ông Nhưỡng cho rằng, nội dung dự án luật chưa đảm bảo tính khoa học thực tiễn. Bởi theo ông, không thấy đạo luật nào lại cho rằng, rượu bia là một phát minh sai lầm của nhân loại. trong khi đó dự thảo lại toàn nói rượu bia độc hại, mà không nói tác dụng khi sử dụng đúng mức. Theo ông Nhưỡng, dự án luật hoàn toàn sai về đối tượng điều chỉnh, không bám sát, thậm chí đi lệch hướng, làm suy giảm sự phát triển kinh tế. Dù việc này đã được nhiều ý kiến đưa ra, nhưng lại không được tiếp thu.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội, rượu bia chưa được kiểm soát chặt chẽ dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe con người, nhưng dự án luật chưa giải quyết được điều này. Điển hình với rượu thủ công, nhiều vụ ngộ độc xảy ra từ đó, nhưng lại chưa thể hiện được sự quản lý hiệu quả.

Bà Thúy cũng đề nghị cần xem lại ngay từ tên gọi của dự thảo luật, bởi rượu bia khác thuốc lá, cứ sử dụng là có hại, còn rượu bia nếu lạm dụng nhiều mới gây hại. “Uống một tý rượu vang cũng tốt cho tim mạch”, bà Thúy dẫn dụ.

Tuy nhiên, cũng có đại biểu cho rằng, nếu cứ phân tích theo hướng vừa có lợi, vừa có hại như vậy thì không thể ra được luật. Bởi với người này thì có lợi, nhưng người khác lại không, còn tác hại thì đã nhìn thấy rõ. Chính vì vậy, cần ra luật để thấy rõ tác hại để từ đó giảm thiểu việc sử dụng rượu bia.

Đề cập đến vấn đề khuyến mại, quảng cáo, hay tài trợ cho các chương trình, nhiều ý kiến cho rằng, không nên quy định một cách cứng nhắc. Ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội ví dụ, các nhà hàng mới khai trương, thực hiện khuyến mại thì có xử lý được không?

Hay đối với việc hỗ trợ, giả dụ doanh nghiệp kinh doanh rượu bia mua mũ bảo hiểm tặng học sinh thì tốt chứ không nên cấm. Điều cốt yếu là không được lạm dụng các hoạt động xã hội đó để quảng cáo.

Ông Mai đề nghị phải cân nhắc đối với việc cấm bán rượu bia trên internet, vì hiện nay internet là kênh bán hàng phổ biến. “Quy định này có phù hợp với xã hội hiện đại không? Có khả thi không?”, ông Mai nêu.

Không xung đột pháp lý?

Nêu quan điểm, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong nhìn nhận, mục tiêu của luật phải là phòng và chống, nên cần phải xem liều lượng đã tương thích trong bố cục cụ thể chưa, trong khi “ngưỡng an toàn” lại chưa được thể hiện rõ.

Theo ông Phong, cần tập trung vào hành vi của con người khi lạm dụng rượu bia, nên phải làm sao để giảm cầu, còn giảm cung bằng cách nào cũng phải hết sức cân nhắc. Bởi điều này có liên quan đến chính sách thu hút đầu tư của các địa phương, cũng như của Chính phủ về kêu gọi đầu tư. Nhiều quy định cấm được đưa ra, nhưng chế tài và người đứng ra xử lý lại không có, nên không khả thi, dẫn đến nhờn luật.

Cho ý kiến tại buổi làm việc, phía Bộ Công Thương đưa ra nhiều bất cập trong dự thảo luật, khi coi “bia rượu như tội đồ”, rất phản cảm. Bộ này cũng cho rằng, nhiều quy định không khả thi, trái với các luật khác, như luật về thương mại, tài trợ, luật quảng cáo… dẫn đến có thể “đánh chết cả dây chuyền hệ thống sản phẩm”.

Uỷ ban ATGT Quốc gia nhấn mạnh, tác hại uống rượu bia khi lái xe quá rõ ràng, không bàn cãi. Khi kiểm tra các địa phương, xét nghiệm nồng độ cồn với những trường hợp nhập viện, kết quả rất đáng báo động, bởi có tỉnh 100% trường hợp có nồng độ cồn khi nhập viện. Ủng hộ mạnh mẽ kiểm soát việc sử dụng rượu bia khi lái xe, nhưng Uỷ ban ATGT cũng cho rằng, phải rất hài hòa chứ không cực đoan. Trong 180 quốc gia, cũng chỉ vài nước cấm hoàn toàn, còn lại phần lớn quốc gia đều đưa ra ngưỡng cho phép.

Đại diện ban soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tiếp thu đầy đủ các ý kiến, để hoàn thiện hơn cho dự án luật. Ông Long nói thêm, luật được xây dựng trên bình diện sức khỏe, nên khi ra đời phải làm sao hạn chế việc tiêu thụ rượu bia. Đối với những phản đối của Bộ Công Thương, điều này là đương nhiên, vì họ chỉ quan tâm đến vấn đề phát triển kinh tế, xúc tiến thương mại.

Về tên gọi, theo ông Long, Bộ Y tế đã bàn nhiều lần, gọi là tác hại hay lạm dụng?  Tuy nhiên, không có ngưỡng nào là ngưỡng an toàn về sử dụng rượu bia, cũng rất khó nói mức độ nào lạm dụng ra sao. Bởi nếu đến giai đoạn nghiện sẽ quá muộn, nên phải phòng là chính. “Dù không cấm được nhưng sẽ cố gắng hạn chế sự tăng trưởng như hiện nay”, ông Long cho hay, đồng thời khẳng định không có xung đột pháp lý nào liên quan đến luật này.