Cần có cơ chế để MTTQ thực hiện giám sát, phản biện

TP - Ngày 12/11, thảo luận Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), một số đại biểu (ĐB) kiến nghị: Cần quy định rõ hơn cơ chế để Mặt trận tham gia góp ý với Nhà nước, thực hiện giám sát, phản biện xã hội.
Đại biểu Huỳnh Minh Thiện (TPHCM). Ảnh: Như Ý.

Theo ĐB Huỳnh Minh Thiện (TPHCM), Hiến pháp 2013 đã xác định một trong những chức năng của Mặt trận là giám sát, phản biện xã hội; đồng thời quy định Đảng chịu sự giám sát của nhân dân. Hai nội dung này là pháp điển hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước, phù hợp với Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị về hoạt động giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận, các đoàn thể chính trị, xã hội. Việc nhân dân thực hiện quyền giám sát mà cụ thể ở đây là giám sát tổ chức Đảng, đảng viên thông qua MTTQ - người đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân là phù hợp.

Hiến pháp quy định Mặt trận là tổ chức tiêu biểu của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nên hoàn toàn có thể thay cho nhân dân, cũng như để nhân dân đặt niềm tin vào Mặt trận trong việc giám sát Đảng. Đây cũng là phương thức để Đảng chịu sự giám sát của nhân dân.

“Việc giám sát, phản biện của Mặt trận nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Do vậy không nên giới hạn Mặt trận chỉ phản biện đối với dự thảo, chính sách pháp luật, chương trình dự án mà phản biện cả khi chính sách pháp luật dự án được ban hành, thực hiện nhưng bộc lộ hạn chế, bất cập. Việc phản biện này góp phần điều chỉnh kịp thời chính sách pháp luật, dự án, sẽ nâng uy tín của Đảng, Nhà nước”, ĐB Huỳnh Minh Thiện phân tích.

Tăng cường sự đồng thuận

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) bày tỏ: Với đặc thù là một nước nhỏ, luôn có mối đe dọa thường trực và lâu dài về chủ quyền và lãnh thổ, việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội là quy luật tồn tại và nguyên tắc bất di bất dịch của dân tộc. Vì vậy, cần quy định rõ nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Mặt trận Tổ quốc là liên minh chính trị của các tầng lớp nhân dân.

ĐB Trương Trọng Nghĩa đề nghị bổ sung vào luật nguyên tắc “tôn trọng sự khác biệt về quan điểm”, không quy chụp tư tưởng, không kỳ thị hay phân biệt đối xử đối với những người tham gia giám sát, phản biện. “Đã từng có chuyện đấu tranh chống tham nhũng sau đó bị kỳ thị và đối xử phân biệt”, ông Nghĩa dẫn chứng. Đồng thời, bổ sung nguyên tắc không được lợi dụng giám sát, phản biện để có những hành vi bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, chia rẽ dân tộc, tôn giáo…

Trách nhiệm giải trình

ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho biết, dự thảo khẳng định giám sát của Mặt trận mang tính nhân dân. Giám sát đó cũng hỗ trợ bổ sung cho công tác giám sát, thanh tra nhà nước, góp phần kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách phù hợp, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Tuy nhiên, đối tượng, nội dung, phạm vi giám sát của Mặt trận chưa có nhiều điểm khác so với giám sát của cơ quan dân cử. “Các hình thức giám sát quy định trong dự luật chưa rõ ràng. Ban soạn thảo cần quy định cụ thể hơn các hình thức giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”, ĐB Thúy kiến nghị.

ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) đề nghị, cần quy định các cơ quan có thẩm quyền khi tiếp cận được các văn bản thông qua giám sát, phản biện của Mặt trận đều phải có trách nhiệm trả lời và giải trình.

ĐB Trương Trọng Nghĩa đề nghị bổ sung vào luật nguyên tắc “tôn trọng sự khác biệt về quan điểm”, không quy chụp tư tưởng, không kỳ thị hay phân biệt đối xử đối với những người tham gia giám sát, phản biện.