Về việc chuyển dịch sản xuất theo yêu cầu của thị trường, theo các chuyên gia, một trong những vướng mắc của dệt may, da giày của Việt Nam trong quá trình “xanh hóa” hiện nay là còn thiếu tính liên kết theo chuỗi giá trị. Với ngành dệt may, sợi sản xuất ra không được sử dụng trong nước để dệt vải mà chủ yếu xuất khẩu. Trong khi đó, vải sản xuất trong nước chỉ đáp ứng chưa đến 50% nhu cầu khiến mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu trên 10 tỷ USD vải các loại. Như vậy, chúng ta đạt thặng dư thương mại đối với sợi và hàng may mặc nhưng lại thâm hụt lớn đối với vải.
Cùng với đó, các FTA thế hệ mới, đặc biệt là CPTPP, EVFTA đặt ra yêu cầu về quy tắc xuất xứ, sợi và vải phải sản xuất tại Việt Nam, sử dụng tại Việt Nam hoặc ở các nước trong khối FTA thì mới được chứng nhận quy tắc xuất xứ và được hưởng thuế ưu đãi. Yêu cầu này đòi hỏi các doanh nghiệp dệt may, da giày buộc phải tập trung phát triển bền vững toàn bộ chuỗi giá trị, từ nguyên phụ liệu đầu vào đến quá trình sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường.
Vì thế, ngành dệt may, da giày cần thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, ưu tiên các dự án đầu tư công nghệ dệt nhuộm tiên tiến, không gây tác động xấu đến môi trường. Đồng thời, kết nối với các doanh nghiệp may mặc trong nước, hình thành chuỗi liên kết trên toàn chuỗi giá trị và đưa ra các giải pháp về khoa học - công nghệ nhằm xanh hóa ngành dệt may... hướng tới phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu của các thị trường lớn trên thế giới và theo kịp xu thế tiêu dùng xanh.
Bản thân các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức, đẩy mạnh đầu tư, đổi mới trang thiết bị hiện đại và triển khai các giải pháp nhằm xanh hóa sản xuất, đồng thời tự chủ được nguồn cung nguyên phụ liệu, đa dạng hóa thị trường,... nhằm nâng cao sức cạnh tranh.
Hướng đến phát triển bền vững toàn bộ chuỗi giá trị
Về phát triển bền vững và xanh hóa chuỗi cung ứng, TS. Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) cho rằng, ngành dệt may, da giày đóng vai trò vô cùng quan trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và có tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội. Ngành dệt may, da giày đã tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, và phải đáp ứng đòi hỏi của các nước phát triển như Mỹ, EU và các nước về “xanh hóa” chuỗi cung ứng.
Theo ông Hội, ngành dệt may, da giày gặp rất nhiều thách thức do cả quy trình dệt - may hay da - giày, từ sản xuất đến sản phẩm cuối cùng phải “xanh hóa”. Tất cả các công đoạn từ sản xuất đều đòi hỏi các chất phát thải cũng như trách nhiệm xã hội, trách nhiệm môi trường cũng như trách nhiệm đối với người tiêu dùng.
Tuy nhiên, thuận lợi và thách thức luôn đan xen. Nếu vượt qua được thách thức, có thể coi là thuận lợi. Nhưng nếu có thuận lợi mà không nắm bắt được thì lại là thách thức. Thuận lợi nhất chính là quá trình đàm phán, gia nhập các hiệp định thương mại, chúng ta đã phải đáp ứng các cam kết các vấn đề về môi trường, về lao động, về trách nhiệm xã hội.
Bên cạnh thuận lợi, cũng có những thách thức. Thách thức đầu tiên là còn phụ thuộc vào các nguyên phụ liệu nhập khẩu. Việc phụ thuộc sâu vào chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu nhập khẩu kéo dài sẽ khiến chúng ta không để đảm bảo xanh hóa vì không thể truy xuất được nguồn gốc nguyên phụ liệu nhập khẩu.
Thách thức nữa liên quan cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp da giày, dệt may cần phải hoàn thiện như cơ chế đối với nguồn năng lượng, năng lượng xanh, ví dụ như là cơ chế thí điểm mua bán điện trực tiếp, cơ chế điện mặt trời áp mái vừa ban hành…
“Kể cả doanh nghiệp hiện nay có vốn, có mọi thứ nhưng tiếp cận những công nghệ nguồn, công nghệ sạch, công nghệ đảm bảo cho sản xuất vẫn còn khó khăn. Còn các công nghệ như công nghệ giảm thiểu nước thải, công nghệ tái chế, sử dụng các nguồn nguyên liệu thải cũng là một vấn đề thách thức cho ngành dệt may, da giày’, ông Hội cho hay.
Ông Hội cũng cho rằng, bên cạnh đó, các chương trình của ngành Công Thương, của Bộ Công Thương cũng phải chuyển đổi. Trong năm 2024 riêng với chương trình Thương hiệu quốc gia cũng đã tập trung vào xanh hóa hàng hóa và dịch vụ nói chung cũng như hàng dệt may, da giày nói riêng, cùng với đó là chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và các chương trình khuyến công quốc gia, chương trình công nghiệp hỗ trợ cũng phải tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp dệt may, da giày hướng tới tham gia vào chuỗi cung ứng xanh và đòi hỏi chuyển đổi xanh trong bối cảnh thời gian tới.
Về cơ chế cho các doanh nghiệp ngành dệt may, da giày đẩy mạnh quá trình chuyển đổi sản xuất xanh hoá, các chuyên gia cho rằng, hiện nay chúng ta có Luật Bảo vệ môi trường, có các nghị định, cũng có thông tư nhưng chúng ta cũng phải xây dựng được những tiêu chuẩn cụ thể. Chẳng hạn như có tiêu chuẩn xanh cho ngành dệt may, hay cũng phải có những tài liệu hướng dẫn để doanh nghiệp dệt may có thể thực hiện được lộ trình.
Bên cạnh đó, cũng có những khuyến khích về các cơ chế tài chính, chẳng hạn như doanh nghiệp thực hiện xanh thì sau khi thực hiện xanh hoá thì có những ưu đãi trong quá trình vay vốn, tiếp cận nguồn vốn, ưu đãi về thuế, hoặc ưu đãi được tiếp cận về mặt khoa học công nghệ, các công nghệ điển hình trong dệt may.
Cùng đó, cần có những hỗ trợ, đặc biệt là từ các hiệp hội để có thể xây dựng được đội ngũ nhân lực cho quá trình chuyển đổi xanh. Việc xây dựng đội ngũ này cũng cần được tập huấn, đào tạo liên tục, bởi lực lượng lao động trong ngành dệt may có đặc thù là chuyển dịch rất rõ ràng.