Những ngày cuối tháng 4, phóng viên Tiền Phong theo chân anh em cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý Vườn quốc gia Sông Thanh quay lại Khe Tà Vạt nơi một thời là "công xưởng", "điểm nóng" khai thác vàng trái phép giữa rừng già.
Ông Đinh Văn Hồng, Phó giám đốc BQL Vườn quốc gia Sông Thanh, cho biết: Sau gần 1 năm đánh sập hầm vàng trái phép, BQL tổ chức 38 đợt tuần tra, kiểm tra rừng tại khe Tà Vạt (thuộc khoảnh 2, tiểu khu 378), bãi Thạnh Mỹ 1 (thuộc khoảnh 1 tiểu khu 377), bãi Thạnh Mỹ 2 (thuộc khoảnh 3, tiểu khu 378). Hiện, khu vực các hầm vàng bị đánh sập được quản lý, bảo vệ tốt, đến nay không có dấu hiệu các đối tượng quay lại để thực hiện các hành vi khai thác trái phép.
Hình ảnh nổ mìn phá hầm vàng trái phép ở rừng Sông Thanh hồi tháng 6/2021.
"Sau hơn 40 năm, Quảng Nam mới dẹp được các điểm nóng khai thác vàng trái phép ở rừng Sông Thanh. Để bảo vệ thành quả đó, chúng tôi đề xuất và tổ chức duy trì lực lượng thường trực 24/24 tại các khu vực đã đánh sập hầm vàng. Anh em quán triệt tinh thần, tuyệt đối không chủ quan, lơ là để tạo cơ hội cho các đối tượng lợi dụng quay vào khai thác vàng trái phép", ông Hồng cho biết.
Ông Hồng chia sẻ: "Có theo chân anh em cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng, đi vào vùng lõi Vườn quốc gia Sông Thanh mới thấy hết được vất vả gian nan. Để bảo vệ được rừng, giữ được tài nguyên, anh em phải chấp nhận cuộc sống thiếu thốn giữa rừng sâu nước độc, ngày qua ngày băng rừng, lội suối để tuần tra, canh gác. Sự thầm lặng của họ đã góp sức lớn bảo vệ rừng cho thế hệ mai sau."
Tuyến đường tuần tra bảo vệ rừng ở Vườn quốc gia Sông Thanh nằm ở khu vực biên giới. Càng đi vào sâu bên trong, đường đi càng vất vả.
Một cây rừng ngã gãy, án ngự, chặn lối đi trên đường vào trạm bảo vệ rừng.
Sau hơn 3 giờ đi bộ, chúng tôi đặt chân đến Trạm bảo vệ rừng ở khu vực Khe Tà Vạt (thuộc khoảnh 2, tiểu khu 378). Nơi đây từng là một bãi khai thác vàng trái phép, với hàng chục hầm, giếng khai thác vàng đã được lực lượng chức năng đánh sập.
Một miệng hầm vàng cũ tại bãi vàng khe Tà Vạt cũ sau khi bị đánh sập hồi tháng 6/2021. Hơn 6 tấn thuốc nổ đã được lực lượng chức năng huy động người để gánh, cõng vào đây.
Xung quanh khu vực bãi vàng đã bị đánh sập các biển cảnh báo nguy hiểm đã được cắm lên.
Để bảo vệ rừng và thành quả đã đạt được sau 40 năm, lực lượng của Ban quản lý Vườn Quốc gia Sông Thanh được chỉ đạo lập các trạm, cắm chốt và tuần tra bảo vệ ngay tại rừng. Có bóng dáng lực lượng bảo vệ rừng, sau 1 năm tại các bãi vàng các đầu nậu, dân làm vàng không dám bén mảng đến.
Anh em băng rừng, tuần tra để kịp thời phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ để kịp thời báo cáo và triển khai lực lượng xử lý.
Để bảo vệ rừng, hàng ngày anh em phải băng rừng lội suối để đến các điểm trước đây thường xuyên xảy ra phá rừng, khai thác vàng trái phép.
Nguy hiểm luôn rình rập trên tuyến đường tuần tra bảo vệ rừng.
Dừng chân bên một gốc cây rừng cổ thụ giữa vùng lõi Vườn quốc gia Sông Thanh
Phút nghỉ ngơi trên đường tuần tra làm nhiệm vụ, bảo vệ rừng.
Mồ hôi ướt đẫm nhưng anh em không ai than mệt vì họ đã quá quen với những chuyến đi băng rừng, trèo đèo lội suối.
Lán trại tạm bợ được dựng lên để làm chỗ nghỉ ngơi cho anh em bảo vệ rừng ở khe Tà Vạt.
Tổng cộng có 21 chốt trực, mỗi chốt có 10 người. Hàng ngày, sẽ chia ra 3 tốp tuần tra.
Sau mỗi ngày tuần tra mệt nhọc, anh em lại lán trại để xúm tay nấu ăn. Thực phẩm mỗi tuần, anh em thay nhau cõng vào đây để duy trì cuộc sống giữa rừng sâu.
Người đun lửa, nấu cơm, nấu nước.
Người xắt thân chuối rừng làm rau, cải thiện.
Để có thêm nguồn thực phẩm, anh em tăng gia, chăm bón từng cây rau xung quanh lán trại.
Màu xanh cây cối bao phủ những bãi vàng trái phép nham nhở một thời. Một nhành mướp được anh em chăm sóc đã ra nụ, kết trái.
Hơn 1 năm nay, họ đã quen với nhịp sống xa nhà và những bữa ăn đơn sơ, đạm bạc như thế này.
Ánh đèn điện sạc pin là nguồn ánh sáng duy nhất của anh em tại lán trại ở lại rừng khi về đêm.
Giữa rừng già, không có sóng điện thoại, chiếc radio trở thành phương tiện, kênh giải trí duy nhất của anh em.
Nhưng để bắt được sóng radio không hề dễ. Anh em phải nối dây diện để làm ăng-ten, rồi tỉ mẩn dò "sóng lạc", nhưng phải hồi lâu mới bắt được sóng chuẩn để nghe tình hình thời sự bên ngoài.
Bnước Nam (22 tuổi) thành viên trẻ tuổi nhất tại trạm bảo vệ Khe Tà Vạt đang chuẩn bị võng để cho anh em ngủ. "Hơn 1 năm ngủ võng, em đã quen rồi. Giờ về ngủ giường không ngủ được" Nam chia sẻ.
Tính đến tháng 3/2022, Ban quản lý Vườn quốc gia Sông Thanh đã ký với 236 hợp đồng lao động chuyên trách bảo vệ rừng. Đây là lực lượng nòng cốt để thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng, tuần tra, kiểm tra rừng, phân công bố trí làm việc tại Văn phòng Ban quản lý, Đội cơ động bảo vệ rừng và các Trạm quản lý bảo vệ rừng trực thuộc.
Nguyễn Thành