Cách truyền đạt góp phần tạo sức sống mạnh mẽ

TP - Các cấp bộ Đảng đang tích cực nghiên cứu, triển khai đưa Nghị quyết Đại hội XI vào cuộc sống. Làm thế nào để tinh thần Nghị quyết đến được toàn thể đảng viên, cán bộ và nhân dân, được mọi người đồng lòng thực hiện? Tiền Phong tiếp tục trao đổi với GS-TS Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, Ủy viên Hội đồng Lý luận T.Ư.

> Điểm mới nổi bật là phát triển nhận thức về CNXH

Để Nghị quyết lan tỏa, đi vào cuộc sống thì khâu truyền đạt phải triển khai ra sao, thưa ông?

Đảng ta nhấn mạnh phải đổi mới không chỉ quy trình ra nghị quyết mà khi có nghị quyết thì phải nhanh chóng đưa vào cuộc sống. Do vậy cần đổi mới cả quá trình tuyên truyền, phổ biến, học tập, vận dụng nghị quyết.

Theo tôi, điều đầu tiên là phải tạo được sự thống nhất nhận thức, để đi đến thống nhất trong hành động. Muốn vậy, việc truyền đạt nghị quyết phải làm nổi bật những quan điểm, lý luận mới của Đảng. Luôn chú trọng tính nhất quán giữa tư tưởng lý luận với quan điểm chính trị của Đảng, cũng như những giải pháp hành động thực tiễn sao cho hiệu quả.

Muốn vậy, đội ngũ báo cáo viên phải được lựa chọn cẩn thận, phải gồm những người am hiểu lý luận, có khả năng truyền đạt trong sáng, dễ hiểu, có sức thuyết phục, tạo được niềm tin cho cán bộ đảng viên và nhân dân. Khi đó, sức mạnh tư tưởng của nghị quyết sẽ có giá trị to lớn trong thực tiễn cuộc sống. Ngoài ra, quá trình truyền đạt nghị quyết phải chú trọng quan điểm thực tiễn, thiết thực, hiệu quả, không hình thức.

Người dân rất tin tưởng ở Đảng và quan tâm đến việc học tập, triển khai nghị quyết, nhưng sức mạnh lôi cuốn, hấp dẫn người dân là sự chuyển biến trong đời sống hằng ngày như mức sống, việc làm được cải thiện. Khái niệm “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” sẽ được người dân quan tâm nhất.

Cho nên, quá trình truyền đạt, triển khai nghị quyết, phải gắn với việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân thì sẽ tạo được đồng thuận trong xã hội, giá trị của nghị quyết mới có sức sống lâu bền trong nhân dân.

Từ nghị quyết vào cuộc sống phải được thể chế hóa qua chính sách pháp luật, vậy chúng ta cần triển khai công tác này như thế nào?

"Người dân rất tin tưởng ở Đảng và quan tâm việc học tập, triển khai nghị quyết, nhưng sức mạnh lôi cuốn, hấp dẫn người dân là sự chuyển biến trong đời sống hằng ngày như mức sống, điều kiện làm việc được cải thiện" - GS-TS Hoàng Chí Bảo.

Tư tưởng, đường lối của Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền thì tất yếu phải được thế chế hóa về mặt nhà nước, trở thành luật pháp, chính sách, quy định cụ thể. Trong nghị quyết lần này, Đảng ta cũng chú trọng xây dựng nhà nước pháp quyền, luật pháp được đặt ở vị trí tối thượng.

Trong nền kinh tế thị trường, phát triển các thành phần kinh tế, xây dựng một nhà nước pháp quyền, hội nhập quốc tế thì mọi công dân có quyền làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm. Quá trình thể chế hóa phải sửa, hoàn chỉnh các bộ luật. Chúng ta phải sửa đổi Luật Đất đai, các luật về đầu tư, phát triển khoa học công nghệ, luật về quyền, lợi ích của người dân… Đây là hành lang pháp lý để đưa tư tưởng, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Hà Nhân (thực hiện)

Theo Báo giấy