Các trường top trên xét tuyển từ điểm sàn: Thí sinh đừng ảo tưởng!

TP - Sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm sàn, nhiều trường ĐH cũng công bố mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển để thí sinh lượng sức. Tuy nhiên, trong số đó, có nhiều trường ĐH top trên vẫn thông báo nhận hồ sơ xét tuyển từ điểm sàn của Bộ GD&ĐT. Vì sao có hiện tượng này và thí sinh cần nhìn nhận thế nào?
Thí sinh làm bài thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2017. Ảnh: Như Ý.

ĐH Y Hà Nội là trường ĐH trong khối ngành y dược có điểm tuyển sinh đầu vào cao nhất cả nước hiện nay. Nhưng theo thông báo của ĐH Y Hà Nội, mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển vào trường là từ điểm sàn của Bộ GD&ĐT tức là 15,5 điểm. Trong khi đó, điểm trúng tuyển năm 2016 vào trường cao nhất là 27 điểm (ngành Y đa khoa) và thấp nhất là 23,25 điểm (ngành y tế công cộng). Như vậy, giữa mức điểm nhận hồ sơ năm nay và mức điểm chuẩn năm ngoái của trường chênh nhau nhiều nhất 11,5 điểm và thấp nhất là 7,75 điểm. Trong khi đó, theo nhận định của các chuyên gia tuyển sinh thì năm nay, điểm trúng tuyển của các ngành khối y dược không thể thấp hơn năm trước. Chính vì vậy, việc trường ĐH Y Hà Nội nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển từ điểm sàn của Bộ đang khiến dư luận băn khoăn.

Trao đổi với Tiền Phong, PGS Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội giải thích quy định nhận hồ sơ xét tuyển của trường từ điểm sàn của Bộ là do trong đề án tuyển sinh của trường trình bộ hồi tháng 3 đã quy định như thế nên không thay đổi được. PGS Tú khẳng định điểm chuẩn vào trường không thấp hơn năm 2016. “Quy định mức điểm nhận hồ sơ là như thế. Nhưng khi đăng ký nguyện vọng, thí sinh cần tham khảo điểm chuẩn của những năm trước. Chắc chắn, điểm trúng tuyển vào trường không thể từ điểm sàn”- PGS Nguyễn Hữu Tú khẳng định. PGS Nguyễn Hữu Tú cũng khuyên thí sinh nếu có đam mê với ngành y thì không nhất thiết phải vào bằng được y đa khoa mà trong y có nhiều ngành khác. Thí sinh có thể học các ngành lân cận và vẫn có cơ hội để làm việc trong ngành y. Hơn nữa, PGS Nguyễn Hữu Tú cũng cho biết thêm, trường còn một phân hiệu nữa tại Thanh Hóa. Điểm chuẩn vào ngành y đa khoa tại phân hiệu Thanh Hóa năm trước có thấp hơn tại cơ sở Hà Nội. Tuy nhiên, chương trình đào tạo như nhau, đội ngũ giảng viên, giáo sư đào tạo không khác cơ sở tại Hà Nội.

Thí sinh cần tỉnh táo trước quy định nhận hồ sơ xét tuyển từ điểm sàn của các trường top trên. Ảnh: Nghiêm Huê.

Thí sinh cần lượng sức

PGS Đoàn Quang Vinh, Phó giám đốc ĐH Đà Nẵng cho rằng năm nay, ngoài điểm sàn của Bộ GD&ĐT, các trường ĐH có thêm điểm sàn nhận hồ sơ cao hơn điểm sàn của Bộ không có ý nghĩa. “Như năm trước, mỗi thí sinh chỉ được 4 nguyện vọng đăng ký vào tối đa 2 trường ĐH. Nếu một nguyện vọng không đủ điểm đỗ thì thí sinh mất 1 cơ hội. Như vậy chỉ còn 3 nguyện vọng khả thi. Còn năm nay số lượng nguyện vọng không hạn chế. Thí sinh thích trường nào đăng ký vào trường đó. Nên nếu có lỡ đăng ký vào trường không đủ điểm trúng tuyển thì cũng không mất cơ hội trúng tuyển trường khác như những năm trước. Đặt thêm một mức sàn nữa không cần thiết, phức tạp cho chính nhà trường” - PGS Đoàn Quang Vinh cho hay.

Trước băn khoăn của dư luận việc các trường top trên nhận hồ sơ từ điểm sàn để xét tuyển có làm các trường mất giá không? PGS Vinh cho rằng chuyện có giá hay không có giá, dư luận đánh giá bằng tiêu chí khác chứ không phải nhìn vào mức điểm nhận hồ sơ. Vì mức điểm chuẩn vào nhiều trường top trên khác hoàn toàn với mức điểm sàn nhận hồ sơ. Vì vậy, theo PGS Vinh,  những thí sinh đăng ký một cách nghiêm túc nguyện vọng của mình vào đâu thì phải lượng sức của mình. Thí sinh sẽ phải xem điểm năm ngoái thế nào, điểm thi của mình đạt bao nhiêu. Thí sinh phải suy nghĩ, tính toán. Đó là quyền lợi của thí sinh.

Còn GS Đặng Kim Vui, giám đốc ĐH Thái Nguyên thì cho biết, ở mỗi trường, mức điểm chuẩn cũng như mức điểm sàn đưa ra giữa các ngành không giống nhau. Mỗi ngành có một mức điểm nhận hồ sơ. Ví dụ như ở ĐH Bách khoa Hà Nội có những ngành phải điểm rất cao mới đỗ, nhưng có ngành thì chỉ hai mấy điểm sẽ đỗ. ĐH Thái Nguyên cũng thế. Những ngành liên quan đến y dược có khi phải 24, 25 điểm mới đỗ còn những ngành như nông nghiệp... chỉ bằng điểm sàn của Bộ cũng đỗ.

“Tôi nghĩ, nhiều trường nới rộng khoảng cách giữa điểm sàn nhận hồ sơ và điểm chuẩn cũng là một  cách để họ phòng thủ. Vì nhiều thí sinh thi đạt điểm cao nhưng không đi học ĐH” - GS Vui cho hay.  Ông khẳng định, dù nhận hồ sơ ở mức điểm sàn nhưng điểm chuẩn của các trường top trên sẽ vọt lên cao hơn nhiều. Còn điểm sàn chỉ có giá trị tham khảo, không có giá trị cao như trước đây.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo ĐH, trường ĐH Bách khoa Hà Nội lại đưa ra quan điểm hoàn toàn khác. Ông Điền cho rằng, việc các trường đưa ra điểm sàn có hai ý nghĩa. Thứ nhất là để định hướng thí sinh. Thí sinh không phải mất thời gian đi tìm kiếm thông tin liên quan đến  trường. Nhìn vào mức điểm sàn có thể lượng được sức. Nhưng theo ông Điền, quan trọng nhất là điều thứ hai. Đó là khẳng định thương hiệu của trường và đảm bảo được chất lượng đào tạo. “Trong một trường, kể cả trường top trên hay top thấp đều có những ngành dễ tuyển sinh và ngành khó tuyển sinh. Nếu trường top trên nhận hồ sơ từ điểm sàn, nhưng ngành khó tuyển sinh số lượng hồ sơ nộp vào không đủ chỉ tiêu. Lúc đó, sẽ phải lấy hết thí sinh từ mức điểm sàn hay giải quyết thế nào?” - ông Điền phân tích. Ông cũng công nhận, ngay tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội, có những ngành thực sự rất khó tuyển sinh.  Nhưng không phải vì thế mà có thể tuyển những thí sinh chỉ 16, 17 điểm. Mục tiêu của trường là nâng cao chất lượng đào tạo nên dù không đủ chỉ tiêu vẫn chấp nhận, không hạ thấp chuẩn đầu vào.

Được biết, cách đây vài năm, Bộ GD&ĐT đã từng có ý định đưa ra nhiều mức điểm sàn theo phân tầng giữa các trường. Tuy nhiên, ý tưởng này của Bộ đã nhận được sự phản đối của rất nhiều trường. Vì các trường cho rằng đưa ra nhiều mức điểm sàn như thế là Bộ phân biệt “công dân hạng một, công dân hạng hai”, ảnh hưởng đến các trường trong khi chưa có quy định về phân tầng, xếp hạng các trường ĐH. Trong khi đó, theo Luật giáo dục ĐH, tuyển sinh là vấn đề tự chủ của các trường. Chính vì vậy nên Bộ GD&ĐT cũng cho biết, từ năm 2018, Bộ sẽ không công bố điểm sàn nữa mà các trường phải tự công bố mức điểm sàn của mình dựa vào các điều kiện, tiêu chí đảm bảo chất lượng theo quy định.

“Tôi nghĩ, nhiều trường nới rộng khoảng cách giữa điểm sàn nhận hồ sơ và điểm chuẩn cũng là một cách để họ phòng thủ. Vì nhiều thí sinh thi đạt điểm cao nhưng không đi học ĐH”.

Giám đốc ĐH Thái Nguyên, GS Đặng Kim Vui