Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo:

Các hồ thủy điện không thể triệt lũ hoàn toàn

TP - Theo Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), ông Đỗ Đức Quân, các hồ thủy điện đang xả lũ theo quy trình vận hành liên hồ chứa đã được cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt. Hiện nhiều hồ thủy điện không thể giúp triệt lũ hoàn toàn.

Ông Đỗ Đức Quân.

Trong đợt mưa lũ vừa qua, một loạt hồ thủy điện phía Bắc xả lũ. Xin ông cho biết, việc xả lũ hồ chứa thủy điện thực hiện theo quy trình, quy tắc nào?

Trong đợt mưa lũ vừa qua, các hồ thủy điện phía Bắc đã thực hiện xả lũ theo quy trình đã được cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt theo thẩm quyền (UBND tỉnh, Bộ Công Thương) và Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng theo Quyết định 1622 của Thủ tướng Chính phủ về việc xả lũ của các hồ chứa Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát, Thác Bà, Tuyên Quang, Sơn La, Hòa Bình.

Việc xả điều tiết lũ các nhà máy thủy điện là bắt buộc, nếu không vận hành điều tiết nước khi có lũ gây mất an toàn cho công trình và hạ du. Các hồ chứa trên vận hành theo nguyên tắc là trong quá trình vận hành điều tiết lũ (từ thời điểm lũ lên đến khi đạt đỉnh) không làm gia tăng lưu lượng xả xuống hạ du so với lưu lượng tự nhiên vào hồ. Đối với các hồ chứa Tuyên Quang, Sơn La, Hòa Bình, vận hành liên hồ chứa theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai. Nhưng tùy theo công trình, việc điều tiết xả lũ có thể thực hiện ngay khi lũ về không thể để lũ lớn về mới xả, vì sẽ ảnh hưởng an toàn công trình và hạ du.

Sau mỗi lần thủy điện xả lũ, vùng hạ du bị ngập úng và nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân do thủy điện. Về phần mình, các đơn vị quản lý các công trình thủy điện luôn khẳng định thực hiện xả lũ đúng quy trình. Phải chăng quy trình vận hành xả lũ hiện nay có vấn đề và cần phải sửa đổi bổ sung?

Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện được xây dựng và ban hành căn cứ Quyết định số 285/2006/QĐ-TTg ngày 25/12/2006 của Thủ tướng Chính phủ. Quan điểm chủ đạo khi xây dựng quy trình vận hành là đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du, có tính linh hoạt cho người điều hành trực tiếp. Nguyên tắc cơ bản để thiết kế và vận hành công trình thủy điện là không làm gia tăng lưu lượng đỉnh lũ về hạ du so với lũ tự nhiên đến hồ.

Bộ Công Thương đang phối hợp chặt chẽ với địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan kiên quyết chỉ đạo, xử lý các trường hợp vi phạm hoặc không thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành về vận hành hồ chứa theo đúng quy định.

Thực tế những ngày qua cho thấy, các hồ thủy điện tại miền Bắc đã có thể góp phần triệt lũ trong khi các hồ thủy điện miền Trung, Tây Nguyên không làm được điều đó, đâu là nguyên nhân thưa ông?

Đối với các hồ thủy điện như Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà trên lưu vực sông Hồng là những hồ chứa lớn, ngay từ giai đoạn nghiên cứu qui hoạch, đầu tư xây dựng đã quy định nhiệm vụ là chống lũ cho hạ du. Theo đó, dung tích chống lũ các hồ Sơn La và hồ Hòa Bình trên sông Đà là 7 tỷ m3, hồ Tuyên Quang là 1 tỷ m3, hồ Thác Bà là 450 triệu m3 để phối hợp vận hành chống lũ đảm bảo an toàn cho đồng bằng Bắc bộ với các trận lũ tại Sơn Tây có chu kỳ lặp lại nhỏ hơn hoặc bằng 500 năm và giúp giữ mực nước sông Hồng tại Hà Nội không vượt quá cao trình 13,4 m. Như vậy, mục tiêu chống lũ chỉ đảm bảo tần suất lũ nêu trên, không thể cắt (triệt) lũ hoàn toàn.

Đối với các hồ chứa thủy điện trên các lưu vực sông còn lại do điều kiện về kỹ thuật, kinh tế và xã hội nên khó có thể xây dựng được hồ chứa lớn để phòng, cắt lũ cho hạ du, nhất là các hồ chứa ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên...

Cảm ơn ông