Đà Nẵng đang có chủ trương lấy lại sân vận động Chi Lăng trước đây đã bán cho Công ty TNHH tập đoàn Thiên Thanh của Phạm Công Danh. Sau khi bán, ngày 10/11/2010, UBND TP Đà Nẵng có công văn số 7120 chấp thuận đề nghị tách thửa cho các công ty thành viên. Từ đó đến nay, dự án chưa được triển khai, khu đất SVĐ Chi Lăng được chia thành 14 lô. Tháng 1/2011, UBND TP Đà Nẵng đã cấp 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 10 công ty thành viên của Tập đoàn Thiên Thanh. Năm 2013 và 2014, các công ty này thế chấp các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay vốn tại các ngân hàng. Hiện nay, sân vân vận động này đang vướng vào pháp lý của vụ án Phạm Công Danh.
Tại buổi làm việc, ông Nghĩa cho hay Chính phủ đã chỉ đạo Đà Nẵng phải xem xét nguyện vọng của người dân TP trong việc quyết lấy lại sân vận động này. Đây là nơi gắn với lịch sử Đà Nẵng trong các cuộc kháng chiến và trong quá trình phát triển. Sân Chi Lăng hiện không thể đưa ra đấu giá được vì 14 sổ đỏ được cấp không hợp pháp và khu vực này chưa thông qua quy hoạch.
Theo ông Nghĩa, việc cấp 14 sổ đỏ tại sân vận động này là sai, do đó các cá nhân liên quan việc cấp 14 sổ đỏ tại sân Chi Lăng khả năng sẽ phải đi tù nhưng ngân hàng chủ nợ lại đối mặt rủi ro lớn. Do đó, TP và các ngân hàng nên ngồi lại với nhau thương thảo cách giải quyết vướng mắc tại sân Chi Lăng theo hướng Đà Nẵng hoàn trả tiền đã bán sân Chi Lăng trước đó
Liên quan đến nhà máy thép Dana – Úc, đại diện Chi nhánh Ngân hàng Vietcombank Đà Nẵng cho hay Nhà máy thép này vay của ngân hàng này 228 tỉ đồng. Hiện số nợ này đã chuyển thành nợ xấu khi Dana Úc mất khả năng trả nợ do phải dừng hoạt động.
Ngoài ra, hai ngân hàng khác là Agribank và Ngân hàng Đầu tư phát triển Hải Vân Chi nhánh Đà Nẵng cũng ôm khoản nợ xấu hàng trăm tỉ đồng do cho hai nhà máy thép vay trước đây. Từ đó, các ngân hàng kiến nghị lãnh đạo TP sớm có phương án giải quyết đối với hai nhà máy thép để hai doanh nghiệp có khả năng trả được nợ.
Liên quan đến việc này, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho hay: Đà Nẵng đang tính toán di dời phần sản xuất không ô nhiễm tại hai nhà máy về Khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu) để khôi phục sản xuất. Riêng phần luyện thép gây ô nhiễm thì lãnh đạo TP cương quyết dừng hoạt động.
Cục thi hành án dân sự TP Đà Nẵng cho biết: Tài sản thế chấp là 10 lô đất trong Khu phức hợp sân vận động Chi Lăng, nhưng theo Luật Đất đai năm 2003 thì Khu phức hợp SVĐ Chi Lăng thuộc diện đất sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thì thời hạn sử dụng đất là có thời hạn. 10 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại Khu phức hợp SVĐ Chi Lăng được cấp năm 2011 với thời hạn sử dụng đất lâu dài là vi phạm pháp Luật đất đai về thời hạn sử dụng đất.
Theo quy định pháp Luật về đất đai và Kết luận số 2852/KL-TTCP ngày 2/11/2012 của Thanh tra Chính phủ thì thành phố phải thu hồi những Giấy chứng nhận này để điều chỉnh thời hạn sử dụng đất phù hợp với quy định.
Ngoài ra, khu phức hợp SVĐ Chi Lăng mới được phê duyệt sơ đồ ranh giới, chưa được lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết nên người nhận chuyển nhượng cũng không thể sử dụng đất vì việc sử dụng đất bắt buộc phải phù hợp với quy hoạch. Điều này dẫn tới việc các tổ chức, cá nhân không thể tham gia đấu giá để mua lại tài sản và làm cho việc xử lý tài sản kê biên để thi hành án không thực hiện được