Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường:

Buôn lậu tôm càng đỏ: Sẽ xử lý hình sự

TPO - Dịch tả lợn Châu Phi và tôm càng đỏ là hai vấn đề nóng được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nêu ra tại phiên thảo luận tổ về kinh tế-xã hội, sáng 22/5.
Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường. Ảnh Như Ý

Có thể lan ra 100% các tỉnh

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, “bức tranh” năm nay nổi lên trên thế giới có 2 điểm tác động. Trong đó, chiến tranh thương mại, đặc biệt là hai nước lớn Mỹ - Trung, do yếu tố cạnh tranh chiến lược nên “không một sớm một chiều dịu được”. Trong khi đây là hai thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, tạo sức ép lên tăng tưởng kinh tế chung.

Theo ông Cường, sự tác động lên ngành nông nghiệp là rất rõ. Tất cả mặt hàng nông sản thế giới đều giảm 5-15%. Tuy nhiên hết 4 tháng, bức tranh kinh tế vĩ mô vẫn tăng trưởng chung, riêng Bộ NN&PTNT năm 2018 tăng trưởng cao so với những năm trước, đạt 3,76%. Vì ở quá cao, cộng với tình hình thế giới nên kịch bản 2019 tăng 3%, xuất khẩu 12,7 tỷ USD trong 4 tháng.

Liên quan đến vấn đề nóng đang diễn ra là dịch tả lợn châu Phi, Bộ trưởng Cường cho biết, đây là loại bệnh nguy hiểm nhất đối với đàn lợn trên thế giới và Việt Nam. “Lịch sử ngành lợn chưa bao giờ có. Con virut này xuất hiện từ Châu Phi từ năm 1921. Độc tố nhanh đến mức độ sa đàn nào là 100% chết, sống ở môi trường vùng ven dài, biên độ nhiệt độ sống phổ rộng, con đường lây truyền đi nhiều đường chim, chuột, sâu bọ, côn trùng… rồi dây ra quần áo, phương tiện, gió bốc phế thải bay từ nơi này qua nơi khác, riêng ở con lợn rừng lây rất nhanh”, ông Cường cho hay.

Cũng theo Bộ trưởng, đến nay không có thuốc phòng và thuốc chữa nên buộc phải tiêu huỷ. Hiện trên thế giới đã xuất hiện ở cả 5 Châu, 60 nước. Khi dịch xuất hiện ở Trung Quốc, Việt Nam đã ban hành chỉ thị ngay năm 2018, xây dựng kịch bản để ngăn chặn nếu dịch vào. Tuy nhiên do đặc thù biên giới dài, du khách đông, đầu tháng 12/2018 chúng ta đã bị dịch. Mới nhất đến ngày 21/5 thêm điểm dịch mới xuất hiện ở tỉnh An Giang. Như vậy dịch đã xuất hiện tại 37 tỉnh, số lượng phải tiêu huỷ khoảng 1,6 triệu con, tương đương 65.000 tấn, chiếm 5% tổng đàn lợn nuôi.

Bộ trưởng cho biết, Ban Bí thư đã phải ban hành Chỉ thị, Thủ tướng có nhiều văn bản chỉ đạo, địa phương cũng vậy. Nhưng theo ông Cường, với tính chất bệnh và đặc thù Việt Nam 55% số hộ sản xuất nhỏ lẻ chăn nuôi, nên ngăn chặn rất khó, đặc biệt là diễn biến thời tiết.

“Chưa năm nào có diễn biến thời tiết phức tạp như năm nay. Chưa bao giờ có hoa sữa, hoa bằng lăng nở mùa nay. Đan xen giữa tháng 3 ngày nóng, tháng 4 lại đẹp, có ngày đẹp, mưa phùn, có ngày 3 miền đều mưa. Mấy hôm rồi trời nóng lại xen kẽ mưa. Tình hình tới dự báo còn rất căng. Dự báo với đà này nếu không triển khai tốt công tác vệ sinh an toàn sinh học, dịch có thể sẽ lan tiếp. Thậm chí có thể lan ra 100% các tỉnh”, Bộ trưởng nêu, đồng thời nhấn mạnh giải pháp cấp thiết cần đẩy nhanh nghiên cứu vacxin, kết hợp với Bộ Y tế có nhóm giải pháp về y tế nhanh nhất. Cũng theo ông Cường, Nga đã phải tốn tới 5 tỷ đô cho dịch này, tương tự Ba Lan, Trung Quốc cũng tốn kém.

Vụ tôm càng đỏ: Áp dụng cả kinh tế và hình sự

Thông tin về tôm càng đỏ, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, đây là sinh vật ngoại lai, đặc điểm rất phàm ăn. Chúng ăn đủ loại từ thực vật đến động vật, tôm, cá, lúa vẫn ăn được, vì càng và miệng cứng. Chúng đào hang, phá hết côn trình thuỷ lợi, bờ kênh mương, gây nguy cơ sạt lở.

Theo ông Cường, loài sinh vật ngoại lai này cấm chỉ định đưa vào Việt Nam. Cách đây 2 năm, ở Đồng Tháp có một việt kiều đưa về làm du lịch. Nhờ một nông dân đưa vào khu vực quy mô 2 ha, nhưng sau đó tràn ra, phá hết, tiêu diệt cả cá to. Sự việc đã được ngăn lại, nhưng gần đây nó lại xuất hiện trở lại dưới dạng thương mại. Bộ đã có văn bản gửi đến các tỉnh, đặc biệt tỉnh gần Trung Quốc.

“Gác cửa là Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhưng ngành nông nghiệp sợ tổn thương cây nông nghiệp vật nuôi, nên phải phối hợp thêm. Tôi mong địa phương thấy việc gì ảnh hưởng đến sản xuất thì xông vào”, ông Cường cho hay.

Bộ trưởng cũng nói thêm, Việt Nam hiện có khoảng 100 sinh vật ngoại lai, cây xấu hổ, cây mai dương, ốc bươu vàng… Mục tiêu đến 2020 bằng mọi giải pháp cơ học, tuyên truyền cố gắng giảm một nửa, co dần lại. Nhưng nay nặng nhất là ốc bươu vàng và cây mai dương. Chúng ta phải làm thường xuyên, thậm chí phải bằng biện pháp kinh tế và hình sự.

Đặc sản nước khác nhưng không phải nước mình. Đặc điểm hệ sinh thái từng nơi khác nhau, văn hoá từng nơi khác nhau. Không vì một lợi ích nhỏ của một bộ phận như thương mại để ảnh hưởng đến cái lớn, rồi sau này mất nhiều thời gian, tiền của để chạy theo và khắc phục”, ông Cường nhấn mạnh.