Chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI

BRT - Cú hích mới cho vận tải hành khách công cộng

TP - Với thế giới xe buýt nhanh khối lớn - BRT đang là loại hình vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) thông dụng. Tuy nhiên tại Việt Nam, loại phương tiện này vẫn còn khá xa lạ. Việc Hà Nội có kế hoạch đưa vào khai thác tuyến xe buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa trong năm 2016 (cũng là dự án đầu tiên của cả nước) đang gây được sự chú ý đặc biệt của dư luận. Còn lãnh đạo thành phố Hà Nội đặt kỳ vọng, đây sẽ là loại hình tạo “cú hích” mới cho VTHKCC Thủ đô.
Phối cảnh nhà chờ Nguyễn Tuân

Hoàn thiện hệ thống VTHKCC Thủ đô

Ông Vũ Hà, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Phát triển Giao thông Đô thị, Sở GTVT Hà Nội - chủ đầu tư dự án xe buýt nhanh BRT Kim Mã - bến xe Yên Nghĩa cho hay, với ưu thế chạy nhanh, chở được nhiều người, xe buýt nhanh BRT đang là loại hình VTHKCC chủ công của nhiều thành phố phát triển trên thế giới. Sớm nắm bắt được lợi thế này, tháng 5/2007, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt giao cho Sở GTVT làm chủ đầu tư dự án này.

Cũng theo ông Hà, hợp phần xe buýt nhanh BRT là một trong 3 hợp phần của Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội sử dụng vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới (WB). Mục tiêu của hợp phần này là thí điểm phát triển một loại hình vận chuyển xe buýt khối lượng lớn, tốc độ nhanh, chạy trên làn đường dành riêng để nhằm hoàn thiện hệ thống VTHKCC của Thủ đô; góp phần khuyến khích người dân hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc cho giao thông Hà Nội. 

“Mặc dù gặp nhiều khó khăn như phải điều chỉnh thay đổi hướng tuyến cho phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, rồi đến việc sử dụng kết cấu mặt đường cho làn dành riêng trên từng đoạn tuyến cũng đều phải cân nhắc, xem xét kỹ… nhưng đến nay tiến độ triển khai các gói thầu của hạng mục BRT đang được tập trung đẩy nhanh”, ông Hà nói.

Nhà chờ Hoàng Đạo Thúy, một trong 21 nhà chờ trên đường riêng của xe buýt BRT.

Đặc biệt theo ông Hà, việc phát triển dự án xe buýt nhanh BRT còn là một phép thử hiệu quả về tư duy quản lý đô thị cũng như thay đổi thói quen đi lại của người dân. Điều dễ nhận thấy là nếu cứ để cho phương tiện giao thông cá nhân phát triển như hiện nay thì mọi cố gắng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông  sẽ không thể đáp ứng được và ùn tắc sẽ ngày càng trầm trọng, cản trở, kìm hãm sự phát triển của Thủ đô. 


Giải pháp hữu hiệu và bền vững nhất hiện nay là ưu tiên cho phát triển VTHKCC, tạo sự thuận lợi, văn minh và chất lượng phục vụ cao để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, đặc biệt là xe buýt nhanh BRT. 

Xe buýt khối lớn, chất lượng cao lăn bánh

Đề cập đến tiến độ dự án, ông Hà cho hay, sau những trở ngại như ở trên, đến tháng 2/2013, dự án BRT thí điểm được triển khai trên trục đường Kim Mã - Láng Hạ - Lê Văn Lương - Yên Nghĩa (Hà Đông) với chiều dài 14,7km. Đến nay, các hạng mục xây lắp chính của dự án đã cơ bản hoàn thành, hiện hệ thống nhà chờ dọc tuyến đang được gấp rút triển khai để kết thúc phần xây lắp. Theo kế hoạch quý 3/2016, dự án xe buýt nhanh BRT sẽ đi vào vận hành. “Cùng với xe buýt và các dự án đường sắt đô thị, BRT sẽ là sự bổ sung hoàn hảo cho hệ thống giao thông công cộng Thủ đô”, ông Hà nhấn mạnh.

Phối cảnh Trung tâm điều hành mạng lưới xe buýt nhanh BRT Kim Mã.

Nói đến quá trình vận hành và quản lý khi dự án e buýt nhanh BRT đi vào hoạt động, ông Hà cho rằng, đây là loại hình vận tải công cộng hoàn toàn mới ở Việt Nam. Do vậy điều trước tiên phải làm là tuyên truyền để người dân hiểu rõ về dự án, ủng hộ cho dự án, có ý thức chấp hành các quy định phù hợp với loại hình vận tải mới. Bên cạnh đó phải làm tốt công tác tổ chức giao thông hợp lý, đặc biệt là giai đoạn khai thác ban đầu. 
Tổ chức tốt việc trung chuyển, kết nối các tuyến buýt thường với tuyến buýt nhanh, tạo thuận lợi, an toàn cho hành khách khi tiếp cận các ga, các nhà chờ, cung cấp các dịch vụ cần thiết, cung cấp đầy đủ thông tin hướng dẫn hành khách sử dụng dịch vụ một các chu đáo, tận tình.

Về vận hành, ông Hà cho biết, xe buýt BRT được quản lý bằng hệ thống điều hành giao thông thông minh. Trên các xe đều gắn thiết bị định vị để kết nối thông tin với Trung tâm Điều hành đặt tại bến xe Kim Mã. Đèn tín hiệu tại các nút giao thông mà BRT đi qua sẽ được tích hợp với hệ thống trên xe và Trung tâm Điều hành Giao thông để ưu tiên xe buýt này đi qua. 

“Tần suất xe hoạt động 3 - 5 phút/chuyến, lưu lượng chuyên chở 90 hành khách/chuyến và tốc độ di chuyển 20-22 km/giờ. Với các ưu điểm giống như hệ thống xe buýt nhanh BRT của các thành phố phát triển trên thế giới… buýt BRT Hà Nội sẽ là hệ thống xe buýt chất lượng cao, văn minh để người dân Thủ đô lựa chọn”, ông Hà khẳng định. 

Buýt nhanh BRT Kim Mã - bến xe Yên Nghĩa có tổng chiều dài 14,7 km, chạy trên các trục đường Kim Mã - Láng Hạ - Lê Văn Lương - Yên Nghĩa (Hà Đông). Xe hoạt động với tần suất 3 - 5 phút/chuyến, lưu lượng chuyên chở 90 hành khách/chuyến và tốc độ lưu thông 20-22 km/giờ. Xe chạy trên một làn đường riêng rộng 3,5m. Toàn tuyến có 21 nhà chờ, 02 điểm đầu cuối, tổng số xe buýt BRT chạy trên tuyến 35 xe, mỗi xe dài 12m.