Liên tục san lấp rồi…bán
Người dân ở khu phố 5, phường Bình Thuận, quận 7, TPHCM đau đầu với một vụ san lấp, lấn chiếm kênh rạch. Đầu năm 2012, một phần con kênh thoát nước ở cuối đường 47 bị ông Nguyễn Văn Tiến, người dân phường này cho xe đến đổ đất san lấp khiến người dân bức xúc. Bà M., cư dân sống gần khu vực lấn chiếm, nói: “Trước đây mưa lớn, triều cường cao, khu vực này vẫn không ngập, nhưng từ khi ông Tiến lấp rạch nên thường xuyên rơi vào cảnh ngập úng do dòng chảy bị bóp nghẹt”. Dù nhiều lần phản ánh, bà M. nói chính quyền vẫn “ngó lơ”. “Khi chúng tôi đến UBND phường Bình Thuận phản ánh gay gắt, lúc này họ mới xuống kiểm tra và lập biên bản về hành vi san lấp kênh rạch trái phép của ông Tiến. Tuy nhiên họ lập biên bản rồi… bỏ đó”- bà M. nói.
“Án binh bất động” một thời gian, ông Tiến lại san lấp trái phép tiếp. Diện tích lấn chiếm con kênh ngày càng “phình” ra. Quá bức xúc, người dân phản ứng quyết liệt với chính quyền. Lúc này, UBND phường Bình Thuận mới ra quyết định đình chỉ, lên kế hoạch cưỡng chế vi phạm, nêu rõ thời gian thực hiện. “Nghĩ vụ việc sắp được xử lý dứt điểm, nhưng sau đó đến thời hạn cưỡng chế, người dân vẫn không thấy ai thực hiện”- chị T. một cư dân ở gần nơi ông Tiến san lấp, phản ứng. Đến khoảng cuối năm 2014, diện tích san lấp kênh rạch trái phép lên đến hàng trăm mét vuông. Dân tiếp tục phản ánh thì chính quyền địa phương cũng chỉ dừng lại ở việc lập biên bản, xử phạt hành chính, ra quyết định cưỡng chế nhưng rồi… không thực hiện.
Theo điều tra của PV, “quy trình” san lấp kênh trái phép của ông Tiến từ phường đến quận đều rõ nhưng không hiểu sao các cơ quan này không chịu xử lý dứt điểm. Cụ thể, khoảng cuối tháng 11/2012, UBND phường Bình Thuận lập biên bản cho thấy, diện tích ông Tiến san lấp trái phép là 60,3 m2. Đến năm 2013, diện tích san lấp trái phép đã tăng lên đến 443,2 m2. Thời điểm này, ông Tiến tiến hành xây nhà trái phép, phường cũng có lập biên bản vi phạm, sau đó ra quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình…
Năm 2015, ông Tiến tiếp tục xây nhà trên đất san lấp trái phép, cư dân phản ánh thì UBND phường Bình Thuận tiếp tục “soạn lại bổn cũ” như: Lập biên bản, ra quyết định xử phạt, quyết định cưỡng chế rồi...để đó. Mới đây, ông Nguyễn Đức Chiến, khẳng định mình đã mua lại khu đất san lấp trái phép của ông Tiến và tiến hành xây khoảng 18 căn nhà trên diện tích 743,2 m2 đất kênh rạch lấn chiếm trái phép. Trả lời phóng viên vấn đề này, ông Nguyễn Đức Chiến tiết lộ, thửa đất ông xây dựng có giấy phép của chính quyền.
Tiếp đó, bà Nguyễn Thị Đàm Chi (trú phường Tân Hưng, quận 7) gửi đơn đến UBND phường Bình Thuận xin xây dựng nhà tạm không kiên cố trên mảnh đất thuộc một phần thửa số 43, 44, tờ bản đồ số 14. Bà Chi khai với UBND phường Bình Thuận, đây là thửa đất bà chuyển nhượng bằng giấy tay (không công chứng) từ ông Tiến. Ngày 2/12/2015, UBND phường Bình Thuận gửi văn bản đến UBND quận 7 cho biết, khu đất này có vị trí ở cuối đường 47, đề nghị quận xem xét và được ông Lê Trọng Hiếu - Nguyên Chủ tịch UBND quận 7 ký đồng ý. Qua đó, UBND quận 7 có văn bản số 408/UBND chấp thuận cho bà Chi xây nhà ươm cây giống có thời hạn, cao tối đa 7m, quy mô 1 tầng…
Thực tế kiểm tra cho thấy, UBND phường Bình Thuận phát hiện khu đất quận chấp thuận cho bà Chi xây dựng tạm không đúng với thực tế nhưng không có biện pháp ngăn chặn. Báo cáo với lãnh đạo quận 7, Phòng Quản lý đô thị quận này cho biết, việc xây dựng trái phép của bà Chi, UBND phường Bình Thuận biết rõ. Thế nhưng, ngày 25/4/2016, khi lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi xây dựng trái phép của bà Chi, UBND quận này lại lập không đúng với hiện trạng thực tế.
Bao che hay bất lực?
Liên quan đến phường Bình Thuận, một số hộ dân ở đường 45 phản ánh tình trạng con rạch ở cuối đường này bị ông Trần Văn Hưng lấn chiếm với khoảng 943m2. Sau khi phát hiện vụ việc, UBND phường Bình Thuận lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt ông Hưng 4 triệu đồng, buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu, nhưng ông Hưng không thực hiện. Vừa qua, UBND quận 7 phát hiện vụ việc và yêu cầu UBND phường Bình Thuận quản phần đất lấn chiếm trái phép của ông Hưng, vì đây là hành lang bảo vệ kênh rạch, không được trồng cây xanh hoặc làm thay đổi hiện trạng khu đất.
Tiếp đó, người dân ở cuối hẻm 376, đường Huỳnh Tấn Phát, phường Bình Thuận cũng phản ánh về việc ông Võ Ngọc Sơn (ngụ phường Tân Kiểng, quận7) xây dựng khoảng 19 căn nhà trái phép và rao bán từ 1 tỷ đồng/căn trở lên. Trong đó, 3 căn không có giấy phép xây dựng, các căn còn lại được UBND quận 7 cấp giấy phép xây dựng tạm công trình thể dục thể thao với diện tích là 814,8 m2. Tuy nhiên, khi thực hiện, ông Sơn không làm đúng quy trình mà xây dựng nhà ở và rao bán.
Một lãnh đạo phường cho rằng, ở cuối hẻm 376 đường Huỳnh Tấn Phát có ba căn nhà xây trái phép. Lúc phát hiện, phường đã lập biên bản xử phạt hành chính, ra quyết định cưỡng chế. Tuy nhiên, trong lúc phường chưa áp dụng biện pháp cưỡng chế thì chủ nhà đã chủ động tháo dỡ nhà, khắc phục sai phạm. Các căn nhà còn lại có giấy phép xây dựng tạm của UBND quận 7. Còn việc lấn chiếm kênh rạch ở cuối đường 45, phường Bình Thuận đã diễn ra từ nhiều năm trước thuộc các “đời” chủ tịch trước quản lý. Vừa qua, phường đã lập biên bản xử phạt, báo cáo vụ việc lên quận.
Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Lại Thị Thanh Nga, Trưởng khu phố 5, phường Bình Thuận nói: “Nhiều lần tôi đến cùng đoàn kiểm tra của phường, ông Chiến đã đưa ra giấy phép cho xây dựng vườn ươm của quận trên đất san lấp trái phép. Trong khi phường đang cố gắng xử lý quyết liệt nhưng quận lại làm như vậy nên phường cũng không biết phải làm sao, còn người dân trong khu phố rất bức xúc về việc này”. Còn đại diện UBND phường Bình Thuận cho rằng, từ khi phát hiện việc san lấp trái phép của ông Tiến, bên cạnh việc lập biên bản, xử phạt ra, phường đều báo cáo đầy đủ cho UBND quận 7 để xin ý kiến xử lý. Nhưng có rất nhiều báo cáo quận không trả lời.
“Hành vi san lấp kênh rạch thoát nước công cộng trái quy định của ông Nguyễn Văn Tiến kéo dài từ năm 2012 đến 2015 và xây dựng khoảng 18 căn nhà là vi phạm Luật Đất đai, Luật Xây dựng. Trong khi chính quyền địa phương được người dân báo, xử phạt… nhưng vẫn không ngăn chặn được vi phạm, điều này cho thấy việc quản lý có vấn đề”- Luật sư Nguyễn Đức Chánh phân tích.