Bộ Y tế phải sớm vào cuộc vụ phẩm màu vàng

TP - PGS-TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Chức năng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm – Bộ Y tế, cho biết, phẩm màu vàng tổng hợp E102 được dùng trong 26 loại thực phẩm ở Việt Nam.
 

E102 hại thận

Ông Trần Đáng đề nghị Bộ Y tế cần sớm làm rõ thực trạng sử dụng E102 cũng như các yếu tố nguy cơ của nó với sức khỏe người tiêu dùng ở Việt Nam. PGS-TS Trần Đáng nói:

Phàm hợp chất tổng hợp nào cũng đều không tốt cho sức khỏe. Một phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quyền lợi người tiêu dùng của Anh từng nói: “Chất tổng hợp không có tác dụng gì về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm. Nó chỉ mang đến nguy cơ bệnh tật, nhất là với trẻ em, nguy cơ ung thư và mất an toàn cho nhiều bộ phận trong cơ thể”.

Chất tạo màu vàng tổng hợp E102 đứng thứ 102 trong danh sách đánh số của Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế (CODEX). Nó dễ gây dị ứng vì có nhân salicylic, một hoạt chất ăn da và thường dùng làm thuốc làm tróc lớp sừng da, chống tiết bã nhờn, trị vảy nến.

Ai mẫn cảm với aspirin (một dẫn xuất của acid salicylic, thuộc nhóm thuốc chống viêm non-steroid; có tác dụng giảm đau) đều có thể bị dị ứng bởi E102. Ở Mỹ, trung bình cứ 10.000 người có một người mẫn cảm với aspirin. Ở Việt Nam chưa có nghiên cứu nào về vấn đề này.

Những người có cơ địa dị ứng, hay mắc bệnh hen suyễn rất dễ làm cho bệnh trầm trọng thêm nếu dùng E102.

Vì sao E102 gây ngộ độc, thưa ông?

Trong cấu trúc của E102 có nhóm azo mà phân tử của nó có nhóm chức amin, gồm hai nguyên tử ni tơ liên kết với nhau bởi một nối đôi (- N = N -). Do có nhóm azo này, khi vào cơ thể, dưới tác dụng của men vi khuẩn đường ruột, phẩm màu vàng tổng hợp E102 bị tách thành các amin thơm, có nguy cơ gây độc cao.

Chúng tấn công niêm mạc dạ dày, các cơ quan chuyển hóa vận động, gây rối loạn và tổn thương các chức năng của gan, thận, và các cơ quan non khác. Cuối cùng, nó có khả năng gây ung thư.

Dùng cho trẻ em, E102 dễ tạo chứng tăng động, tức là tăng tính hiếu động quá mức bình thường của trẻ. Nguy cơ này càng cao khi dùng E102 phối hợp với benzoic acid, vốn được dùng rất phổ biến để bảo quản thực phẩm.

Nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng sinh dục còn nhiều bàn cãi. Tuy nhiên, nguy cơ này được nêu ra từ những năm 1990. Với nữ, nó có thể làm suy giảm ham muốn và khả năng tình dục. Với nam, E102 gây ảnh hưởng đến tinh hoàn, tinh trùng, kích thước dương vật.

PGS-TS Trần Đáng.
 

Bắt mắt

E102 có nhiều độc tính như thế vì sao vẫn được sử dụng?

Nước Đức phát hiện E102 từ thế kỷ XIX. Sau đó đến lượt Anh quốc khi họ tạo chất màu tổng hợp từ nhựa than đá, nhóm chất màu azo. Đây là những chất không có trong tự nhiên. Các chất màu tổng hợp có ba ưu điểm cơ bản.

Một, chúng không bị tác động bởi nhiệt độ, độ acid (pH), không bị tác động của quá trình oxy hóa cũng như bởi ánh sáng mặt trời. Như vậy, chúng rất bền màu và, nhờ thế, được dùng nhiều trong công nghiệp nhuộm màu vải và tạo màu cho thực phẩm nói chung.

Hai, không những bền, màu của các chất tổng hợp này lại rất đẹp với các gam màu cơ bản trải từ vàng chanh đến vàng tươi, làm chết mắt. Phối hợp với các màu khác, các màu cơ bản ấy cho ra nhóm màu từ xanh đến da cam cũng rất đẹp. Và cuối cùng, nhóm màu tổng hợp rẻ hơn màu tự nhiên nhiều lần.

Tại Việt Nam, E102 được dùng trong lĩnh vực nào, thưa ông?

Bốn lĩnh vực gồm công nghiệp, mỹ phẩm, dược phẩm, và thực phẩm. Trong công nghiệp, E102 dùng để nhuộm vải, đồ nhựa, bao bì thực phẩm, sản xuất mực in, mực dấu, v.v… Trong mỹ phẩm, nó được dùng để tạo dầu gội đầu màu vàng, xà phòng màu vàng, sơn nhuộm móng tay màu vàng, và thuốc nhuộm tóc vàng. Trong lĩnh vực dược, người ta dùng E102 để tạo màu cho các viên vitamine, cho vỏ thuốc dạng con nhộng.

Theo Quyết định 3742 về “Danh mục các chất gia được phép sử dụng trong thực phẩm” của Bộ Y tế, E102 còn được chính thức cho phép dùng trong 26 loại thực phẩm, trong đó có các nhóm sữa, bơ, các loại nước giải khát, hoa quả, bánh nướng, tôm nõn, và mì tôm, v.v...

Đặc biệt, E102 cũng được dùng để đánh bóng màu vàng đặc trưng của thịt quay như lợn, vịt, gà quay, chó quay.

(Còn nữa)

Quốc Dũng

Theo Báo giấy