Diễn đàn “Tác động của đại dịch COVID-19- Hành động quyết liệt của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch” diễn ra ngày 22/9 tại Hà Nội, kết nối trực tuyến với 63 tỉnh, thành cả nước. Thế nhưng trục trặc kỹ thuật đã khiến diễn đàn không thể diễn ra theo hình thức trực tuyến. Lãnh đạo Bộ đành nghe ý kiến tại hội trường.
Ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Biểu diễn Nghệ thuật nêu, gần hai năm qua COVID-19 gây ra nhiều khó khăn, thách thức cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Nhiều đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ không thể cho ra mắt công chúng tác phẩm nghệ thuật theo cách thức truyền thống nữa.
Mọi hoạt động như các chương trình biểu diễn, liên hoan, sự kiện văn hóa- nghệ thuật… bị tạm dừng hoặc hủy bỏ chưa biết thời điểm được hoạt động bình thường trở lại. Nhiều chuyên gia, nhà sáng tạo hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, các nghệ sỹ, diễn viên... bị cắt giảm lương/thù lao. Nhiều nghệ sỹ, diễn viên phải duy trì cuộc sống với mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, thậm chí một lực lượng lao động trẻ, có năng lực chuyên môn phải nghỉ việc không hưởng lương.
Nghệ sỹ thực tế có nỗ lực vượt khó. Họ không chỉ tích cực tham gia hoạt động xã hội trong đại dịch, mà còn nỗ lực thực hiện một chuỗi chương trình nghệ thuật trực tuyến liên kết giữa nhiều đơn vị nghệ thuật, vừa hâm nóng tình yêu sân khấu vừa mang lại giá trị tinh thần tích cực.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhận định, khi giãn cách xã hội được áp dụng ở nhiều tỉnh, thành cả nước, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân “bị giới hạn”. Nỗ lực không ngừng của ngành văn hóa chính là “vắc xin tinh thần” lan tỏa nguồn năng lượng tích cực.
Tuy nhiên lãnh đạo Bộ cũng chỉ ra rằng bên cạnh yêu cầu chính trị đó, các đơn vị, nhà hát, cần phải chủ động, tích cực hơn để chuyển đổi, dần thích nghi để tạo được nguồn thu, duy trì và nuôi dưỡng bộ máy cán bộ, nghệ sỹ nhà hát, chứ không thể lấy lí do chờ hết dịch mới lên sân khấu biểu diễn.
Ông Nguyễn Văn Hùng yêu cầu, các nghệ sỹ cần tích cực hơn trong chuyển đổi số; tìm hiểu và phát huy các hình thức hoạt động phù hợp với tình hình mới như mô hình nhà hát truyền hình, nhà hát online (đối với nghệ thuật biểu diễn); mô hình trưng bày trực tuyến, tua trực tuyến (với bảo tàng, khu di tích); ngành du lịch cần khuấy động, tạo được sự kết nối giữa du khách với các điểm đến qua các ứng dụng công nghệ hiện đại.
“YouTuber có trên 1 triệu lượt theo dõi đã phát sinh doanh thu rồi. Liệu các nhà hát, đoàn nghệ thuật có thể làm được điều đó?”, Bộ trưởng đặt câu hỏi. Lãnh đạo Bộ yêu cầu Cục Nghệ thuật biểu diễn nghiên cứu và đưa ra giải pháp để các nhà hát, đoàn nghệ thuật có thể kiếm được tiền từ các kênh mạng xã hội.
Tiếp thu ý kiến của lãnh đạo Bộ, ông Lê Minh Tuấn phân trần, dù phần lớn các đơn vị cũng đã có các kênh trực tuyến nhưng để thu hút được khán giả vẫn cần thời gian tiếp cận, thay đổi cách dàn dựng, biểu diễn cho phù hợp. Thực tế, một số nhà hát như Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ đang tìm hướng xây dựng kênh YouTube, đẩy mạnh truyền thông trên mạng xã hội nhưng chưa thể ngay lập tức đạt lượt theo dõi khủng.
Lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết sẽ nghiên cứu, báo cáo lãnh đạo Bộ ra văn bản hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi số, chủ động thay đổi hình thức hoạt động. Các đoàn nghệ thuật có kênh thu hút đông đảo người theo dõi có thể tính tới việc công diễn tác phẩm trực tuyến có thu phí.
Không riêng lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn cần nỗ lực chuyển mình sau đại dịch, lãnh đạo Bộ VHTTDL nghe Tổng cục Du lịch, Cục Di sản Văn hóa, Cục Văn hóa cơ sở, đại diện Sở VHTT Hà Nội đề xuất giải pháp để dần trở lại hoạt động bình thường mới. Bộ trưởng Bộ VHTTDL nói rằng, ngành văn hóa phải thắp lên ngọn lửa thay vì ủ rũ, u buồn.