Cương vị mới đi kèm thách thức mới
Vừa qua, Quốc hội đã phê chuẩn miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ GTVT đối với ông Nguyễn Văn Thể theo nguyện vọng cá nhân và theo sự phân công của cơ quan có thẩm quyền. Từ trường hợp của ông Nguyễn Văn Thể, nhiều người liên tưởng đến văn hoá từ chức, còn ông nghĩ sao về trường hợp này?
Như ở nhiều nước trên thế giới, khi trong ngành mình phụ trách xảy ra một vụ việc gì đó nghiêm trọng, hoặc rất nghiêm trọng thì người ta sẵn sàng từ chức. Với họ, chuyện từ chức là hết sức bình thường. Còn ở chúng ta, văn hoá từ chức dường như còn khá mới mẻ. Trong trường hợp miễn nhiệm Bộ trưởng GTVT đối với ông Nguyễn Văn Thể, thú thực tôi chưa hiểu rõ lý do chính xuất phát từ nguyện vọng cá nhân hay sự phân công của cơ quan có thẩm quyền. Giá như khi miễn nhiệm ông ấy có bài phát biểu trước Quốc hội, như thế chúng ta sẽ hiểu hơn về trường hợp cụ thể này.
“Nếu một bộ trưởng hội tụ được cả hai yếu tố, có khả năng thu hút người tài, lại có chuyên môn giỏi thì chắc chắn sẽ tốt hơn cho công việc, cho sự điều hành của vị bộ trưởng đó”.
Ông Vũ Trọng Kim, đại biểu Quốc hội
Cùng với việc miễn nhiệm, Quốc hội cũng đã phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng GTVT đối với ông Nguyễn Văn Thắng và Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan. Cá nhân ông đánh giá và kỳ vọng gì ở hai vị tân Bộ trưởng này?
Có lẽ lúc này còn quá sớm để đưa ra đánh giá về hai vị bộ trưởng này.
Giá như, khi được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm, các bộ trưởng có bài phát biểu trước Quốc hội và đưa ra chương trình hành động cụ thể của mình. Lúc đó, chúng ta sẽ có căn cứ để đánh giá về mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi vị bộ trưởng. Chẳng hạn, với Bộ trưởng GTVT, khi được phê chuẩn bổ nhiệm, ông ấy cam kết trong những năm tới sẽ ưu tiên nhiệm vụ gì, sẽ hoàn thành được bao nhiêu km đường cao tốc, công trình trọng điểm trong ngành sẽ được thực hiện như thế nào… Căn cứ vào mức độ triển khai từng công việc cụ thể, sau này chúng ta sẽ có cơ sở để đánh giá một cách sát thực, hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, chúng ta đều biết, GTVT và Y tế là hai lĩnh vực rất nóng, rất nhạy cảm, tác động trực tiếp đến đời sống của mọi người dân. Chắc chắn Bộ trưởng GTVT và Bộ Y tế là hai “ghế nóng” và luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của cử tri, nhân dân và dư luận xã hội. Cương vị mới, nhiệm vụ mới bao giờ cũng đi kèm với những thách thức mới, đó là những thách thức trong điều hành và thách thức về chuyên môn. Song cả hai bộ trưởng vừa được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm đều là thế hệ lãnh đạo trẻ tuổi. Tôi kỳ vọng hai vị tư lệnh ngành này sẽ hoàn thành thật tốt trên cương vị mới của mình, từng bước tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy ngành phát triển, hoàn thành thật tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao, đáp ứng được sự mong muốn, kỳ vọng của cử tri và nhân dân.
Bộ trưởng có chuyên môn giỏi sẽ tốt hơn
Theo ông, việc hai bộ trưởng Y tế và GTVT đều không phải là những nhà chuyên môn, liệu có phải là điều đáng quan tâm?
Điều quan trọng nhất của một vị bộ trưởng, trưởng ngành là phải biết quy tụ, thu hút được người tài, lan toả được tinh thần làm việc, cống hiến của những người xung quanh. Tài năng của người lãnh đạo là biết tập hợp, quy tụ nhân tài để thực thi nhiệm vụ tốt nhất, từ đó mới giúp việc điều hành, quản lý của bộ trưởng dễ dàng, hiệu quả hơn. Đó mới là tố chất cần thiết của một bộ trưởng và không phải ai cũng có được tốt chất này.
Ngoài tố chất thu hút nhân tài, một bộ trưởng có cần chuyên môn, hay chuyên môn thật giỏi không? Theo tôi, một vị bộ trưởng không nhất thiết cần phải có chuyên môn, nhưng nếu có và có chuyên môn giỏi thì sẽ càng tốt hơn. Bởi khi đó, việc trao đổi công việc với cấp dưới về những lĩnh vực chuyên môn sẽ dễ dàng hơn, qua đó sẽ giúp đưa ra được các quyết định, chính sách nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn. Nếu một bộ trưởng hội tụ được cả hai yếu tố, có khả năng thu hút được người tài, lại có chuyên môn giỏi thì chắc chắn sẽ tốt hơn cho công việc, cho sự điều hành của vị bộ trưởng đó.
Từ thông báo Kết luận số 20 của Bộ Chính trị, ông có kỳ vọng sẽ mở đường cho việc hình thành văn hoá từ chức?
Thông báo Kết luận số 20 về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật được coi là chủ trương có ý nghĩa đột phá, khuyến khích cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Cá nhân tôi cũng kỳ vọng và tin tưởng thông báo Kết luận số 20 sẽ tạo tiền lệ tốt mở đường cho việc hình thành văn hoá từ chức. Công tác cán bộ là phải có vào có ra, có lên, có xuống như một dòng chảy tự nhiên. Ai làm không tốt, hoặc cảm thấy cương vị đó quá sức với mình, thì nên thôi nhiệm vụ để cho người khác làm. Vì lợi ích chung, vì sự phát triển của ngành, việc đó cần phải được coi là hết sức bình thường trong công tác cán bộ.
Tuy nhiên, để hình thành được văn hoá từ chức, để việc từ chức diễn ra một cách tự nhiên, chúng ta cần có cách nhìn khác hơn về các trường hợp đó. Không nên quá cực đoan, lúc nào cũng nhăm nhăm nhìn vào khuyết điểm của họ, để đến khi họ từ nhiệm hay từ chức lại cứ mặc định trong đầu rằng họ có sai phạm gì đó, hay mắc vi phạm khuyết điểm nào đó nên mới từ chức. Nếu dư luận xã hội có cách nhìn thoáng hơn thì chắc chắn những quyết định của họ đưa ra sẽ dễ dàng hơn.
Cảm ơn ông!