Công tác quản lý hải quan
Về việc kiểm tra cơ sở sản xuất đối với tổ chức, cá nhân có hoạt động gia công, nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu:
Theo quy định của Luật Hải quan năm 2014, khi thực hiện hợp đồng gia công, thì cá nhân, tổ chức nhận gia công thông báo cơ sở sản xuất cho cơ quan hải quan (kể cả khi có sự thay đổi về quy mô, ngành nghề khác với nội dung đã thông báo trước đó). Cơ quan hải quan chỉ thực hiện kiểm tra cơ sở sản xuất đối với trường hợp như: lần đầu tiên có hoạt động gia công, lần đầu áp dụng thời hạn nộp thuế 275 ngày đối với hàng hóa là nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu.
Việc kiểm tra để xác minh doanh nghiệp đủ điều kiện để thực hiện nhập khẩu hàng hóa là nguyên liệu, vật tư vào Việt Nam (không thuộc đối tượng chịu thuế hoặc được ân hạn thuế) được sử dụng để sản xuất thành thành phẩm, bán thành phẩm xuất khẩu theo đúng hợp đồng gia công hoặc xuất khẩu ra nước ngoài.
Trình tự, thủ tục kiểm tra cơ sở sản xuất được quy định cụ thể tại Điều 57, Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính. Theo đó, cơ quan hải quan ban hành quyết định kiểm tra với nội dung kiểm tra gồm: kiểm tra nhà xưởng, máy móc, thiết bị, nhân lực; kiểm tra hệ thống sổ sách kế toán theo dõi, quản lý nguyên liệu, sản phẩm.
Các quy định, quy trình, thủ tục về quản lý hải quan hiện nay đối với loại hình gia công cơ bản tuân thủ và phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế về đơn giản hóa và hài hòa hóa về thủ tục hải quan theo Công ước Kyoto được hải quan thế giới áp dụng và cũng phù hợp với nguyên tắc quản lý về cơ sở sản xuất khi thực hiện Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính xin nghiên cứu tiếp thu sửa đổi, bổ sung thực hiện cơ chế quản lý rủi ro, theo đó, chỉ kiểm tra thực tế những doanh nghiệp rủi ro cao; Khi kiểm tra, không thực hiện kiểm tra những chứng từ mà cơ quan quản lý nhà nước đã có (Đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, Báo cáo tài chính mà doanh nghiệp đã gửi một trong số các đơn vị thuộc Bộ Tài chính…); Thực hiện kiểm tra trên cơ sở dữ liệu của cơ quan hải quan, cơ quan thuế.
Về trường hợp cụ thể Công ty GE Power & Water: Công ty dự kiến thuê Công ty CP 3B (địa chỉ: Tổ 18, Long Biên, Hà Nội) gia công sản phẩm, Công ty CP 3B thông báo là không nhận gia công sản phẩm do không xuất trình được giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, sử dụng máy móc thiết bị do cơ sở này được thành lập từ một số tổ chức mẹ và nhận bàn giao máy móc từ tổ chức mẹ.
Theo quy định, việc kiểm tra cơ sở sản xuất đối với thương nhân gia công lần đầu đã được Bộ Tài chính quy định tại Điều 57 Thông tư số 38/2015/TT-BTC, cụ thể “cơ quan hải quan kiểm tra hàng hóa nhập khẩu (trường hợp nhập khẩu), hóa đơn, chứng từ mua máy móc, thiết bị hoặc đối chiếu sổ kế toán để xác định (trường hợp mua trong nước), hợp đồng thuê tài sản, nhà xưởng (trong trường hợp đi thuê)”.
Như vậy, đối với trường hợp nhận bàn giao từ công ty mẹ như phản ánh của Công ty GP Power & Water thì được sử dụng biên bản giao nhận tài sản và được ghi nhận trong hệ thống sổ sách kế toán của doanh nghiệp.
Về việc xuất khẩu linh kiện, vật tư phục vụ bảo hành:
Vướng mắc này liên quan đến việc thực hiện Thông tư số 04/2007/TT-BTM ngày 04/4/2007 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) hướng dẫn hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, gia công, thanh lý hàng nhập khẩu và tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ.
Để giải quyết vướng mắc này, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 2139/TCHQ-GSQL ngày 16/3/2015 trao đổi và kiến nghị với Bộ Công Thương và Bộ Công Thương đã có công văn số 3765/BCT-XNK ngày 17/402015 hướng dẫn thống nhất với kiến nghị của Tổng cục Hải quan.
Như vậy, đối với hoạt động nhập khẩu linh kiện, vật tư để bảo hành đối với sản phẩm của doanh nghiệp FDI sản xuất ra được thực hiện như thông thường. Tuy nhiên, để xử lý cơ bản và phù hợp với thực tế hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp FDI, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo Bộ Công Thương xem xét để có sửa đổi, bổ sung quy định dẫn trên phù hợp thực tế hoạt động của doanh nghiệp FDI cũng như quy định Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư mới.
Về việc thanh lý thiết bị, dụng cụ hỏng của doanh nghiệp chế xuất:
Theo Thông tư số 04/2007/TT-BTM ngày 04/4/2007 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) hướng dẫn hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, gia công, thanh lý hàng nhập khẩu và tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ.
“Doanh nghiệp có văn bản nêu rõ lý do thanh lý, hình thức và biện pháp thanh lý, tên gọi, lượng hàng cần thanh lý, thuộc tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu số, ngày tháng năm gửi Chi cục Hải quan quản lý DNCX”.
Quy định này nhằm đảm bảo yêu cầu quản lý đúng đối tượng, đúng điều kiện được thanh lý như hết thời gian khấu hao, thu hẹp sản xuất, hư hỏng…Tuy nhiên, qua phản ánh báo nêu và để phù hợp với thực tế quản lý tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính ghi nhận và sẽ phối hợp, kiến nghị với Bộ Công Thương để sửa đổi quy định theo hướng:
Đối với trường hợp quá thời hạn quy định lưu giữ hồ sơ hải quan (05 năm) sẽ không yêu cầu doanh nghiệp cung cấp số tờ khai khi thanh lý. Trường hợp phát sinh thanh lý trong thời hạn lưu giữ hồ sơ hải quan thì:
- Đối với việc thanh lý tài sản cố định (có giá trị trên 30 triệu) thì mới yêu cầu doanh nghiệp kê khai tờ khai;
- Đối với công cụ, dụng cụ thì không yêu cầu doanh nghiệp phải kê khai tờ khai khi thực hiện thủ tục thanh lý.
(Và công ty có thể đề nghị cơ quan hải quan cho sao lưu tờ khai của cơ quan hải quan trong trường hợp bị mất)
Về công tác quản lý thuế
Về việc mất hóa đơn mua hàng hóa dịch vụ:
Theo Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí và hóa đơn thì trường hợp người bán, người mua làm mất, cháy, hỏng hóa đơn do thiên tai, hỏa hoạn và các trường hợp bất khả kháng khác hoặc làm mất hóa đơn đầu ra đã lập thì không bị cơ quan thuế xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp người mua làm mất hóa đơn đầu vào dùng để kê khai thuế, tính chi phí, thì người mua bị xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền với mức từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng.
Doanh nghiệp được sử dụng bản sao hóa đơn do người bán cung cấp có ký xác nhận, đóng dấu (nếu có) của người bán kèm biên bản về việc mất hóa đơn đầu vào để làm chứng từ kế toán và kê khai, khấu trừ thuế.
Theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính thì khi xử phạt cơ quan có thẩm quyền phải lập biên bản và biên bản phải được người đại diện đơn vị vi phạm ký.
Cụ thể đối với trường hợp của Chi nhánh Công ty GE làm mất hóa đơn đầu vào, Cục thuế xử phạt vi phạm hành chính là đúng quy định. Quá trình xử lý vi phạm cũng được thực hiện theo đúng các bước trong Quy trình quản lý ấn chỉ của cơ quan thuế, cơ quan thuế không có yêu cầu thêm hoặc sách nhiễu gây phiền hà cho đơn vị. Việc đơn vị phải đi lại hai lần là do đơn vị cử người không đúng thẩm quyền ký biên bản nên biên bản phải mang về để ký và sau đó mới gửi lại cho cơ quan thuế.
Để tạo thuận lợi hơn cho Người nộp thuế, nhất là trong giai đoạn hiện nay phải tăng cường các hình thức giao dịch điện tử để tiết kiệm chi phí và thời gian, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 110/2015/TT-BTC ngày 28/7/2015 hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế (Thông tư có hiệu lực từ ngày 25/9/2015) theo đó cơ quan thuế thực hiện giao dịch với Người nộp thuế bằng phương thức điện tử. Thực hiện điều này sẽ khắc phục được hình thức công văn giấy tờ truyền thống như hiện nay, tiết kiệm được thời gian, chi phí của Người nộp thuế và của cả cơ quan thuế.
Về hóa đơn mua hàng từ nước ngoài:
Theo quy định của Pháp luật kế toán và chuẩn mực kế toán quốc tế, doanh nghiệp khi thực hiện mua bán hàng hóa phải có hóa đơn chứng từ để hạch toán kế toán và thực hiện nghĩa vụ có liên quan với Ngân sách Nhà nước. Chứng từ kế toán phải lưu giữ trong thời gian tối thiểu 10 năm, tài liệu kế toán lưu trữ phải là bản chính.
Đối với doanh nghiệp sử dụng nguyên vật liệu nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu. Để hướng dẫn thi hành Luật Hải quan, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, trong đó, khoản 3, Điều 3. Quy định về nộp, xác nhận và sử dụng các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan, hồ sơ thuế quy định cụ thể:
“... các chứng từ do người nước ngoài phát hành bằng hình thức điện tử, fax, telex hoặc các chứng từ, tài liệu do người khai hải quan, người nộp thuế phát hành thì người khai hải quan, người nộp thuế phải xác nhận, ký tên, đóng dấu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực và hợp pháp của các chứng từ đó.”
Do đó trường hợp doanh nghiệp phản ánh việc phải sử dụng hóa đơn gốc thì mới được tính vào chi phí hợp lý là do đơn vị chưa cập nhật kịp thời những quy định của Luật Hải quan hoặc chưa được hướng dẫn đầy đủ để hiểu và thực hiện đảm bảo thuận lợi với đặc thù kinh doanh của doanh nghiệp có nguyên vật liệu nhập khẩu để phục vụ sản xuất kinh doanh.