111 nghìn tỷ đồng chi trả chính sách, chế độ đối với cán bộ
Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Dự thảo nêu rõ chính sách đối với người nghỉ hưu trước tuổi; chính sách với cán bộ được kéo dài thời gian công tác; chính sách nghỉ thôi việc đối với cán bộ, công chức; chính sách nghỉ thôi việc đối với viên chức và người lao động (trừ viên chức và người lao động làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập khác)…
Dự thảo Nghị định quy định cách xác định thời gian và tiền lương để tính hưởng chính sách, chế độ. Cụ thể, thời gian nghỉ sớm để tính số tháng hưởng chế độ trợ cấp hưu trí một lần kể từ thời điểm nghỉ hưu ghi trong quyết định nghỉ hưu đến tuổi nghỉ hưu theo quy định nhưng tối đa không quá 60 tháng.
Thời gian để tính trợ cấp thôi việc là thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được chia thành hai trường hợp. Trường hợp thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 5 năm trở lên thì thời gian tính hưởng trợ cấp thôi việc tối đa 5 năm (60 tháng).
Đối với trường hợp thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc dưới 5 năm thì thời gian tính hưởng trợ cấp thôi việc bằng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.
Thời gian để tính trợ cấp theo số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội là tổng thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng chưa hưởng trợ cấp thôi việc, mất việc làm hoặc chưa hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần, hoặc chưa hưởng chế độ phục viên, xuất ngũ.
Theo Bộ Nội vụ, dự kiến cần 130 nghìn tỷ đồng để thực hiện các chính sách, chế độ nêu trên do ngân sách nhà nước cấp và nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập.
Trong đó, có 111 nghìn tỷ đồng chi trả chính sách, chế độ đối với cán bộ; 4.000 tỷ đồng chi trả chính sách, chế độ đối với người lao động; 9.000 tỷ đồng chi trả chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức cấp xã; 4.000 tỷ đồng kinh phí đóng bảo hiểm xã hội và 2.000 tỷ đồng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng.
5 năm ngân sách tiết kiệm chi 113.000 tỷ đồng
Bộ Nội vụ khẳng định, việc thực hiện tinh giản biên chế sẽ làm giảm chi thường xuyên và giảm kinh phí từ ngân sách nhà nước để đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn cho cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc (22%); 10% quỹ tiền thưởng.
Cũng theo Bộ Nội vụ, ngân sách nhà nước đã bố trí kinh phí để thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP (đang được bố trí trong dự toán chi thường xuyên của các cơ quan, tổ chức, đơn vị) và các khoản chi chế độ, chính sách liên quan đến cán bộ, lãnh đạo quản lý,... Trong 5 năm, ngân sách nhà nước dự kiến tiết kiệm chi khoảng 113.000 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động được áp dụng chính sách như công chức. Các chính sách, chế độ này không áp dụng với người đã có thông báo nghỉ hưu theo quy định trước ngày quyết định của cấp có thẩm quyền về sắp xếp tổ chức bộ máy có hiệu lực.
Đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và cán bộ tự nguyện nghỉ thôi việc thực hiện theo nghị định khác của Chính phủ cũng không áp dụng các chính sách, chế độ này.
Dự thảo nghị định quy định, kinh phí giải quyết chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức; cán bộ, công chức cấp xã và người lao động (trừ người lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập) do ngân sách nhà nước cấp.
Đối với viên chức và người lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư; đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên thì kinh phí giải quyết chính sách, chế độ được lấy từ nguồn thu hoạt động sự nghiệp của đơn vị và nguồn hợp pháp khác.