Bỏ nhiều tỷ đồng sắm máy xét nghiệm COVID-19, đơn vị mua không biết giá thực

TPO - Khảo sát của Tiền Phong tại một số tỉnh đã mua, lắp đặt máy xét nghiệm cho thấy, hầu hết đơn vị đều 'lơ đễnh' trong quá trình thẩm định giá, chỉ tham khảo thấy tỉnh này, tỉnh kia mua với giá nào thì mặc cả hạ thấp hơn một chút là được.
Hệ thống máy Realtime PRC 480 của hãng Roche Thuỵ Sỹ) được Thái Bình các tỉnh mua với giá gần 6 tỷ đồng - Ảnh: Hoàng Long

Mua máy tiền tỷ nhanh, dễ như mua rau

Sau vụ bắt 7 cán bộ của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hà Nội (CDC) về khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội nâng khống giá máy xét nghiệm COVID- 19, dư luận rộ lên về việc một số tỉnh thành cũng mua máy xét nghiệm với giá "trên trời".

Để làm rõ thông tin trên, PV Tiền Phong đã tìm đến 2 tỉnh Ninh Bình, Thái Bình là nơi có thông tin đã mua, lắp đặt máy với giá cao để tìm hiểu.

Sáng 27/4, ông Phạm Văn Hiệp, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình cho biết, đơn vị đã quyết định mua và lắp đặt hệ thống máy xét nghiệm COVID- 19 của Công ty TNHH thiết bị y tế và khoa học Tâm Việt (có địa chỉ tại số 19, tổ 45A, ngõ 299/2 đường Hoàng Mai, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) với tổng giá trị hợp đồng là 7,892,676 tỷ đồng.

Hệ thống gồm máy Realtime PRC 480 có model Cobas @4.800 của hãng Roche ở Thuỵ Sỹ có giá 5,948,25 tỷ đồng vào ngày 18/3/2020. Số tiền còn lại để trang bị các thiết bị phụ trợ như tủ lạnh âm sâu (-86 độ), tủ lạnh bảo quản, tủ an toàn sinh học, máy ly tâm ống, máy gia nhiệt khô, máy lắc Verter, máy quang phổ định lượng axit…

Theo ông Hiệp, đây là hệ thống xét nghiệm nằm trong nhóm hiện đại nhất, có đủ hệ thống đóng và mở để không chỉ xét nghiệm COVID- 19 mà còn thực hiện được các xét nghiệm khác như HIV, viêm gan B, C và ung thư.

Tuy nhiên, khi PV đặt câu hỏi về việc đã tiến hành thẩm định giá như thế nào trước khi mua máy xét nghiệm này, ông Hiệp cho biết: "Do sợ tốn kinh phí thuê đơn vị thẩm định nên chúng tôi tự lập tổ thẩm định với thành viên là nhân viên của bệnh viện. Cơ sở quan trọng để quyết định mua máy là chúng tôi đã tham khảo giá máy cùng loại ở các đơn vị đã mua trước máy cùng loại như CDC Bắc Ninh, Viện Vệ sinh dịch tễ TW đều mua với giá tương đương hoặc cao hơn".

Bệnh viện đa khoa Ninh Bình mua máy xét nghiệm và một số thiết bị phụ trợ với gá gần 7,9 tỷ đồng - Ảnh: Hoàng Long

Tại tỉnh Thái Bình, ông Phạm Văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế Thái Bình cho biết, máy xét nghiệm Sở này mua theo Hợp đồng số 05/SYTTB-TAILOC/2020 cũng là máy Realtime PRC 480 có model Cobas 4.800 của hãng Roche (Thuỵ Sỹ) như của tỉnh Ninh Bình với tổng giá trị hợp đồng là 6,48 tỷ đồng.

Cùng với khẳng định đây là máy xét nghiệm hiện đại nhất hiện nay, có thể xét nghiệm nhiều loại bệnh chứ không chỉ xét nghiệm riêng COVID-19, ông Dịu cho biết chiếc máy xét nghiệm của Thái Bình sau khi được hưởng ưu đãi, tài trợ đã giảm giá khá nhiều:

"Đây là mức giá đã được đàm phán với đơn vị cung cấp. Nhà cung cấp còn chủ động bán giá ưu đãi, khuyến mại 5 năm bảo hành, kèm theo 1.300 bộ xét nghiệm trị giá 600 triệu đồng. 1 năm bảo hành chi phí rất lớn, tương đương khoảng 5% hợp đồng. Cộng với chúng tôi đã kêu gọi đơn vị bán máy ủng hộ bằng tài trợ nên ngày 20/4, họ đã đồng ý giảm giá 10%. Đến nay, nếu tính tổng giá trị được chiết khấu, giá sản phẩm này ở mức trên 4 tỷ".

Bắc Ninh mua hệ thống xét nghiệm Realtime PRC 480 của hãng Roche (Thuỵ Sỹ) với giá gần 6 tỷ đồng - Ảnh: Hoàng Long

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, 2 đơn vị mà Ninh Bình và Thái Bình "tham khảo" giá mua máy là CDC Bắc Ninh và Bệnh viện Vệ sinh dịch tễ TƯ đều đã mua máy với giá khá cao.

Cụ thể, ngày 25/10/2019, CDC Bắc Ninh ký hợp đồng mua máy của Công ty TNHH thiết bị y tế và khoa học Tâm Việt với chỉ duy nhất hệ thống Realtime PRC 480 model Cobas@ 4.800 của hãng Roche (Thuỵ Sỹ) với giá 5,905 tỷ đồng, không có các thiết bị phụ trợ như tủ lạnh âm sâu, tủ an toàn sinh học, máy ly tâm…

Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cũng mua máy xét nghiệm của hãng Roche (Thuỵ Sỹ) và một số thiết bị với giá trên 6,4 tỷ đồng - Ảnh: Hoàng Long

Tiếp đó, ngày 16/12/2019, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ ra quyết định mua cũng của Công ty TNHH thiết bị y tế và khoa học Tâm Việt một hệ thống Realtime PRC 480 model Cobas@ 4.800 của hãng Roche (Thuỵ Sỹ) và 1 tủ an toàn sinh học cấp 2, 2 tủ lạnh bảo quản, 1 nồi hấp tiệt trùng với tổng giá 6,428,4 tỷ đồng. Trong đó, riêng hệ thống máy Realtime RRC 480 có giá khoảng 5,9 tỷ đồng.

Người mua không biết giá thực của máy

Như đã nêu trên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình mua máy xét nghiệm chỉ dựa trên tham khảo giá máy của các đơn vị mua trước. Giám đốc bệnh viện này thừa nhận là đến nay "cũng không biết giá thực tế trên thị trường của loại máy này là bao nhiêu".

Tại Thái Bình, Giám đốc Sở Y tế Thái Bình Phạm Văn Dịu cũng thừa nhận là đến nay, bản thân ông cũng không biết giá chính xác của loại máy này là bao nhiêu.

"Thời điểm đó dịch bệnh cấp bách, chúng tôi vừa không có thời gian tìm hiểu kỹ càng, cũng không thấy có báo giá trên thị trường nên việc quyết định giá mua máy chủ yếu dựa vào tham khảo giá từ các đơn vị đã mua máy trước đó như Bắc Ninh, Ninh Bình, Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ", ông Dịu lý giải.

Việc đánh giá chất lượng máy cũng được thực hiện tương tự. Lãnh đạo 2 đơn vị mua máy xét nghiệm tại Ninh Bình, Thái Bình cho biết cũng không hề có cơ sở nào mà chỉ dựa trên thông tin từ các đơn vị mua máy trước đó cho biết "đây là máy nằm trong nhóm chất lượng cao nhất. Thực tế sử dụng đến nay chưa thấy có trục trặc, hỏng hóc gì nên cũng yên tâm".

Hệ thống máy xét nghiệm Realtime PRC 480 (model  Cobas@4.800) của hãng Roche (Thuỵ Sỹ) được bán cho nhiều tỉnh với giá trên 5.9 tỷ đồng - Ảnh: Hoàng Long

Đáng chú ý là việc dùng tiền ngân sách để mua máy xét nghiệm tiền tỷ nhanh, dễ như mua rau như trên lại nhanh chóng được cấp có chức năng của các tỉnh thông qua cũng nhanh không kém.

Tại Ninh Bình, mặc dù biết Bệnh viện đa khoa Ninh Bình tự lập tổ thẩm định nhưng đơn vị chủ quản là Sở Y tế Ninh Bình không hề có ý kiến, đồng thời nhanh chóng thông qua phương án mua máy để bệnh viện ký hợp đồng với nhà thầu.

Ngày 27/4, PV liên hệ với ông Vũ Mạnh Dương, Giám đốc Sở Y tế Ninh Bình để làm việc về thông tin cho rằng máy xét nghiệm tại Ninh Bình được mua cao hơn so với giá thực trên thị trường. Tuy nhiên, qua điện thoại, ông Dương chỉ trả lời vắn tắt: "Bệnh viện mua máy thì cứ đến bệnh viện mà làm việc. Tôi đang bận họp".

Liên quan đến việc mua máy xét nghiệm của Ninh Bình, Thái Bình mà một số tỉnh, tài liệu mà Tiền Phong có được cho thấy, giá mua máy của các đơn vị này đều rất cao so với giá thực tế trên thị trường.

Cụ thể, vào đầu tháng 3/2020, trong một buổi tập huấn triển khai công tác về phòng chống dịch, tại danh mục thiết bị phòng xét nghiệm chẩn đóan vi rút SARS-CoV-2 (COVID-19) bằng phương pháp Reatime RPTCR, cung cấp cho một số CDC khu vực phía nam có đơn vị cung cấp trang thiết bị máy khuếch đại gen (tức máy Reatime PCR 480) của hãng Roche sản xuất với giá 1,5 tỷ đồng/máy.

Bảng thông tin danh mục thiết bị cho thấy, ngoài thiết bị chính là PCR 480 có giá 1,5 tỷ đồng, nếu cộng thêm các bộ phận khác như máy ly tâm Plate, tủ PCR Cabinet (pha master mix), máy trộn hóa chất, máy li tâm ngắn lò hấp… Tổng cộng tới 12 thiết bị phụ trợ thì giá máy PCR 480 này chỉ có giá 2,73 tỷ đồng. Đây là mức giá được cập nhật vào cuối tháng 3, đầu tháng 4/2020, thời điểm khi tình hình dịch bệnh COVID- 19 diễn ra khá căng thẳng.

Như vậy, giá máy được mua của Thái Bình, Ninh Bình và một số tỉnh như Quảng Ninh, Quảng Nam… là quá cao so với biểu giá trên. Câu hỏi dư luận đặt ra là, nguyên nhân mua máy giá cao trên là do các đơn vị mua máy có thiếu sót trong thẩm định giá, hay các đơn vị bán máy "bắt tay" nhau để "bịt mắt" người mua, bán máy xét nghiệm COVID-10 với giá "trên trời"?.

 Liên quan đến việc mua máy xét nghiệm tại các tỉnh, đại diện Bộ Tài Chính cho biết, việc cho phép chỉ định thầu có thể thực hiện trong tình huống dịch bệnh nhưng phải có hiệp thương giá, trên cơ sở không cao hơn giá chung thị trường dựa trên các tham chiếu.