“Nồi cơm” teo tóp
ThS. Phạm Văn Hựu, ĐH KTQD cho biết hệ đào tạo vừa làm vừa học (VLVH) vẫn tiếp tục mang lại nguồn thu nhập quan trọng cho nhà trường, góp phần giải quyết thêm việc làm, tăng thu nhập cán bộ viên chức, người lao động của Trường.
Trong vài ba năm trở lại đây lĩnh vực đào tạo hình thức vừa làm vừa học nói chung và của trường ta nói riêng đang phải đối mặt với nhiều thách thức như: Nhu cầu học đại học theo hình thức vừa làm vừa học giảm sút và phân tán, thị trường đào tạo và tuyển dụng diễn biến phức tạp; yêu cầu về công tác tuyển sinh, liên kết và quản lý nói chung đối với hệ vừa làm vừa học nói riêng có nhiều thay đổi. “Tuyển sinh đào tạo cấp bằng VLVH bị liên tục giảm sút, số lượng tuyển sinh trong mấy năm gần đây chỉ đạt 50 - 70% so với chỉ tiêu đăng ký” – ThS. Phạm Văn Hựu cho biết.
PGS.TS Bùi Huy Nhượng, Trường ĐH KTQD cho rằng mức học phí, hiện nay so với các chương trình tiên tiến, chất lượng cao và POHE (chương trình ĐH ứng dụng) đang triển khai ở các trường ĐH trên cả nước thì mức học phí của ĐH KTQD được coi là ở mức khá cao. Trong thời gian tới cần có lộ trình tăng học phí hợp lý hơn trên cơ sở một mặt phải đảm bảo khả năng chi trả của sinh viên.
Cần đa dạng hóa xét tuyển
Theo ThS Bùi Minh Hảo, Trường ĐH KTQD, nhiều năm gần đây (trừ năm 2015), trường không tuyển đủ số lượng chỉ tiêu mặc dù điểm trúng tuyển vào trường khá cao. Nguyên nhân do không xác định được tỷ lệ dự phòng phù hợp với điều kiện chung của ngành và điều kiện riêng của trường. “Tuy nhiên năm 2016, theo quy định hiện hành của Bộ sẽ có hiện tượng thí sinh có điểm tuyển sinh cao, trúng tuyển ở cả 2 trường và thí sinh chỉ được nhập học 1 trường dẫn đến hiện tượng thí sinh trúng tuyển ảo” – ThS. Bùi Minh Hảo khẳng định.
ThS. Bùi Minh Hảo cho rằng bất cập lớn nhất trong phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia hiện nay là đối với người học, sự thay đổi trong quy định của Bộ làm cho người học không kịp thay đổi theo và tâm lý lo sợ; không kịp theo dõi để có ứng phó phù hợp, đặc biệt đối với khu vực nông thôn, miền núi – nơi mà công nghệ thông tin chưa phát triển, điều kiện đi lại, ăn ở, chờ đợi khó khăn.
Đối với nhà trường, khó khăn trong xét tuyển do trúng tuyển ảo. Việc xác định tỷ lệ dự phòng phù hợp là thách thức lớn. “Phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia với quy định hiện hành của Bộ là phương thức tuyển sinh mà tự bản thân nó chứa đựng bất cập lớn trong xét tuyển và Bộ còn chưa có giải pháp hỗ trợ khắc phục với tư cách cơ quan quản lý nhà nước cao nhất đối với ngành GD&ĐT, nên trường vẫn thiếu tự chủ, chủ yếu là ứng phó với những thay đổi/phát sinh từ sự chỉ đạo thiếu nhất quán” – ThS. Bùi Minh Hảo nhận xét.
Nhiều thí sinh đăng ký tuyển vào ngành ít hấp dẫn xem như “bến đậu tạm thời” với mục đích để vào được trường, sau đó chuyên ngành khác thông qua việc dự tuyển vào lớp chất lượng cao; dẫn đến một số ngành, chuyên ngành quá ít sinh viên. ThS Hảo lấy ví dụ năm 2015 (K57), tại ĐH KTQD có ngành chuyển đi gần 40% số sinh viên đã xếp chuyên ngành, đặc biệt có lớp chỉ còn 8 hoặc 9 sinh viên; Trường phải hủy lớp và chuyển sinh viên sang lớp khác, không đúng chuyên ngành đã đăng ký.
Trong khi đó, Luật giáo dục ĐH cũng như Quy chế tuyển sinh của Bộ cũng cho phép các cơ sở giáo dục đào tạo được tổ chức tuyển sinh theo đề án tuyển sinh riêng. “Việc xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT thông quốc gia như hiện nay có nhiều hạn chế nêu trên, cần thiết trường phải tìm thêm căn cứ xét tuyển khác để bổ sung và phù hợp với thực tiễn xu hướng chung. Điều này có nghĩa cần phải đa dạng hóa xét tuyển” – ThS. Bùi Minh Hảo khẳng định.