Xung quanh đề xuất di dời ga Hà Nội khỏi nội đô:

Bộ GTVT: Thực hiện đúng quy hoạch, đường sắt hết gây ách tắc

TP - Đại diện Bộ GTVT thừa nhận, hệ thống đường sắt quốc gia đi vào trung tâm, tập trung tại Ga Hà Nội đang gây cản trở, khó khăn cho giao thông Thủ đô. Tuy nhiên, vừa qua, ngành đường sắt đã cùng chia sẻ khó khăn này và tình trạng này sẽ được khắc phục triệt để trong tương lai khi thực hiện xong quy hoạch.
Ga Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Liên quan đến đề xuất di dời tuyến đường sắt liên tỉnh ra khỏi trung tâm Hà Nội của lãnh đạo Công an Hà Nội, trao đổi với Tiền Phong, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay: “Hiện tại việc ảnh hưởng đang xảy ra. Tương lai, các tuyến đường sắt sẽ không gây ách tắc. Như tuyến Cát Linh – Hà Đông sẽ đi trên cao hay có đoạn đi ngầm như tuyến Nhổn - ga Hà Nội. Phải nhìn trước mắt và tương lai mới có thể giải quyết được vấn đề” – ông Đông nói.

Theo ông Đông, định hướng phát triển giao thông Hà Nội đã được phân tích, đánh giá và đưa vào quy hoạch. Trong đó, bao gồm quy hoạch giao thông quốc gia, quy hoạch vận tải và quy hoạch giao thông Hà Nội và cả quy hoạch đường sắt Hà Nội.

Cụ thể, ông Đông cho hay, trong quy hoạch tuyến đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) và số 3 (Nhổn - ga Hà Nội) đều có kết nối với đường sắt quốc gia tại ga Hà Nội. Trong đó tuyến Yên Viên – Ngọc Hồi vừa là đường sắt đô thị, vừa là đường sắt quốc gia và sẽ giao cắt khác mức với đường bộ.

Theo thống kê của Tổng Cty Đường sắt Việt Nam, cả nước hiện có tổng số 5.564 điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ, trong đó, địa bàn Hà Nội là nơi có số lượng đường ngang nhiều nhất. Ngoài các đường ngang ở khu vực ngoại thành, đường sắt quốc gia đang đi song song với các trụ đường chính của Thủ đô như Lê Duẩn, Giải Phóng…, số lượng giao cắt giữa đường sắt và các trục giao thông chính của Hà Nội rất lớn (trong đó có những điểm giao cắt đông đúc như Khâm Thiên, Đại Cổ Việt – Đào Duy Anh, Trường Chinh, bán đảo Linh Đàm…).

Chính vì điều này nên từ lâu nay, ngành đường sắt và chính quyền Hà Nội đã thống nhất hạn chế tối đa số lượng tàu ra vào nội đô vào giờ cao điểm. Một lãnh đạo Cty Đường sắt Hà Nội cho hay, chính việc bị khống chế ra vào Hà Nội vào giờ cao điểm (thời điểm đông khách đường sắt) nên ngành đường sắt rất khó khăn, giảm doanh thu. “Chúng tôi nhiều lần đề nghị được tăng chuyến tàu vào những khung giờ đông khách nhưng không được đồng ý” – vị này cho hay.

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng, đường sắt trên toàn thế giới đều thể hiện 2 ưu việt, đó là tính an toàn và nằm trong nội đô để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Lãnh đạo khác của Tổng Cty Đường sắt cũng cho hay, các đô thị lớn trên thế giới như Paris (Pháp), Frankfurt (Đức), Tokyo (Nhật Bản)…, đường sắt quốc gia đều được bố trí ở trung tâm đô thị và được kết nối với đường sắt nội đô.

Ông Minh cho hay, nếu đường sắt không ở trung tâm thì phương tiện cỡ nhỏ từ trung tâm vận chuyển hành khách ra ngoại thành sẽ tăng lên đáng kể. “Một đoàn tàu 700-1.000 khách, thay vì vận chuyển như hiện nay thì vài trăm phương tiện khác đi vào sẽ vẫn gây áp lực lên giao thông nội đô”, ông Minh nói.