Theo đó, nội dung thanh tra thi gồm: Thanh tra công tác coi thi; chấm thi; thanh tra việc chỉ đạo, đôn đốc, tổ chức thực hiện của Hội đồng thi.
Thanh tra xét tuyển, xét tốt nghiệp gồm: Thanh tra công tác chuẩn bị xét tuyển; công tác xét tuyển; thanh tra việc nhập học và kiểm tra hồ sơ thí sinh trúng tuyển; thanh tra việc xét, công nhận tốt nghiệp.
Nội dung thanh tra việc tổ chức thực hiện và đánh giá luận văn, luận án gồm: Thanh tra điều kiện tổ chức thực hiện luận văn, luận án; tổ chức đánh giá luận văn, luận án.
Thanh tra các kỳ thi được tiến hành theo kế hoạch hoặc đột xuất.
Thanh tra theo kế hoạch được tiến hành theo kế hoạch hằng năm do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; Giám đốc Sở GD&ĐT; giám đốc đại học quốc gia, đại học vùng, hiệu trưởng/viện trưởng/giám đốc cơ sở giáo dục đại học (gọi chung là hiệu trưởng) phê duyệt.
Thanh tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thi, xét tuyển, xét tốt nghiệp, tổ chức thực hiện và đánh giá luận văn, luận án; theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, phòng, chống tham nhũng hoặc do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Giám đốc Sở GD&ĐT, Hiệu trưởng giao.
Hoạt động thanh tra các kỳ thi được thực hiện trước, trong quá trình tổ chức hoặc sau khi kết thúc kỳ thi.
Cuộc thanh tra do Hiệu trưởng quyết định tiến hành không quá 30 ngày; trường hợp phức tạp có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 45 ngày.
Cũng theo quy định này, chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT quyết định thanh tra và thành lập đoàn thanh tra các kỳ thi theo quy định; trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ra quyết định thanh tra và thành lập đoàn thanh tra;
Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT quyết định thanh tra và thành lập đoàn thanh tra thi, xét tuyển, xét tốt nghiệp, quy trình tổ chức thực hiện và đánh giá luận văn, luận án trên địa bàn quản lý đã được phân cấp theo quy định; trường hợp cần thiết, Giám đốc Sở GD&ĐT ra quyết định thanh tra và thành lập đoàn thanh tra; Hiệu trưởng quyết định thanh tra và thành lập đoàn thanh tra các kỳ thi trong cơ sở mình quản lý.