Giá đường nội địa cao:

Bộ Công Thương, Hiệp hội Mía đường “khẩu chiến”

TP - Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, sau nhiều năm bảo hộ, đã đến lúc các doanh nghiệp ngành mía đường chấp nhận tập dượt cạnh tranh sòng phẳng với chính các doanh nghiệp trong nước trước khi cạnh tranh với nước ngoài. Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, thực trạng ngành khác hoàn toàn những gì cơ quan quản lý nói.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, người nông dân luôn bị thiệt thòi, lép vế trước doanh nghiệp. Ảnh: Hồng Vĩnh

Đường trong nước cao gấp rưỡi thế giới

Theo ông Tú, gần đây theo cam kết hội nhập chung của các nước ASEAN, ta dành cho các thành viên ASEAN mức thuế suất ưu đãi trong hạn ngạch 5% đối với cả đường trắng và đường thô và sẽ tự do hóa nhập khẩu đường của các nước ASEAN vào thời điểm năm 2018. Có thể khẳng định tại thời điểm hiện tại, ngành mía đường trong nước vẫn đang được Nhà nước bảo hộ ở mức độ khá cao và cao hơn nhiều so với các ngành hàng sản xuất quan trọng khác như dệt may, da giày, gạo, cà phê...

Dù nhiều năm bảo hộ, có thể thấy nhiều năm qua, 90 triệu người dân Việt Nam liên tục phải tiêu thụ đường ăn với giá cao gấp rưỡi, thậm chí có thời điểm gấp đôi so với thế giới. Thời điểm hiện tại, giá bán đường giao tại cửa các nhà máy trong nước đang cao khoảng gấp rưỡi giá đường ăn thế giới. Tình trạng này chỉ có lợi cho một bộ phận nhỏ trong xã hội. 

Nghịch lý này, theo ông Tú, là do những năm qua, Hiệp hội Mía đường và các doanh nghiệp mía đường không quan tâm đúng mức đến công tác nghiên cứu để đổi mới và phát triển ngành. Năng suất trồng mía bình quân của Việt Nam hiện là 60 tấn mía/ha trong khi năng suất của Thái Lan xấp xỉ 100 tấn/ha, của Hoàng Anh – Gia Lai (tại Lào) là 120 tấn/ha. Các doanh nghiệp mía đường cũng không quan tâm đầu tư vùng nguyên liệu của mình riêng để làm hạt nhân thay đổi cho hoạt động canh tác mía. 

Công suất của các nhà máy đường trong nước thấp, trung bình chỉ từ 3.400 tấn mía/ngày, trong khi công suất hiệu quả cần tối thiểu từ 6.000 - 8.000 tấn mía/ngày, cũng là nguyên nhân dẫn tới giá thành đường luôn cao hơn so với thế giới và khu vực.

Quan hệ giữa người nông dân trồng mía với các nhà máy vẫn không đổi mới trong hàng chục năm qua. Người nông dân luôn ở thế yếu trong quan hệ này. Khi giá bán đường trong nước lên cao, các nhà máy chưa quan tâm chia sẻ lợi ích với người nông dân trồng mía, đến khi giá xuống thì gánh nặng lại dồn hết lên vai người nông dân. Người nông dân không yên tâm trồng mía và sẵn sàng chặt bỏ để chuyển sang cây trồng khác, khiến ngành mía đường không chủ động được nguồn nguyên liêu.

Bộ Công thương: DN phải học cách cạnh tranh

Một điểm yếu nữa, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, dù ngành mía đường đã thành lập Hiệp hội, nhưng thực chất, các doanh nghiệp thành viên chỉ có sự liên kết lỏng lẻo, không hiệu quả. Vì vậy, trong cuộc cạnh tranh đó, các doanh nghiệp yếu kém hãy sáp nhập, hình thành các công ty lớn đủ quy mô như đã thực hiện trong lĩnh vực ngân hàng vừa qua.

Ông Tú cũng thừa nhận, đánh giá một cách công bằng, thực trạng hiện nay của ngành mía đường Việt Nam có một phần trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó có Bộ Công Thương và cá nhân ông. Tuy nhiên, trách nhiệm chính đối với thực trạng này vẫn thuộc về Hiệp hội Mía đường các doanh nghiệp trong ngành.

“Ngành mía đường và doanh nghiệp Việt Nam thay vì trông chờ vào sự bảo hộ của Nhà nước, các doanh nghiệp sản xuất mía đường trong nước trước hết nên tập cạnh tranh với Hoàng Anh - Gia Lai, tạo áp lực tái cơ cấu, mua bán, sát nhập nhằm mở rộng quy mô đầu tư, tăng cường hiệu quả. Tập cạnh tranh với một doanh nghiệp Việt Nam thành công thì ngành mía đường của Việt Nam mới đứng vững được trước áp lực cạnh tranh với hàng nghìn doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới”, đại diện Bộ Công Thương nói.

Hiệp hội: Bộ phải quản lý thị trường

Về việc bị “tố” yếu kém, trả lời báo Tiền Phong, ông Nguyễn Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía Đường Việt Nam cho rằng, không thể so sánh khập khễnh giữa giá tiêu thụ nội địa với giá đường lậu, đặc biệt là đường lậu từ quota C của Thái Lan. Chỉ có thể so sánh giá tiêu thụ nội địa của Việt Nam với giá tiêu thụ nội địa của các nước, và so sánh giá sỉ với sỉ, lẻ với lẻ.

Các số liệu cho thấy, giá tiêu thụ nội địa của Việt Nam bắt đầu từ các nhà máy đường không cao. Mức chênh lệch giữa giá sỉ và giá lẻ, có khi lên đến 50 - 60 %, là do các nhà thương mại trung gian và bán lẻ. Để người tiêu dùng được ăn đường giá rẻ thì yếu tố quan trọng nhất là Bộ Công Thương nên có biện pháp để quản lý chặt để triệt nạn đầu cơ làm giá nếu có, không loại trừ bất cứ doanh nghiệp nào có liên quan.

Hiệp hội cũng cho rằng, trong thời gian qua, để tồn tại và hội nhập trong tình trạng nạn đường lậu hoành hành, các nhà máy đường đã tự nâng cấp, mở rộng, đầu tư công nghệ và thiết bị mới nên nhìn chung về phía công nghiệp phần lớn các nhà máy đường hiện nay đã thay đổi, không thể đánh giá là lạc hậu như một số nhận định. Hiện chỉ còn một số nhà máy đường có công suất nhỏ dưới 2.000 tấn/ngày, do vùng nguyên liệu mía bị giới hạn không thể phát triển được, nên không cần đầu tư cải tạo kỹ thuật hoặc/và mở rộng quy mô công suất mà cần có quy hoạch và cơ cấu lại.

“Với câu chuyện hiệp hội đường luôn phản đối việc cho nhập khẩu đường giá rẻ, cần lật lại xem trong suốt bao nhiêu năm qua, hiệp hội đã làm được gì cho nông dân hay chăm lo tạo vùng nguyên liệu cho nông dân hay không. Việc cần làm là phải xây dựng chuỗi cung ứng và người nông dân trồng mía phải có vị trí quan trọng trong chuỗi này. Đáng tiếc đến nay, sau nhiều năm, vẫn chưa làm được”, ông Hoàng Thọ Xuân, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) nói khi trao đổi với PV Tiền Phong.