Sau khi Quốc hội thảo luận về dự án Luật Căn cước công dân, ngày 24/6, lãnh đạo Tổng cục VII đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh đề án cấp CMND 12 số, số định danh cá nhân và việc đổi tên CMND thành thẻ căn cước công dân liệu có gây ra những xáo trộn.
Theo tướng Trần Văn Vệ, về bản chất thông tin thì CMND và thẻ căn cước công dân là như nhau, chỉ khác tên gọi. Tên gọi CMND đã in sâu vào tiềm thức, đời sống người dân hàng chục năm nay; CMND được sử dụng trong hầu hết các giao dịch dân sự, thể hiện trên các loại giấy tờ như sổ đỏ, giấy phép xây dựng, hộ khẩu, hoạt động giao dịch với ngân hàng…
Khi thay đổi tên gọi CMND thành Thẻ căn cước công dân sẽ phải sửa đổi hàng loạt loại giấy tờ giao dịch, văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy, khi xây dựng dự án Luật Căn cước công dân, Bộ Công an đã đề xuất giữ nguyên tên gọi CMND để tránh gây ra những xáo trộn trong cuộc sống của người dân. Tuy nhiên khi Chính phủ trình dự án luật, nhiều ý kiến lại cho rằng nên đổi tên CMND thành thẻ căn cước công dân.
"Theo quan điểm của cá nhân tôi và Bộ Công an vẫn nên giữ tên gọi CMND như nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất” – ông Vệ nói.
Về đề xuất tạm dừng cấp CMND 12 số cho tới khi Luật Căn cước có hiệu lực (dự kiến năm 2016) thì cấp đổi CMND 9 số thành Thẻ căn cước công dân luôn để tránh việc phải thay đổi giấy tờ nhiều lần, ông Vệ cho biết: Từ năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án sản xuất, cấp, quản lý CMND.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, đến nay Bộ Công an đã lập đề án đề triển khai cấp CMND mới 12 số tại 15 địa phương và những địa phương này đều đã xóa bỏ công nghệ cấp, quản lý CMND 9 số cũ. Dự kiến tới cuối năm nay, Bộ Công an sẽ cấp, đổi được 1 triệu CMND mới.
“Thẻ căn cước công dân và CMND mới 12 số chỉ khác nhau về tên gọi nên nếu dừng việc cấp CMND lại thì trên hệ thống cũng đang tồn tại một số lượng lớn thông tin CMND 12 số rồi. Bên cạnh đó, đến nay nhà nước đã bỏ ra gần 500 tỷ đồng để trang bị thiết bị, triển khai cấp CMND mới và đang phát huy hiệu quả không lẽ lại dừng” – ông Vệ nói.
Thiếu tướng Trần Văn Vệ
Ngoài ra, Thiếu tướng Trần Văn Vệ cũng cho hay, mới đây Bộ Công an đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt đề án xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia. Sau khi được duyệt, Bộ Công an sẽ tiến hành cập nhật cơ sở dữ liệu của 68 triệu CMND 9 số và dữ liệu thông tin về thường trú của 90 triệu dân. Từ cơ sở này, việc quản lý thông tin căn cước công dân về sau và kết nối, chia sẻ với những cơ sở dữ liệu chuyên ngành như thuế, hải quan, ngân hàng,… sẽ gặp nhiều thuận lợi.
Để chuẩn bị cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, cơ sở dữ liệu căn cước công dân, Bộ Công an đã sử dụng hệ quản trị cơ sơ dữ liệu của Cty Oracle (Mỹ), hãng IBM (Mỹ) cung cấp hệ thống máy chủ và hệ quản trị dữ liệu vân tay của hãng Cogent (Mỹ).
“Đây đều là những thương hiệu hàng đầu thế giới, đảm bảo các điều kiện nghiêm ngặt về an toàn thông tin cũng như bảo mật thông tin của công dân. Việc triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, mã số định danh cá nhân cũng sẽ không sợ bị lạc hậu công nghệ trong suốt thời gian dài”, ông Vệ khẳng định.