Blouse trắng giữa Trường Sa

TP - Cách trở địa lý và thiếu thốn trang thiết bị y tế, nhưng bù lại, các cán bộ chiến sĩ và ngư dân vẫn ấm lòng khi có màu áo blouse trắng của y bác sĩ Trường Sa.

> Khai mở một sân bay thời suy thoái
> Bác sĩ trẻ không phong bì
> Lắp đặt bản đồ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa

Cứu mạng giữa trùng khơi

Chuyến biển cuối tháng 10-2012 với ngư dân Dư Văn (53 tuổi, Hoài Nhơn, Bình Định) trên tàu BD 96376 là nỗi ám ảnh khôn nguôi. Ông bị máy xay nước đá (dùng để ướp đông cá trên tàu cá) cắt dập nát hoàn toàn bàn tay trái.

BS Mừng và y bác sĩ Bệnh xá Trường Sa Lớn thực hiện ca phẫu thuật bàn tay cho bệnh nhân Dư Văn.  Ảnh: BS.Mừng cung cấp.

Tàu thiếu thuốc sơ cứu, ông Văn mất máu liên tục rồi ngất lịm, bàn tay tím tái. Vị thuyền trưởng tàu BD 96376 cố đạp máy, tăng tốc trực chỉ đảo lớn Trường Sa. Xuyên đêm trên biển, rạng sáng hôm sau, tàu cập đảo.

 Ở đây, nếu không tự học, trau dồi thêm, thì cứu mình còn khó, huống chi là cứu đồng đội và ngư dân”. 

Bỏ buổi giao ban, bác sỹ, đại úy Phan Đình Mừng - Bệnh xá trưởng đảo Trường Sa Lớn (huyện Trường Sa, Khánh Hòa) cùng y bác sĩ bệnh xá tiếp nhận bệnh nhân. BS Mừng kể: Bệnh nhân nhập viện trong trạng thái bất tỉnh, người nhợt nhạt, bàn tay trái dập nát hoàn toàn, trong đó ngón nhẫn và ngón út bị dập nát nhiều nhất.

Tính mạng nguy kịch do cơ thể suy kiệt, vết thương lở loét. Vài phút hội chẩn, bệnh xá lập tức truyền dịch chống sốc, tiêm thuốc trợ tim, tiêm phòng uốn ván, gây tê toàn bộ cánh tay trái để mổ cắt lọc tổn thương.

“Do ngón nhẫn và ngón út dập nát quá nặng không thể bảo tồn được nên các bác sĩ quyết định cắt tạo hình mỏm cụt ngón nhẫn và ngón út. Ngón giữa tuy dập nát nhiều nhưng vẫn có khả năng giữ được”, BS Mừng nhớ lại. Chỉ hai ngày sau mổ, bệnh nhân Dư Văn dần hồi phục, bắt đầu đi lại bình thường.

“Nếu không có các bác sĩ trên đảo, chắc tôi không còn sống được” - ngư dân Dư Văn để lại đảo những dòng thư ngắn.

Đây chỉ là một trong hàng loạt ca nguy cấp giữa biển. Bác sĩ Mừng bảo: Khó nhất vẫn là những trường hợp viêm ruột thừa, chấn thương sọ não... do thiếu trang thiết bị chẩn đoán và điều trị hiện đại. Mổ ruột thừa vẫn chủ yếu bằng phương pháp mổ hở.

Tuy nhiên, phần lớn trường hợp đều được bệnh xá khắc phục xử lý thành công. Mới đây, trường hợp của ngư dân Nguyễn Văn Dự (18 tuổi, quê Quảng Ngãi) bị viêm ruột thừa khi đang đi biển được đảo cứu sống kịp thời như một kì tích. Dự nhập viện trong tình trạng đau bụng 10 ngày, sốt nhẹ.

“Chúng tôi chẩn đoán bị viêm ruột thừa, nhưng nếu căn cứ trên các dấu hiệu lâm sàng thì chưa rõ ràng. Sau hồi cân nhắc và dùng các phép thử, tôi quyết định mổ ruột thừa và thành công”, BS Mừng kể.

Mỗi chuyến biển ra Trường Sa, ngư dân Phạm Năm (Quảng Ngãi) đều xin chủ tàu ghé bằng được vào đảo Trường Sa Đông để cám ơn bệnh xá. Chưa đầy nửa năm trước, anh Năm lấy đá ủ cá bất ngờ bị máy cắt chém lìa 4 ngón bàn chân trái.

Mất máu, nguy cơ hoại tử vết thương, cái chết cận kề. May mắn là tàu kịp cập đảo Trường Sa Đông và được BS, trung úy Hoàng Minh Tiến - Bệnh xá trưởng đảo Trường Sa Đông - phẫu thuật. Ông Năm đã sống sau 7 ngày điều trị. Bác sĩ Tiến cho hay: Mỗi năm trung bình 30- 40 ca vào đảo điều trị, chủ yếu bị tai nạn lao động, bệnh tật và đều cứu chữa kịp thời.

“Nối mạng” y tế

Trẻ em trên đảo ít bệnh tật do không khí hài hòa và sự chăm sóc y tế tốt của các bệnh xá. Ảnh: Nguyễn Huy.
 

Tôi còn nhớ lần gặp BS Mừng đợt thăm đảo cuối tháng 5 -2012, khi vị bác sĩ đeo quân hàm này mới nhận nhiệm vụ ngoài đảo gần tháng. 37 tuổi, quê Hưng Yên, tốt nghiệp Học viện Quân y, lần đầu ra đảo nhưng BS Mừng hòa nhập nhanh.

Dãy bệnh xá nằm ngay bên nhà văn hóa, sát khu dân cư trên đảo. Căn phòng BS Mừng đủ kê bộ bàn làm việc và chiếc giường nhỏ. Phía đối diện, các phòng thuốc, phòng tiểu phẫu, phòng mổ bố trí ngăn nắp.

Tấm bảng làm việc kín lịch: Sáng khám bệnh cán bộ khu A, chiều kiểm tra sức khỏe nhân dân trên đảo... BS Mừng bảo: Bệnh xá vừa được hỗ trợ máy chụp XQ, một máy phát điện và một máy xét nghiệm sinh hóa. Khám lâm sàng có điều kiện hơn, chẩn đoán bệnh chính xác hơn.

Nói thế, nhưng theo các cán bộ chiến sĩ trên đảo, nếu không có sự “mát tay” của đội ngũ quân y với trang thiết bị y tế hiện nay, việc khám, điều trị còn nhiều phức tạp đặc biệt trong các trường hợp cấp cứu. Chỉ tính riêng Trường Sa Lớn, mỗi năm có hàng trăm lượt ngư dân khám chữa bệnh, trong đó trên dưới 10 ca khó được điều trị thành công.

Theo BS Mừng, để khắc phục hạn chế về trang thiết bị, bệnh xá “nối mạng” thường xuyên với đất liền để được các bác sĩ chuyên khoa trong đất liền tư vấn cho những ca khó.

Vị bác sĩ trẻ cẩn thận mở tập email đính kèm hàng loạt bệnh án được chụp cắt lớp cẩn thận để trao đổi chuyên môn với Bệnh viện 175 qua internet. Trường hợp khẩn cấp, các bác sĩ trực tiếp hội đàm qua điện thoại để đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.

Sóng điện thoại và đường truyền mạng tốt nên việc nối mạng điều trị dễ dàng hơn. Theo BS Hoàng Minh Tiến, bên cạnh kiến thức sách vở, đội ngũ y bác sĩ Trường Sa thường xuyên tích lũy kinh nghiệm thực tiễn để điều trị.

Từng công tác ở bệnh viện Quân khu 7 với vai trò bác sĩ khoa ngoại, nhưng ra đảo, BS Tiến trở thành…bác sĩ đa khoa. “Ở đây, nếu không tự học, trau dồi thêm, thì cứu mình còn khó, huống chi là cứu đồng đội và ngư dân” - BS Tiến nói.

Điểm tựa

Y bác sĩ Trường Sa thăm khám định kỳ cho các hộ dân trên đảo.
 

Giữa đảo chìm Cô Lin, các phòng ốc đều tiết kiệm diện tích tối đa. Nhưng riêng phòng bệnh được bố trí rộng nhất. Thiếu úy Nguyễn Đình Thu (31 tuổi, quê Thái Bình), quân y đảo, nói: Các bệnh xá, quân y trên đảo vừa chăm sóc, bảo vệ sức khỏe anh em cán bộ chiến sĩ và trực tiếp khám, cấp phát thuốc và điều trị cho ngư dân Trường Sa.

Mỗi năm, đơn vị tiếp nhận hàng chục ngư dân, trong đó có nhiều ngư dân bệnh nặng, nghi ruột thừa. Theo Thượng tá Đinh Văn Hải - Đảo trưởng Trường Sa Lớn: Tùy bệnh án, đảo có biện pháp hỗ trợ như cho bệnh nhân theo tàu vào bờ, hoặc đề nghị điều trực thăng cấp cứu... Những năm gần đây, sức khỏe anh em đều được đảm bảo an toàn, chưa xảy ra trường hợp đáng tiếc.

Chị Trương Thị Liền (36 tuổi) hộ dân trên đảo Song Tử Tây (Trường Sa) cho biết: Năm 2009, điều kiện bệnh xá hạn chế, việc quyết định sinh cháu trai Hồ Song Tất Minh là cả một sự liều lĩnh. Nhưng bệnh xá đảo đã làm tốt, tạo sự tin tưởng cho mọi người. Ở đảo, ai cũng an tâm vì các anh quân y khám, điều trị.

Thiếu tá Nguyễn Xuân Thiên, y sĩ gây mê bệnh xá Trường Sa Đông cho hay: Đảo thiếu trang thiết bị, việc chẩn đoán hạn chế, nhưng chính sự rèn luyện trên đảo đã cho y bác sĩ quân y bản lĩnh và tính chuyên môn, nghiệp vụ hiệu quả nhất. Đến nay chưa có trường hợp chẩn đoán ruột thừa sai.

Theo Báo giấy