Bịt lỗ hổng

TP - Khoảng 10 ngày sau khi xảy ra vụ thủ tiêu xác nạn nhân thiệt mạng tại thẩm mỹ viện ở Hà Nội, phóng viên Tiền Phong “dạo qua” một vòng các spa, thẩm mỹ viện tại TPHCM và phản ánh hiện thực sống động về sự lỏng lẻo trong quản lý các dịch vụ làm đẹp nói riêng và dịch vụ y tế nói chung.

> Dồn trách nhiệm, quận, phường kêu khó
> Ngắc ngoải bệnh viện tư

Để thu lợi nhuận qua dịch vụ làm trắng da, nhiều chủ spa quảng cáo đủ các phương pháp: dùng “kem tẩy trắng”, tiêm, uống thuốc “làm trắng da”, thậm chí là tiêm… “tế bào gốc”, quét nhũ tương toàn cơ thể… Trong khi đó, cơ quan chức năng khẳng định các cơ sở như spa không được phép tiêm chích, dùng thuốc, đừng nói là tiêm tế bào gốc, vốn chỉ một số bệnh viện chuyên khoa mới được phép thực hiện.

Sau vụ việc Thẩm mỹ viện Cát Tường phi tang xác khách hàng ở Hà Nội, như thường lệ, công chúng lại được nghe các cụm từ quen thuộc: “tập trung làm rõ trách nhiệm”, “nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm”, “sai đến đâu xử đến đó”, sai phạm nảy sinh do “lỗ hổng quản lý”, “lỗi cơ chế”… Đây là cách nói “hòa vốn”, bởi đó là lẽ đương nhiên. Cho đến thời điểm này, xác nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền vẫn chưa được tìm thấy, cũng như trải qua nhiều cuộc họp, dường như người ta vẫn chưa “tìm ra” những cá nhân phải chịu trách nhiệm trong vai trò quản lý ngành, quản lý địa bàn.

“Ông” địa phương thì nói tôi đã làm hết trách nhiệm, bằng chứng là “đã ra chỉ thị chấn chỉnh”, và lực lượng mỏng nên quản không xuể.

Ông bệnh viện thì nói do “các anh ấy” làm chui nên không báo cáo, chúng tôi không được biết. Sắp tới sẽ yêu cầu báo cáo, giám sát.

Người đứng đầu ngành y thì nói có lỗ hổng trong quản lý là hiện nay thanh tra chỉ kiểm tra cơ sở được cấp phép, còn cơ sở không có phép thì… bỏ sót.

Nhưng cho dù việc cấp giấy phép kinh doanh là của các quận huyện, y dược là một ngành nghề có điều kiện và như thế không thể nói ngành y vô can, sở y tế không có trách nhiệm gì.

Những “lỗ hổng” nói trên ngày nào chưa được bịt lại, ngày đó còn có nhiều người nguy cơ chết oan.

Tuy nhiên, bịt lỗ hổng cơ chế là chuyện của cả một ngành. Còn về trách nhiệm cá nhân?

Không thể cứ có vụ việc nào đó là đòi một bộ trưởng từ chức. Một quan chức chính phủ vừa nói vậy. Có lẽ ý ông là vấn đề của một ngành có khi kéo dài từ đời bộ trưởng này qua đời bộ trưởng kia. Nhưng liên tiếp để ngành mình xảy ra các vụ việc bê bối trong nhiệm kỳ thì cũng nên nghĩ tới chuyện trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu.

Theo Báo giấy