Tính đến đầu tháng 10/2022, tất cả các xã vùng đồng bào DTTS của tỉnh có đường ô tô được nhựa hóa thông suốt đến trung tâm xã; 100% xã được phủ sóng truyền hình, truyền thanh và 95% hộ có phương tiện nghe nhìn; 98% hộ được sử dụng lưới điện quốc gia, có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng; 100% xã có mạng Internet đến thôn.
Các xã vùng đồng bào DTTS hiện có hơn 400 sinh viên đang theo học các trường đại học, trung học, cao đẳng. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS đến đầu tháng 10/2022 giảm còn 3,64%, giảm 1,09% so với năm 2021. Thu nhập bình quân người dân ở các xã thuần đồng bào DTTS đạt 21,07 triệu đồng/người/năm.
Có được kết quả đó, ngoài sự đầu tư, hỗ trợ từ các ngành Trung ương và các chính sách đặc thù của địa phương, còn có sự nỗ lực của đồng bào. Hiện toàn tỉnh có 2.379 hộ nhận khoán quản lý, bảo vệ trên 86.179,42 ha rừng với kinh phí chi trả hàng năm cho đồng bào DTTS trên 20,3 tỷ đồng; góp phần giải quyết việc làm, thu nhập, cải thiện đời sống cho các hộ dân...
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã có chính sách giải quyết đất sản xuất cho 14.279 hộ đồng bào DTTS với hơn 15.281,08 ha (bình quân 1 ha/hộ). Phần lớn đất cấp được đồng bào đưa vào sản xuất, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế hộ, đa dạng các mô hình sản xuất hiệu quả giúp người dân vươn lên thoát nghèo.
Đặc biệt là các địa phương vùng miền núi đã thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển cây cao su như: Thực hiện đề án “Tái canh cây cao su” trên diện tích 250,84 ha. Đầu tư hạ tầng để tăng khả năng vận tải, lưu thông hàng hóa, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS, phấn đấu đến cuối năm 2022 giảm 1,5% hộ nghèo và đến năm 2030 mức giảm hộ nghèo hàng năm đạt từ 1,5 - 2%; thu nhập bình quân đạt 35 - 40 triệu đồng/người/năm; 99,5% hộ sử dụng điện lưới quốc gia và 98% gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh… các ngành liên quan cần thực hiện tốt các giải pháp nhằm phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất sản xuất đã cấp cho đồng bào DTTS.