Biển Đông khả năng xuất hiện liên tiếp 2 cơn bão

Dự báo áp thấp nhiệt đới trên sẽ mạnh lên thành bão sau 24-36 giờ tới và ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ. Đến 12/10, Biển Đông khả năng lại xuất hiện thêm cơn bão nữa.

Nhiều tỉnh miền Trung sắp hứng bão số 7

Ngày 6/10, ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã ký báo cáo về một số nhận định sớm tình hình thiên tai 10 ngày tới và xu hướng diễn biến 3 tháng cuối năm 2021, gửi Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai (PCTT), Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Nội dung báo cáo cho biết, chiều 5/10, một áp thấp nhiệt đới đã hình thành trên vùng biển phía Nam Biển Đông, ngay trên dải hội tụ nhiệt đới (ITCZ) có xu hướng mạnh lên trong những ngày tới. Dự báo, áp thấp nhiệt đới này có khả năng mạnh lên thành bão số 7, hướng về phía Quần đảo Hoàng Sa, sau đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Trung Trung Bộ, Bắc Trung Bộ từ ngày 8-12/10.

Dự báo, khoảng ngày 10-11/10, một đợt không khí lạnh mạnh có khả năng ảnh hưởng đến nước ta và tương tác với cơn áp thấp nhiệt đới/bão trên Biển Đông, nên trong những ngày tới diễn biến của áp thấp nhiệt đới/bão được dự báo còn có diễn biến rất phức tạp, khả năng gây mưa lớn ở các tỉnh Trung Trung Bộ, Bắc Trung Bộ (mưa lớn do bão, do bão kết hợp với không khí lạnh).

Ngoài ra, dự báo khoảng ngày 12-13/10, trên Biển Đông tiếp tục có khả năng xuất hiện thêm một cơn bão mới, cơn bão số 8.

Khả năng xuất hiện mưa đặc biệt lớn ở Trung Bộ

Theo Tổng cục Khí tượng thủy văn, hiện nay mưa lớn đang xảy ra ở các tỉnh Trung Bộ. Dự báo, từ ngày 6-8/10, mưa lớn tập trung ở khu vực Bắc Tây Nguyên, các tỉnh Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ (từ Quảng Trị đến Phú Yên), trong đó ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định và Kon Tum có khả năng xảy ra mưa đặc biệt lớn.

Từ ngày 8/10-12/10, ở các tỉnh Trung Trung Bộ, Bắc Trung Bộ, đồng bằng Bắc Bộ có khả năng xảy ra mưa lớn do tác động của không khí lạnh kết hợp với cơn bão số 7. Riêng các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có dấu hiệu xuất hiện một đợt mưa đặc biệt lớn.

"Mưa lớn xảy ra liên tiếp trong thời gian tới với cường suất lớn, lượng mưa rất to. Các tỉnh/thành phố ở Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên cần đặc biệt chú ý nguy cơ rất cao về lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng diện rộng", công văn của Tổng cục Khí tượng thủy văn lưu ý.

Về nhận định tình hình thiên tai 3 tháng cuối năm 2021, Tổng cục Khí tượng thủy văn cho biết:

Hiện tượng ENSO: Theo các dự báo hạn dài thì ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất khoảng 70-80% trong các tháng còn lại của năm 2021. La Nina thường làm gia tăng số lượng bão, áp thấp nhiệt đới và gây mưa nhiều hơn trung bình nhiều năm ở khu vực Trung Bộ.

Bão, áp thấp nhiệt đới: Dự báo trong tháng 10 và tháng 11/2021 sẽ có nhiều áp thấp nhiệt đới, bão hoạt động trên Biển Đông. Trong 3 tháng cuối năm 2021, trên khu vực Biển Đông còn có khả năng xuất hiện khoảng 5-7 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 2-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Tháng 10 và 11/2021, mưa bão tập trung cao điểm ở khu vực Trung Bộ với lượng mưa được dự báo cao hơn trung bình nhiều năm từ 15-30%.

Nhận định tình hình lũ ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên: Đỉnh lũ năm 2021 tại hạ lưu các sông chính ở Thanh Hóa, Nghệ An ở mức báo động 1 (BĐ1)-BĐ2; các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên ở mức BĐ2-BĐ3 và có nơi trên BĐ3. Trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông Trung Bộ, Tây Nguyên khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất, các trận lũ lớn tập trung trong tháng 10, 11/2021.

Nhận định tình hình nguồn nước và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long: Đỉnh lũ năm 2021 ở đầu nguồn sông Cửu Long ở mức thấp (dưới BĐ1) và xuất hiện vào khoảng giữa tháng 10/2021; đỉnh lũ năm 2021 tại các trạm hạ nguồn sông Cửu Long ở mức BĐ2-BĐ3, một số trạm trên BĐ3, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại một số vùng trũng thấp, ven sông, đặc biệt tại Cần Thơ, Vĩnh Long.

Tổng lượng dòng chảy trong những tháng mùa khô 2021-2022 từ thượng nguồn sông Mê Công về hạ lưu và Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng thiếu hụt từ 15-25% so với trung bình nhiều năm; tình hình xâm nhập mặn sẽ diễn ra sớm và cao hơn trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, mùa mưa được dự báo kết thúc muộn, lượng mưa trong các tháng mùa khô tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm và có thể xuất hiện các đợt mưa trái mùa, nên tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng ít nghiêm trọng hơn mùa khô năm 2019-2020.

El Nino là từ được dùng để chỉ hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương, kéo dài 8 - 12 tháng, hoặc lâu hơn, thường xuất hiện 3 - 4 năm 1 lần, song cũng có khi dày hơn hoặc thưa hơn.

La Nina là hiện tượng lớp nước biển bề mặt ở khu vực nói trên lạnh đi dị thường, xảy ra với chu kỳ tương tự hoặc thưa hơn El Nino. Hiện tượng La Nina có thể xuất hiện ngay khi hiện tượng El Nino suy yếu, nhưng có khi không phải như vậy.

ENSO là chữ viết tắt của các từ ghép El Nino Southern Oscillation (El Nino - Dao động Nam) để chỉ cả 2 hai hiện tượng El Nino và La Nina và có liên quan với dao động của khí áp giữa 2 bờ phía Đông Thái Bình Dương với phía Tây Thái Bình Dương - Đông Ấn Độ Dương (Được gọi là Dao động Nam) để phân biệt với dao động khí áp ở Bắc Đại Tây Dương).

Link gốc:

https://dantri.com.vn/xa-hoi/kha-nang-xuat-hien-lien-tiep-2-con-bao-tren-bien-dong-20211006145329676.htm?fbclid=IwAR1JQmAKkec5KR7GY8O7SoRVB81OuqYvS4kJvYdS_6QwE19jEn5OAxMpiHU#dt_source=Home&dt_campaign=TTSK&dt_medium=2

Theo Dantri