Biến biển Đông thành khu vực hòa bình

TP - Ông Phạm Quang Vinh, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn quan chức cấp cao Việt Nam tại ASEAN trả lời báo chí sau khi kết thúc Hội thảo kết nối ASEAN - Trung Quốc ngày 5 và 6 tháng 7 tại Nha Trang.

> Tập đoàn Dầu khí 'Dĩ bất biến, ứng vạn biến' ở biển Đông

Quang cảnh hội thảo.
 

Theo ông Vinh, các nước ASEAN và Trung Quốc đã thống nhất được về nhiều vấn đề. Tháng 10-2010, lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc đã thông qua chương trình và kế hoạch hoạt động, nhằm tăng cường quan hệ đối tác.

Cuộc hội thảo này nhằm thúc đẩy các nỗ lực theo hướng đó. Thứ hai, kết nối bao gồm tổng thể kết nối về hạ tầng cơ sở, đường bộ, đường biển, đường không, về chính sách và các thể chế trên tất cả các mặt, kết nối giữa người dân với người dân.

ASEAN và Trung Quốc cùng nhất trí nỗ lực thúc đẩy Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN, trong đó có mục tiêu tăng cường kết nối ở toàn khu vực Đông Á, bao gồm kết nối ASEAN – Trung Quốc. Các bên nhất trí, để duy trì hòa bình ổn định, vì thịnh vượng chung trong khu vực, cần hỗ trợ hơn nữa nỗ lực xây dựng cộng đồng ASEAN, tăng cường sự ủng hộ đối với vai trò trung tâm của ASEAN trong các tiến trình khu vực.

Có những thách thức về an ninh phi truyền thống như thế nào trên biển Đông?

Mục tiêu chung của ASEAN và Trung Quốc là biển Đông trở thành khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác, bảo đảm an toàn và an ninh hàng hải. Có nhiều cơ chế nhằm đạt mục tiêu trên, đặc biệt là Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á - TAC, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông - DOC, Diễn đàn an ninh ASEAN - ARF...

Tất cả những cái đó cần phát huy và nỗ lực hơn nữa, đặc biệt là thực hiện hiệu quả và đầy đủ DOC, tôn trọng và tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, cũng như Công ước Luật biển.

Vai trò của ASEAN thế nào trong việc bảo đảm các bên cùng thực hiện cam kết?

DOC là văn bản được ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc, nên cần thúc đẩy hợp tác, đối thoại giữa hai bên, để DOC được thực hiện đầy đủ.

Tại hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 18, ASEAN đã nhất trí sẽ cùng Trung Quốc sớm đạt được Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở biển Đông - COC. COC sẽ mang tính ràng buộc cao hơn so với DOC. Hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải là lợi ích chung của mọi nước trong khu vực này, không phải của riêng các nước trực tiếp liên quan đến đòi hỏi về chủ quyền.

Cho nên trong ASEAN, phải phát huy một cách có hiệu quả các công cụ hợp tác hiện có, như TAC, như DOC, như ARF. Thứ ba, phải tăng cường đối thoại xây dựng lòng tin, bảo đảm không làm gì phức tạp thêm tình hình.

 

Hội thảo Tăng cường Kết nối giữa ASEAN và Trung Quốc và Hội thảo Củng cố Hợp tác ASEAN - Trung Quốc trong lĩnh vực An ninh phi truyền thống trong bối cảnh tăng cường kết nối được tổ chức tại Nha Trang, Khánh Hòa ngày 5 và 6-7.

Đây là một trong nhiều hoạt động do Việt Nam đăng cai tổ chức để kỷ niệm 20 năm quan hệ đối thoại ASEAN - Trung Quốc (1991-2011). Tham gia hai Hội thảo có quan chức chính phủ và các nhà nghiên cứu của 10 nước ASEAN, Trung Quốc và Ban Thư ký ASEAN.

Các đại biểu cùng cho rằng, gia tăng kết nối sẽ đóng góp cho sự phát triển quan hệ đối tác chiến lược, tăng cường hiểu biết và tin cậy giữa ASEAN và Trung Quốc, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực. Phương hướng và biện pháp để ASEAN và Trung Quốc hợp tác thực hiện thành công Kế hoạch Tổng thể về kết nối giữa hai bên đã được tập trung thảo luận.

Hội thảo cũng bàn các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc trong các lĩnh vực phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, buôn người, di cư bất hợp pháp, buôn lậu ma túy, rửa tiền, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, lương thực và nguồn nước…

Đại biểu Trung Quốc khẳng định, Chính phủ Trung Quốc coi trọng quan hệ với ASEAN, tiếp tục hỗ trợ ASEAN thực hiện thành công Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN, được các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua tháng 10-2010.

Đ.Q (ghi)

Theo Báo giấy