Bị Mỹ - Nhật chỉ trích, Trung Quốc nổi đóa

TP - Trung Quốc tỏ ra hết sức tức giận khi bị Mỹ và Nhật Bản trực tiếp chỉ trích những hành động đơn phương gây căng thẳng trong khu vực tại Diễn đàn quốc phòng Shangri-La 2014. Trong khi đó, giới chức quân sự Mỹ tiếp tục khẳng định lại cam kết về sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel (trái) trong cuộc gặp Phó Tổng tham Mưu trưởng Trung Quốc Vương Quán Trung. Ảnh: AP

Trung Quốc vừa yêu cầu Nhật Bản không “kích động thù hằn”, sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố ủng hộ các quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền biển đảo trên biển Đông.

Xinhua dẫn lời Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương yêu cầu phía Nhật Bản “đối mặt lịch sử, tôn trọng sự thật và không kích động thù hằn cũng như đánh lạc hướng dư luận”.

Ông Tần Cương nói: “Tokyo nên có những hành động thiết thực hơn giúp duy trì hòa bình và ổn định khu vực… Thực tế, Nhật Bản nên làm rõ với cộng đồng quốc tế về những động thái gần đây của họ trong lĩnh vực an ninh, quân sự, tuân thủ luật pháp quốc tế và những tiêu chuẩn nền tảng chi phối các mối quan hệ quốc tế trong khi giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và vùng biển với các nước láng giềng”.

Trung Quốc cũng gay gắt chỉ trích bình luận của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tại Shangri-La, sau khi ông tố cáo Bắc Kinh tiến hành những hành động gây bất ổn, nhằm khẳng định những yêu sách chủ quyền của nước này trên biển Đông.

Báo South China Morning Post (Hong Kong) ngày 1/6 tường thuật, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Vương Quán Trung đã “bật” lại Thủ tướng Nhật Bản và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong bài phát biểu của mình tại Shangri-La.

Tướng Vương nói: “Ông Abe , ông Hagel đại diện hai nước lớn, trong dịp này đã có sự chỉ trích một cách không tưởng tượng được với Trung Quốc. Tôi hoàn toàn không ngờ đến bài phát biểu của ông Abe, ông Hagel. Có cảm giác như họ có sự phối hợp với nhau chặt chẽ, họ ủng hộ nhau, họ khuyến khích nhau. Họ lợi dụng lợi thế của người nói trước trong Shangri-La và đưa ra các hành động khiêu khích, thách thức với Trung Quốc”.

Giới tướng lĩnh diều hâu Trung Quốc cũng không giấu được sự tức tối, phản ứng gay gắt khi bị phê phán trực diện như vậy. Họ cho rằng, Washington không hề có ý tốt với Trung Quốc.

Thiếu tướng Diêu Vân Trúc tuyên bố không tin Mỹ thật sự trung lập trong các cuộc tranh chấp biển giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực. Còn tướng Chu Thành Hổ công tác tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc cho rằng, Mỹ đối xử với Trung Quốc như kẻ thù chứ không phải như một đối tác.

Trong khi đó, giới chức quân sự Mỹ tiếp tục khẳng định lại cam kết về sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Hagel cho biết, năm tới, hải quân Mỹ sẽ lần đầu tiên đưa tàu đổ bộ tốc độ cao đến châu Á - Thái Bình Dương, triển khai một tàu ngầm chiến lược tới căn cứ quân sự ở Guam.

Bốn tàu chiến đấu tuần dương sẽ được triển khai tới đây từ năm 2017, và tàu khu trục tối tân lớp Zumwalt sẽ bắt đầu vận hành ở Thái Bình Dương vào năm 2018.

Mỹ cũng sẽ cung cấp máy bay chiến đấu thế hệ 5 cho Nhật Bản và Úc, triển khai thêm tàu phòng thủ tên lửa tới Nhật. Mỹ và ASEAN sẽ tăng cường việc chia sẻ thông tin, hợp tác trên biển và tập trận chung giữa các nước. Mỹ bán máy bay Apache cho Indonesia, tích cực hỗ trợ quân đội Philippines củng cố khả năng trên biển và trên không.

Tại diễn đàn Shangri-La, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thúc giục các nước tuân thủ luật pháp quốc tế, không có hành động đơn phương trên biển..., tuân thủ triệt để 3 nguyên tắc bảo đảm an ninh, hòa bình trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.

Còn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cáo buộc Trung Quốc hung hăng xử lý tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng làm mất ổn định trong khu vực.