Bị đòi tiền tác quyền khi dùng tivi: Chủ khách sạn bức xúc

TP - Đầu tháng 5, hàng trăm cơ sở lưu trú tại Đà Nẵng bất ngờ nhận được công văn của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam chi nhánh phía Nam (VCPMC) yêu cầu đến văn phòng đại diện của đơn vị này tại Đà Nẵng trả tiền khi sử dụng tác phẩm âm nhạc trong kinh doanh.

Bất ngờ

Trong phụ lục kèm theo, VCPMC còn ghi rõ mức thu nhuận bút sử dụng tác phẩm âm nhạc đối với phòng ngủ, phòng khách trong khách sạn có ti vi là  25 ngàn đồng/phòng/năm. Tùy theo khách sạn, công văn này nêu rõ sau tháng 5, nếu không phản hồi VCPMC sẽ phối hợp thanh tra Sở VH-TT Đà Nẵng thanh kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm, xâm phạm quyền tác giả. Thậm chí thực hiện các thủ tục pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu quyền tác giả.

Công văn VCPMC gửi các khách sạn ở Đà Nẵng  Ảnh: Thanh Trần.

Đại diện khách sạn O. trên đường Hoàng Diệu (quận Hải Châu) bức xúc: “Không phải khách sạn nào cũng sử dụng âm nhạc, điển hình như khách sạn tôi chủ yếu khách quốc tế, họ chỉ về khách sạn sau khi thăm thú phố phường cả ngày. Vì vậy, khách sạn ít có âm nhạc,  giữ yên tĩnh cho du khách. Tôi cho rằng công văn yêu cầu chúng tôi trả tiền tác quyền âm nhạc là quá vô lý”. 

Hầu hết các khách sạn còn lại thì bày tỏ không đồng tình với khoản thu 25 ngàn đồng cho các phòng có ti vi. Bởi họ đã trả thuê bao truyền hình cáp hàng tháng. “Tụi tui sắm ti vi, trả các dịch vụ truyền hình để xem chương trình, nếu muốn thu thì phải thu nhà đài, nơi sản xuất chương trình”- một khách sạn thắc mắc.

“Thuê bao là một chuyện, tác quyền là chuyện khác”

Trong văn bản trả lời báo chí, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, giám đốc VCPMC chi nhánh phía Nam, lý giải, hầu hết các khách sạn đều có mở nhạc ở những khu vực kinh doanh cũng như các phòng nghỉ sử dụng âm nhạc qua tivi. Khi khách sạn lắp đặt tivi tại các phòng lưu trú, thì đều có các kênh âm nhạc, chương trình truyền hình giải trí sử dụng âm nhạc như game show, giới thiệu tác phẩm, tác giả…

Đây là việc sử dụng quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng của tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả được quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 20 của Luật SHTT. Khi sử dụng quyền này, khách sạn có nghĩa vụ xin phép và trả nhuận bút thù lao theo quy định tại Khoản 3 Điều 20 Luật SHTT.

Đối với các kênh truyền hình, ông  Đinh Trung Cẩn cho hay VCPMC chỉ cấp phép giới hạn ở việc sử dụng quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng. Nội dung này được quy định rõ hợp đồng sử dụng tác phẩm âm nhạc mà VCPMC ký kết với các đài PT&TH trên lãnh thổ Việt Nam và không bao gồm quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng đối với việc sử dụng các tác phẩm âm nhạc trong khách sạn, nhà hàng, quán bar… thông qua các kênh truyền hình. “Khoản phí mà khách sạn trả cho truyền hình cáp chỉ là khoản tiền để được nhận tín hiệu hoặc đường truyền từ nhà cung cấp, không bao gồm nhuận bút trả cho việc sử dụng tác phẩm âm nhạc”, ông nói.

Ông cũng thông tin thêm: VCPMC đã thấy không ít khách sạn nói “tôi dùng bài hát mà khách sạn sử dụng không nằm trong hợp đồng của tác giả với VCPMC (hoặc tác phẩm được khách sạn mua trực tiếp của nhạc sĩ) thì tại sao VCPMC đòi thực hiện nghĩa vụ trả tiền”, nhưng khi VCPMC cử chuyên viên khảo sát, thu thập chứng cứ đã chứng minh được khách sạn có sử dụng tác phẩm âm nhạc thuộc thành viên của VCPMC.

Theo VCPMC, việc đòi tiền tác quyền âm nhạc đạt kết quả tốt tại TPHCM, Bình Dương, Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Cần Thơ, Cà Mau… Riêng Đà Nẵng, từ 6/2013, VCPMC phối hợp Sở VHTT&DL tỉnh gửi văn bản đến các đơn vị kinh doanh có sử dụng âm nhạc ở quán karaoke, nhà hàng, quán cà phê, khách sạn… Hai tháng đầu, có 12 đơn vị trong đó 1 khách sạn (Novotel Đà Nẵng) thực hiện quyền tác giả. Tuy nhiên những năm tiếp theo, các cơ sở thường tìm cách để né tránh. Trong năm 2016, chỉ 3 khách sạn trả tiền tác quyền âm nhạc thông qua ký kết hợp đồng với Trung tâm.