Những người lính Điện Biên của tôi - Kỳ 2:

Bị địch bắt sống khi đã chết

TP - Lần đầu tiên trong già nửa đời người, tôi được nghe một người lính già Điện Biên kể chuyện.
Bộ đội ta tiến lên tiêu diệt địch tại đồi C1. Ảnh: TTXVN

Không phải là chuyện gian khổ - dĩ nhiên là gian khổ rồi - mà là chuyện vui của người lính. Không phải là chuyện chiến thắng - tất nhiên là chiến thắng rồi - mà là chuyện chiến bại của ông trong một trận đánh gần đến ngày ta toàn thắng.

Những nghịch cảnh, những trớ trêu của cuộc đời, của số phận làm ta hiểu thêm rằng, cuộc đời này không chỉ có ngọt bùi, mà lắm khi còn nếm đủ chua cay mặn nhạt nữa.

Thu đông năm 1953, F312 mà ông Nguyễn Chuông là D trưởng D115, E165, oái oăm, lại hành quân sau cùng, sau mấy đại đoàn bạn. Đã thế, đang đóng quân ở địa bàn tỉnh Phú Thọ, lại được lệnh hành quân, không phải ngược lên Tây Bắc mà là rông về xuôi, về vùng Vĩnh Yên, Lâm Thao, Lập Thạch, Việt Trì, Hưng Hoá. Được thả ra đi chợ, tha hồ mua bán, lính ta vừa phởn vừa tức.

Lại còn cái lệnh này nữa: nếu gặp người quen là phải tránh mặt. Lính trẻ, lại là lính chủ lực cần nhất là khâu oai trước người quen, nhất là trước các cô gái, mà phải chấp hành lệnh này thì... ỉu xìu như bánh đa gặp nước.

Cánh lính nghe phổ biến tình hình chiến cục, biết cuộc kháng chiến đang chuyển sang giai đoạn thứ 3 - giai đoạn tổng phản công, lại nghe lỏm, sắp có đánh lớn trên mạn rừng núi phía bắc, vậy mà... đơn vị mình lại quay lưng lại hướng mặt trận thì tức thật.

Tức thì tức, nhưng vẫn phải chấp hành nghiêm mệnh lệnh cấp trên. Mãi rồi mới biết phải nghi binh đấy. Làm thế cho địch tưởng quả đấm chủ lực F312 không dồn lên Tây Bắc cùng với bốn quả đấm chủ lực nữa là các F: 308, 316, 304 và 351. Thế rồi tự dưng mất hút, không để lại dấu vết gì.

Bây giờ, nếu phải đi ô tô trên chặng đường cỡ hai trăm rưởi, ba trăm cây số đường tốt, chỉ mất nửa ngày đường đã ngại lắm! Ngày ấy, quãng đường trên, các anh phải đi ròng rã hơn tháng trời.

Hơn một tháng trời đi bộ với súng trĩu bên vai, ba lô trên vai và quanh người lỉnh kỉnh những đạn, xẻng (gập lại thành cuốc), dao găm, lưỡi lê, ruột tượng gạo, ống bương đựng nước... với cái gậy chống cho thành... ba chân.

Thời ấy, đường chưa to, chưa rộng, chưa bằng phẳng nhẵn thín như bây giờ, mà hành quân thì lại bỏ đường cái, cứ đường mòn, đường tắt, đường rừng mà đi. Có khi đi ban ngày, nhưng thường là đi đêm, ngủ rừng, nằm đất nên gian khổ hơn nhiều, vai phồng, chân phồng, bụng đói, miệng khát ... Nhưng mà vui lắm.

Tướng Nguyễn Chuông

Sau gần 9 năm trận mạc, vào chiến dịch Điện Biên ông Nguyễn Chuông đã là tiểu đoàn phó. Cán bộ chiến sĩ đơn vị hầu hết cũng trẻ trung sàn sàn một lứa như ông.

Lính trẻ, ai chả háo hức cái lạ. Lính đồng bằng, lính thành phố, lần đầu tiên thấy rừng, đi rừng, ngủ rừng. Cái gì cũng lạ. Đi cả ngày dưới tán rừng âm u, không một tia nắng lọt. Tiếng máy bay bà già địch dòm ngó cũng chỉ lúc có lúc không.

Lính ta cứ chỉ trỏ, úi chà, úi giời luôn mồm. Gần sáng, sau một đêm hành quân, chỉ trừ những người gác cảnh giới, cả đơn vị ngủ mê mệt. Đột nhiên, cả cánh rừng bị đánh thức bởi hàng trăm ngàn tiếng chim.

Tiếng chim như rót vào tai làm mọi người bừng tỉnh. Có anh vẫn ngủ, bị bạn gọi giật, hốt hoảng: - Gì thế mày, gặp địch à? - Có nghe thấy gì không? Ở quê, họa hoằn mới nghe thấy tiếng chim chích chòe, chim gáy, chim khách. Đây là một dàn nhạc chim, một bản hoà tấu chim, một dàn đại hợp xướng chim. Mọi mệt nhọc thốt nhiên biến mất. Bỗng thấy mình như khỏe ra, như hăng lên.

Và hoa. Hoa ban trắng, hoa ban đỏ, hoa ban tím, hoa đào, hoa chuối đỏ chói mầu cờ, và bao nhiêu thứ hoa rừng khác. Nguyễn Chuông thì không lạ, vì Tây Bắc vốn là miền đất anh từng dọc ngang trận mạc. Nhưng lính ta thì sướng rơn lên vì chưa bao giờ tận mắt thấy những cánh rừng hoa như thế làm ông cũng vui lây. Năm ấy, ông mới 25 tuổi.

Đến địa điểm tập kết ở ngoại vi Điện Biên, tiểu đoàn ông được nghỉ ba ngày làm lán trại, ổn định ăn ở, tắm giặt, nghỉ ngơi, lĩnh súng đạn bổ sung, lĩnh gạo, thực phẩm để sau đó bắt tay ngay vào việc làm 2 km đường. Chỉ 2 km thôi, nhưng bên là núi cao, bên là vực sâu, và cuối cùng là phải vượt ngọn núi An Tao cao 1.100m.

Đấy là đoạn đường kéo pháo. Làm đường núi hoàn toàn bằng thủ công đã khó, đã khổ, nhưng kéo những cỗ pháo nặng 2,4 tấn còn khó, còn khổ, còn nguy hiểm hơn nhiều. Tô Vĩnh Diện đã hy sinh khi cùng đồng đội kéo pháo chính ở đây.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, F312 do F trưởng Lê Trọng Tấn chỉ huy được giao trọng trách đánh trận mở màn tiêu diệt hai cứ điểm Him Lam và Độc Lập, rồi tiếp tục hạ gục tiếp các cứ điểm D1, D2, D3, C1, C2, C3, kết thúc thắng lợi đợt I chiến dịch.

Sang đợt II, F312 cùng các đơn vị bạn từ nhiều hướng tiến xuống đánh vào khu trung tâm Mường Thanh. E165, trong đó có D115 mà Nguyễn Chuông, giờ là tiểu đoàn trưởng được lệnh đánh sân bay Mường Thanh.

Địch có máy bay yểm trợ và tiếp tế, lại có xe tăng và lực lượng pháo binh rất mạnh. Công sự, hầm hào đã được xây dựng và củng cố vững chắc. Lại yên chí ta không thể kéo pháo qua đèo, để từ miệng chảo trên cao nã xuống lòng chảo được.

Chúng không nghĩ rằng quân ta đào hầm, hào, giao thông để áp sát nó. Nửa thế kỷ qua rồi, nhưng người lính già ngồi trước mặt tôi vẫn còn nguyên xúc động trong từng lời. Ông nhắc đi nhắc lại cơ man nào là hầm hào. Các cán bộ tham mưu đo trên bản đồ đợt 1 đào được 100km đường hào tấn công.

Đợt 2 cũng đào được như thế nhưng trong thực địa thì chiều dài hơn thế nhiều. Sau này trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và xung đột biên giới, chưa bao giờ, chưa ở đâu, quân ta đào nhiều hầm hào như thế. Không thế, không thể thắng địch được.

…Hôm ấy D115 của Nguyễn Chuông, sau ba ngày đêm đào hào xuyên qua hàng rào dây thép gai, mở đột phá khẩu vây lấn điểm cao 105 ở bắc sân bay Mường Thanh. Khi được lệnh đánh thọc sâu vào trung tâm, ông kiểm lại quân số tiểu đoàn. Còn đúng 75 người (chỉ bằng hơn 3/5 quân số một đại đội đủ).

75 người sau ba ngày đêm liền, vừa đào hào vừa đánh địch đã kiệt sức. Chỉ nhìn vào đôi mắt các chiến sĩ mới tin rằng, những bộ mặt nhem nhuốc kia, những thân thể mệt mỏi, bùn đất đầy người kia vẫn đủ sức cùng ông xông lên tiêu diệt căn cứ này theo đúng chiến thuật: vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt.

Sau 20 phút pháo binh ta bắn cấp tập trùm bão lửa lên căn cứ địch, toàn tiểu đoàn xuất kích, chiếm được sở chỉ huy địch, bắt 25 tên. D4 vẫn quần nhau với địch trong vòng lửa khói. Ta lại bắt được 35 tù binh nữa, chiếm 3/4 đồn địch. Chúng co lại cố thủ ở góc đồn phía nam.

Quân địch được tăng viện ở vòng ngoài hình thành thế bao vây, hãm mấy chục chiến sĩ còn lại của tiểu đoàn Nguyễn Chuông vào vòng vây. Trung đoàn điều hai đại đội đánh vào giải vây, nhưng không thành. Nguyễn Chuông cho rút.

Sau sáu đợt rút lui, chỉ có 9-10 chiến sĩ thoát qua được quãng đường máu lửa 40m dưới hỏa lực dày đặc của địch, để nhảy xuống chiến hào vây lấn của ta. Cả tiểu đoàn chỉ còn 2 tổ: Các cán bộ chỉ huy tiểu đoàn và đại đội đã hy sinh cả. Chỉ còn mình ông bị một vết thương vào đùi, máu tuôn xối xả. Ông cho phá hết các ụ súng địch. (Tù binh đã kịp đưa ra trước khi bị vây hãm), chuẩn bị cùng anh em rút đợt cuối cùng.

Nhưng mới chỉ tập tễnh chạy được 5-6 m thì khẩu đại liên của địch đã vãi đạn đuổi theo, quật ông và các chiến sĩ ngã xuống. Ông còn nhớ cậu Mạnh chạy nhanh nhất, chỉ mươi bước chân nữa mà cũng không kịp.

Ông bị một viên đại liên xuyên thấu qua phổi, nhưng vẫn tỉnh táo. Vừa lấy tay ôm ngực, xoay cho chiếc áo trấn thủ dài tay chệch đi khỏi tư thế mặc bình thường để chỗ áo còn lành che kín vết thương, rồi nằm dán xuống đất ép chặt vết thương.

Ông bị bắt. Trong trại, ông gặp hơn một trăm cán bộ chiến sĩ các đơn vị bạn, bị địch bắt trong những hoàn cảnh khác nhau trước đấy. Nhưng ông là cán bộ có chức vụ cao nhất bị địch bắt ở Điện Biên Phủ.

Đưa mắt quan sát còn sáu, bảy chiến sĩ đều nằm rải rác gần đó. Địch chiếm lại được đồn, củng cố công sự, lùng sục xung quanh. Một tốp ra chỗ ông nằm. Tên chỉ huy lệnh cho lính lần lượt nã đạn vào tất cả các chiến sĩ ta bị thương nằm đó, hết người này đến người khác, từ người xa đến người gần. Người gần nhất là ông.

Một loạt đạn vãi lên người ông. Thấy nhói đau khắp người, cả hai tay, hai chân, đầu, cánh tay nữa. Chắc không có viên nào vào chỗ phạm nên ông vẫn còn cựa quậy. Cựa quậy, tức là còn sống. Cho mày hai viên nữa cho xong đời. Không biết vào những đâu, nhưng đúng là ông không còn cựa quậy. Chúng bỏ đi.

Lúc ấy khoảng 11 giờ trưa. Giữa chiều, tỉnh lại vì có tiếng động. Thế là ông và hai người lính nữa, ngẫu nhiên sống sót sau vụ địch bắn tù binh. Ông bị bắt. Trong trại, ông gặp hơn một trăm cán bộ chiến sĩ các đơn vị bạn, bị địch bắt trong những hoàn cảnh khác nhau trước đấy. Nhưng ông là cán bộ có chức vụ cao nhất bị địch bắt ở Điện Biên Phủ.

Một thầy thuốc quân y và một nữ y tá người Pháp đến kiểm tra những vết thương của ông. Rồi họ cho người băng bó các vết thương, bó bột cánh tay gẫy của ông. Có ý nghĩa nhất đối với ông là được tổ chức Đảng bí mật của trại tận tình bảo vệ, chăm sóc chu đáo vết thương, cũng như trong sinh hoạt nên ông không bị lộ chức vụ.

Được chi bộ cử làm bí thư, thế là lại bắt tay vào việc củng cố tinh thần đồng đội, tổ chức lại sinh hoạt, giúp đỡ nhau và “biên chế” thành hai đội. Đội khoẻ sẽ lo việc cáng anh em ốm đau, bị thương ra. Đội yếu sẽ phối hợp dẫn đường bộ đội chiến đấu.

Ông và các bạn cũng không phải chờ lâu. Chỉ nửa tháng sau, cờ đỏ sao vàng đã tràn vào như nước vỡ bờ. Cờ trắng lũ lượt thất thểu đi ra. Ông được đưa ra trạm quân y tiền phương, rồi bốn bác dân công đến bây giờ vẫn còn nhớ tên là Hành, Bái, Khánh, Hải thay nhau cáng đến đỉnh đèo Pha Đin mới có xe ô tô đón chở về bệnh viện hậu phương ở Yên Bái.

...Sau chuyến đi công tác dài ngày về, tôi gọi điện hỏi thăm. Trả lời tôi không phải là cái giọng khô mộc quen thuộc mà là đứa cháu gái nội. Người lính già sao không già thêm tháng nữa, đến ngày 7/5, để thêm một lần nhớ lại một thời Điện Biên Phủ nữa, bác Chuông ơi!

Còn nữa