Vài ngày qua, trên các diễn đàn và cộng đồng chia sẻ bức ảnh chụp buổi bảo vệ luận án tiến sĩ tại Học viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) của NCS Bùi Quang Tiến, chuyên ngành Lý luận và lịch sử mỹ thuật với tên đề tài: “Nghệ thuật chữ trong thiết kế bìa sách giai đoạn 2005 - 2015 ở Việt Nam”.
Bức ảnh nhận được sự quan tâm khá lớn và gây ra những tranh cãi trái chiều của dư luận. Nhiều người hoài nghi liệu việc nghiên cứu về bìa sách có xứng tầm với một luận án tiến sĩ hay không? Trong khi đó, những ý kiến ngược lại cho rằng, không thể nhìn vào tên đề tài để đánh giá chất lượng của một luận án.
Trao đổi với PV, ông Bùi Quang Tiến, tác giả của luận án, cho hay ông cũng có biết tới những thông tin của dư luận tranh cãi về đề tài luận án tiến sĩ của mình, song cho rằng, đây là vấn đề tự do ngôn luận nên ông tôn trọng và "không có ý kiến gì".
"Nếu như có vấn đề gì về học thuật và muốn trao đổi thì những người này có thể vào gặp hội đồng khoa học của Viện Văn hóa nghệ thuật, nơi tôi làm luận án tiến sĩ. Còn nhiều khi họ không hiểu thì họ hỏi cũng là cái tốt" - ông Tiến nói.
Trả lời về giá trị của luận án tiến sĩ, ông Tiến cho rằng, đề tài to hay nhỏ là do hội đồng khoa học quyết định. "Hồ sơ nghiên cứu sinh tiến sĩ của tôi từ lúc chỉnh sửa tên cho tới lúc hoàn thành qua 4-5 hội đồng, đảm bảo thực hiện đúng quy trình. Còn nói về chuyên môn thì đây là một đề tài chuyên sâu về mỹ thuật công nghiệp, một chuyên ngành hẹp. Do đó, muốn đánh giá chất lượng của luận án thì cần phải đọc luận án của tôi. Tất cả các câu hỏi của dư luận tôi đều giải quyết trong luận án này từ việc vì sao chọn đề tài cho tới lý do chọn giai đoạn đó…" - ông Tiến khẳng định.
Ông Tiến cũng cho biết, tại buổi bảo vệ luận án tiến sĩ, luận án của ông được 100% hội đồng bỏ phiếu tán thành công nhận học vị tiến sĩ. Ông Tiến hiện đang công tác tại Khoa Mỹ thuật Công nghiệp trường Đại học Kiến trúc TP.HCM và theo ông thì kết quả luận án sẽ phục vụ cho công việc giảng dạy tại trường.
Còn ông Bùi Hoài Sơn - Phó viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cũng khẳng định, về thủ tục hành chính đối với hồ sơ của NCS Bùi Quang Tiến, học viện đã làm đúng các quy trình để có một luận án tiến sĩ.
"Ông Tiến đã làm nghiên cứu sinh trong 4 năm, có xét duyệt đầu vào, bảo vệ đề cương, chuyên đề, có thảo luận luận án ở tổ bộ môn, bảo vệ luận án cấp cơ sở và bảo vệ ở cấp viện. Trong quá trình đó, từ 20-30 nhà khoa học uy tín nhất trong lĩnh vực này tham gia giám sát".
Về chất lượng khoa học, theo ông Sơn, không nên dựa vào tên một luận án tiến sĩ và dùng kiến thức phổ thông để đánh giá luận án tiến sĩ vì luận án tiến sĩ có quy trình khoa học của nó. "Luận án tiến sĩ phải áp dụng lý thuyết, phương pháp để giải quyết một vấn đề cụ thể nào đó trong một lĩnh vực chuyên ngành. Do đó, nếu dùng kiến thức phổ thông để đánh giá một công trình khoa học thì rất khó mà phải dùng kiến thức của các chuyên gia và cách nhìn KH để đánh giá mới công bằng".
Tuy nhiên, với tư cách là Phó Giám đốc Học viện, ông Sơn cho rằng, chất lượng khoa học là trách nhiệm của hội đồng khoa học bảo vệ luận án tiến sĩ của ông Tiến. Với tư cách quản lý đào tạo, học viện đã mời những người có uy tín nhất tham gia hội đồng đồng thời tôn trọng quyết định của hội đồng khoa học này. "Hiện nay, học viện đang giao cho Hội đồng khoa học của Viện họp lại để có biên bản chính thức trả lời công luận về chất lượng của luận án".
Luận án đủ tầm hay không là ở chất lượng, không ở tên đề tài
Trao đổi với PV, PGS. TS Lê Văn Tạo, Trường ĐH Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, người phản biện luận án tiến sĩ của NCS Bùi Quang Tiến cho rằng, bản thân tên đề tài không liên quan tới chất lượng của luận án. Vấn đề là người nghiên cứu có làm cho đề tài trở nên sâu sắc và có giá trị đích thực về khoa học và thực tiễn hay không.
"Bản thân đề tài đó cũng không phải không đủ tầm. Ngược lại đây là đề tài rất hay, độc đáo vì chọn vấn đề chữ trên sách là tác giả đã bàn vấn đề điểm chen lấn giữa kinh tế và văn hóa" - ông Tạo nói. "Lâu nay, người ta nghiên cứu nghệ thuật chỉ nghiên cứu nghệ thuật thuần túy. Nhưng bìa sách thì từ trước đến nay ít người ở VN công nhận nó là một lĩnh vực độc lập trong mỹ thuật vì chỉ coi nó như một thứ bao bì, tem nhãn của sản phẩm thương mại. Đây là khoảng trống trong ngành mỹ thuật Việt Nam. Đây cũng là lý do khiến lực lượng thiết kế hiện nay vẫn chưa thực sự chuyên nghiệp".
Các thành viên hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ chụp ảnh cùng NCS Bùi Quang Tiến. Ảnh: VICAS.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sử, tác giả sách Lịch sử Thư pháp Việt Nam cho rằng, không thể vội đưa ra kết luận nếu chỉ dựa vào tên đề tài. Còn nếu chỉ nói về đề tên tài thì ở đây có 2 đối tượng là typography (nghệ thuật chữ) và design (thiết kế), do đó hoàn toàn là một đề tài nghiên cứu quan trọng.
"Giữa kiến thức hàn lâm và kiến thức phổ thông là hai nhãn quan khác nhau. Việc nghiên cứu thiết kế thị giác của bìa sách rất quan trọng bởi nó là ngôn ngữ thị giác để truyền đạt thông tin, đánh vào tâm lý của khách hàng. Những câu hỏi như vì sao nhà sách lại chọn thiết kế này mà không chọn thiết kế khác, hay sách được giải "Sách bắt mắt" là nhờ đâu? Khó có thể nói đây là một đề tài vô nghĩa được" - ông Sử nói.
Hơn nữa, việc nghiên cứu nghệ thuật chữ trên bìa sách cũng là một phương thức để hiểu ngôn ngữ chữ viết. Việc lựa chọn lối chữ nào cho thể loại sách nào là một câu chuyện không hề đơn giản Có lẽ đây là một trong số ít các nghiên cứu về bộ môn này sau nghiên cứu của Nguyễn Viết Châu trong cuốn sách “Nét chữ có chân”.
Một giảng viên chuyên ngành thiết kế của Trường đào tạo mỹ thuật đa phương tiện FPT-Arena cho rằng, nghệ thuật chữ - typography là một môn khoa học bài bản như tất cả những môn học khác nhưng tại Việt Nam thì chưa có trường nào đào tạo một cách chính quy môn học này, những người làm nghề thiết kế cũng hiểu nhầm về môn này và đa phần chỉ sử dụng mang tính chất "mì ăn liền".
Vì vậy, theo vị này, việc nghiên cứu nghệ thuật chữ trong thiết kế bìa sách hoàn toàn là một nghiên cứu nghiêm túc và có ý nghĩa thực tiễn nếu như tác giả của nghiên cứu làm tới "độ". "Tự thân tên của đề tài thì không nói lên điều gì cả. Vấn đề nằm ở nội dung của luận án chứ không phải tên của nó".
"Đơn giản nhất hầu như những người dàn trang của các nhà xuất bản hiện nay không được học hành bài bản, hoặc được đào tạo nhưng không có môn nghệ thuật chữ. Vì vậy, có thể thấy ngay tại các hiệu sách là thiết kế chữ rất tùy tiện, như quần áo hàng thùng, ai dùng cũng được. Điều này gây khó đọc hoặc chữ trên bìa không liên quan gì tới nội dung. Do đó, nghiên cứu một cách nghiêm túc về nghệ thuật chữ trên bìa sách để làm tham khảo cho ngành nghề này thì rõ ràng có ý nghĩa nhất định của nó" - vị này nói.
Chất lượng luận án ở mức đủ điều kiện tốt nghiệp
Trả lời câu hỏi về chất lượng luận án tiến sĩ của NCS Bùi Quang Tiến, ông Lê Văn Tạo cho biết, cá nhân ông đánh giá chất lượng luận án này ở mức độ đảm bảo điều kiện công nhận tiến sĩ chứ không phải ở mức xuất sắc hay khá. Đây cũng là ý kiến đánh giá chung của các thành viên hội đồng. "Đây là một luận án mà chúng tôi đánh giá là góp ý nhiều" - ông Tạo nói. Theo ông Tạo, đây là một đề tài hay nên nếu tác giả đầu tư hơn có thể luận án sẽ có nhiều ý nghĩa về khoa học và thực tiễn hơn.