Cụ thể, Điều 31 nêu các nguyên tắc rất quan trọng của hoạt động tư pháp, trong đó có “nguyên tắc suy đoán vô tội”.
Theo ông Nguyễn Hòa Bình, trước đây, trong Hiến pháp cũ có vẻ như là “suy đoán có tội”. Nhưng Hiến pháp sửa đổi nêu: Được coi là không có tội cho đến khi có bản án có hiệu lực của tòa án, được điều tra theo luật định.
Vì vậy, với Hiến pháp sửa đổi, kể cả công dân khi đã bị khởi tố với tư cách là bị can, và bị Viện Kiểm sát truy tố, là bị cáo trước tòa thì cũng phải được đối xử như là công dân, và xem đó là người không có tội.
Các nguyên tắc quan trọng khác là mọi vụ án cần phải được đưa ra xét xử kịp thời, công khai, minh bạch; một hành vi phạm tội không bị kết án hai lần; đảm bảo quyền bào chữa cho bị can, bị cáo, mở rộng diện được bào chữa.
“Tôi cho rằng, đây là các nguyên tắc tiên tiến của mọi nền tư pháp văn minh và được chúng ta hiến định”, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao nói.
Bên cạnh việc khẳng định quyền cơ bản của con người, Hiến pháp cũng đặt ra những nội dung kiểm soát chặt chẽ hơn những hoạt động hạn chế quyền con người. “Trước đây, những hoạt động hạn chế quyền con người trong Hiến pháp cũ nhiều điều khoản ghi là do “pháp luật” quy định.
Còn lần này ghi là do “luật” quy định. Chỉ khác nhau một chữ pháp luật và luật nhưng là một bước tiến dài về hoạt động tư pháp về kỹ thuật lập pháp. Pháp luật được hiểu là thông tư nghị định, nghị quyết, thậm chí là thông tư liên ngành. Nhưng luật phải do Quốc hội ban hành”, ông Bình nhấn mạnh.