Bệnh viện đột ngột mất điện: Bác sỹ, bệnh nhân nín thở

TP - Mất điện đột ngột, hay hệ thống tải điện hoạt động quá công suất ở nhiều bệnh viện, khiến nhiều bệnh nhân đang điều trị rơi vào tình trạng sống dở chết dở. 'Thanh đao' này vẫn treo lơ lửng ở hầu hết các bệnh viện lớn.
Điều gì sẽ xảy ra khi phẫu thuật nội soi và vi phẫu bỗng dưng mất điện? Ảnh: Lê Nguyễn

> Cháy nổ gần bệnh viện, nhiều người sơ tán

Điều gì sẽ xảy ra khi phẫu thuật nội soi và vi phẫu bỗng dưng mất điện? Ảnh: Lê Nguyễn.
 

Cả làng bóp bóng

Những người làm ở Bệnh viện Đa khoa Saint Paul Hà Nội (BV Saint Paul) hẳn chưa quên cú mất điện đột ngột kéo dài hai tiếng vào một chiều đầu mùa mưa năm ngoái. Đang siêu âm cho một bệnh nhân, bụng quét đầy chất bôi trơn nhão như cháo để cho đầu dò siêu âm chạy trên bụng bệnh nhân, bác sỹ Lê Hồng Lam phải mò mẫm đóng máy, quơ tay đưa cho bệnh nhân nắm giấy để tự lau sạch bụng.

Bên bộ phận mổ, hai ca phẫu thuật, trong đó có một ca mổ ruột thừa, đều dở dang. Bao nhiêu năm không bị mất điện lần nào, lần này bị đột ngột, cuống quá không biết làm sao. Máy điện tim, máy hô hấp ngừng chạy. Mất hết tất cả các thông số trên màn hình, nào huyết áp, mạch đập, các chỉ số liên quan đến chế độ hô hấp, v.v…, bác sỹ gây mê và cả kíp mổ chỉ còn nước đoán mò.

Rồi huy động mọi người bật đèn điện thoại. Rồi cuống quýt gọi người nhà bệnh nhân vào phòng mổ tham gia bóp bóng liên tục để bệnh nhân có thể thở được. Cuối cùng cũng qua thời khắc dằng dặc mà tất cả kíp trực hôm ấy thót tim. “Hú vía”, BS Hồng Lam nhớ lại.

Tưởng chỉ một lần và không còn bao giờ có lần hai. Phó Chánh Văn phòng Tổng Công ty Điện lực Hà Nội, bà Hoàng Anh, cho hay các bệnh viện thuộc nhóm khách hàng trọng điểm nên được ưu tiên cấp điện ở mức ổn định nhất. Các bệnh viện còn được cấp hai nguồn điện lưới nhằm đề phòng mất nguồn này thì còn có nguồn kia thay thế.

Đã vậy, theo Luật Điện lực, nhà điện bao giờ cũng báo cho khách hàng năm ngày trước khi có ý định cắt điện. “Các bệnh viện còn tự trang bị các máy phát điện diesel nên khả năng mất điện đột ngột hầu như không có”, bà Hoàng Anh nói.

Vậy mà, ngày 15-2, BV Saint Paul lại mất điện đột ngột. Đột ngột là bởi, trong thông báo cắt điện trên địa bàn Hà Nội của nhà điện tháng 2-2012 không thấy có ngày 15-2. Thay vào đó, lịch cắt điện rơi vào các ngày 6, 13, 20, và 27. Là bệnh viện ngoại đầu ngành của thủ đô, liên tiếp có nhiều ca mổ, từng hứng chịu lần cắt điện đột ngột trước đó, thế mà vẫn phải thực hiện phương án huy động toàn bộ lực lượng y bác sỹ tham gia bóp bóng bằng tay liên hồi để duy trì ca mổ trong lúc chờ mấy phút khởi động hệ thống máy phát điện.

Bệnh nhân đang cấp cứu nếu cúp điện kéo dài sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng.
 

Trông chờ vào nến

Tại các bệnh viện mà chúng tôi tìm hiểu, chưa thấy vụ mất điện đột ngột nào ở bệnh viện được đưa ra đánh giá thiệt hại cho việc điều trị bệnh nhân cũng như mổ xẻ nguyên nhân mất điện bất thường. Bởi thế, bất chấp quyết tâm của các bên, sự cố vẫn cứ xảy ra.

BV Ung thư Trung ương (BV K) trở nên cảnh giác với tình trạng mất điện đột ngột đến mức đã xây dựng luôn kế hoạch mổ ưu tiên lúc mất điện. Theo bác sỹ Bùi Diệu, Giám đốc BV K cho hay, các ca mổ phiên (mổ theo kế hoạch) phải lùi lại sau, thay vào đó, sẽ ưu tiên điện máy nổ để phẫu thuật các ca cấp cứu.

"Cần bổ sung vào Luật Điện lực điều khoản đảm bảo ưu tiên cao nhất nguồn điện cho các bệnh viện, những nơi ngày càng được trang bị các thiết bị điều trị và chẩn đoán hiện đại đòi hỏi điện phải được cấp liên tục và ổn định. Bệnh viện là nơi điện tác động trực tiếp đến chất lượng khám chữa bệnh, đến tính mạng con người." - TS Nguyễn Văn Khải.

 

Ông Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Hành chính Quản trị, bệnh viện Saint Paul, xác nhận trung bình mỗi năm vẫn xảy ra các sự cố mất điện đột ngột. Và dường như không thấy đơn vị nào nói phải chịu trách nhiệm về sự cố này gây ra cho bệnh viện, nơi có thể xảy ra các tai biến, thậm chí tử vong khi các thiết bị y khoa ngừng hoạt động bất ngờ.

Theo lịch trực của tổ điện bệnh viện, tổng thời gian mất điện cả năm 2010 là 14 tiếng 42 phút. Năm 2011 cũng xảy ra một số sự cố mất điện. Một vài sự cố kéo dài cả tiếng đồng hồ như sự cố ngày 24-6 mất điện kéo dài một tiếng rưỡi, sự cố ngày 4-7 kéo dài một tiếng 35 phút.

Nguyên nhân mất điện đều do các yếu tố bên ngoài bệnh viện, do sự cố từ hệ thống điện nguồn của lưới điện thành phố. “Được trang bị hệ thống máy nổ song việc mất điện đột ngột gây không ít khó khăn cho công tác khám chữa bệnh của chúng tôi”, ông Dũng nói. “Tổ điện của bệnh viện luôn phải thay phiên túc trực 24/24”.

Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương (BV Phụ sản), theo ông Đoàn Hồng Hải, Trưởng phòng Hành chính Quản trị, mất điện đột ngột cũng xảy ra vài lần mỗi năm. Năm vừa qua thời gian mất điện lâu nhất kéo dài 30 phút.

“Tại một số bệnh viện nước ngoài mà tôi đã qua, bệnh viện không những được đảm bảo ưu tiên đường truyền tải ổn định nhất mà còn được đảm bảo cả công suất ở mức cao nhất theo yêu cầu”, TS vật lý Nguyễn Văn Khải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Đèn Tiết kiệm Điện & Dung dịch Hoạt hóa Điện hóa, nói.

Theo ông Đỗ Văn Dũng, hệ thống máy nổ phát điện của bệnh viện có công suất là 275 KAV, chỉ đảm bảo 1/4 nhu cầu điện của toàn bệnh viện. “Chúng tôi phải ưu tiên nguồn điện cho những khoa có nhu cầu thiết yếu như khoa mổ, khoa hồi sức và một số khoa đặc biệt. Còn một số khoa khác đành phải chịu cảnh không có điện”. Hôm ấy, phải 50 phút sau sự cố mới được khắc phục.

Là bệnh viện phụ sản tuyến đầu của cả nước song hiện giờ số máy phát điện dự phòng của BV Phụ sản chưa đáp ứng được hết toàn bộ nhu cầu khi sự cố mất điện đột ngột xảy ra. Một số khoa như Khoa Mổ, Khoa Sơ sinh, Khoa Lưu trữ Tế bào, và Khoa Chẩn đoán Trước sinh, đã kịp trang bị các máy phát điện dự phòng. Những khoa chưa trang bị được máy dự phòng vẫn phải nhờ thêm nguồn sáng từ nến.

Máy phát điện dự phòng đã yếu, điện lưới không những vẫn phập phù mà còn không đảm bảo cả công suất phụ tải, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất làm việc của các thiết bị y khoa, đe dọa trực tiếp tính mạng bệnh nhân.

Tăng cường bộ lưu điện

Theo TS.Trần Bình Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, bệnh viện ngoại khoa lớn nhất miền Bắc, mặc dù được ưu tiên cấp ba nguồn điện, để đảm bảo luôn có điện phục vụ các ca mổ, BV vẫn trang bị toàn bộ máy phát điện cho tất cả các khoa phòng.

Chưa yên tâm, do công suất phẫu thuật dày đặc mỗi ngày, nguồn điện lưới trên địa bàn đôi lúc trục trặc, BV còn mua bộ lưu điện có thể đủ cung cấp điện cho các phòng mổ hồi sức, chiếm 2/3 phòng ban bệnh viện.

Bộ lưu điện này được kích hoạt sau khi mất điện khoảng 0,25 phần nghìn giây nên mọi khoa phòng và máy móc thiết bị đang hoạt động không có cảm giác bị ngắt điện, không ảnh hưởng tới quy trình phẫu thuật và hồi sức cho bệnh nhân.

Mất điện, sinh mệnh bệnh nhân tính bằng giây

Mặc dù các bệnh viện luôn được ngành điện ưu tiên đảm bảo cung ứng điện thường trực trong khám chữa bệnh nhưng nhiều nơi vẫn bị cúp điện đột ngột.

TS-BS Nguyễn Đình Phú- Phó Giám đốc BV Nhân dân 115 TPHCM cho biết, do sự cố về điện nên việc cúp điện ở cả khu vực bệnh viện vẫn luôn xảy ra. Tuy nhiên, để tránh những sự cố đáng tiếc khi đang phẫu thuật mà mất điện, BV Nhân dân 115 đã có nhiều phương án dự phòng điện từ nhiều năm nay.

Theo bác sĩ Phú, hệ thống máy phát điện thường xuyên được kiểm tra, vận hành nên khi cúp điện đột ngột xảy ra, hệ thống này sẽ tự động phát điện trong vòng từ 3-5 giây nên khi bác sĩ đang mổ, bệnh nhân đang thở máy...?đều được khắc phục kịp thời.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng- Tổng Giám đốc BV Hoàn Mỹ cho biết, tại các khoa cấp cứu, hồi sức, phẫu thuật... nếu cúp điện thì rất nguy hiểm, vì lúc đó sinh mạng bệnh nhân không chỉ lệ thuộc vào trình độ bác sĩ mà còn phụ thuộc vào điện.

Tại BV Nhi đồng 1và Nhi đồng 2, mỗi ngày mỗi nơi tiếp nhận khoảng 10.000 bệnh nhi, gần như các khoa phòng đều làm việc hết công suất nên hai bệnh viện này đều trang bị máy phát điện với công suất rất lớn. Theo lãnh đạo BV Nhi đồng 1, cúp điện không chỉ ảnh hưởng đến việc khám bệnh mà còn gây khó khăn cho hàng trăm bệnh nhi đang thở máy, lọc máu...

Theo Báo giấy