Khi dân chung cư cấp cứu
Hôm ra viện về nhà, hàng xóm trêu quá: “Dạo này bồi dưỡng ra trò nên mới phải cấp cứu. Gớm hôm nọ trông cứ như chết rồi!”.
Lại nói về lần đầu tiên trong đời biết thế nào là cấp cứu.
Khoảng 15 phút sau khi nhận điện thoại, xe 115 đến. Hai phụ nữ, tất nhiên tôi không rõ mặt vì có đến ngày rưỡi sau vẫn không dám mở mắt. “Chị bị sao” “Tôi nhịn ăn để giải độc cơ thể, 6 ngày không sao bỗng hôm nay không dậy được, chưa bao giờ chóng mặt thế, đầu óc quay cuồng và không thở nổi” “Thế đã nôn chưa”. Người có vẻ lớn tuổi hơn vừa dứt câu, tôi quay phắt cổ xuống sàn nhà, “biu-ti-phun” hết cốc gừng mật ong và bát cháo vừa xơi.
Cô trẻ hơn lấy máy đo huyết áp: 120/80, quá “Đoàn Chuẩn”. Như vậy tôi không bị hạ đường huyết? Người lớn tuổi bảo cô kia tiêm cho tôi một mũi, nói: “Chị bị rối loạn tiền đình cấp và do nhịn ăn lâu nên cơ thể suy nhược. Có muốn đến bệnh viện luôn hay tôi kê đơn đi mua thuốc uống rồi nghe ngóng thêm, nếu không chịu được thì lại gọi bọn tôi”.
Đồ rằng không chịu nổi, nhưng thang máy chật không đặt cáng thương được. Nghĩ mấy người nhà phải khiêng mình tận 6 tầng thì cơ khổ, hơn nữa đang nằm trên giường còn chết nữa là dốc đứng từng ấy bậc thang. Nên tôi chọn uống thuốc tĩnh dưỡng thêm. Thật đúng là tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình, gàn bát sách!
Bởi nếu chúng tôi - bệnh nhân và 115 cùng sáng ý thì đã không phải khốn khổ thêm chục tiếng đồng hồ nữa. Lần gọi cấp cứu thứ hai đã tối trời, cáng thương không vào được thang máy thì chịu khó bó người trong cái ga giường, khiêng hai đầu như khiêng chú ỉn rồi lẳng vào thang máy nằm gọn thon lỏn. Có gì khó khăn đâu, thế mà không nghĩ ra từ đầu.
Bác sĩ tây y đông y điều trị cho tôi đều buông gọn lỏn “Phản khoa học!” (tiết mục nhịn ăn giải độc). Lão Khoa lúc đầu hoang mang hội thảo với Thương Huyền “Sao Vinh lại bị thế nhỉ”, về sau có cơ sở để nói cứng “Mỗi em và cái Ngọc báo Thiếu Niên không theo được, còn Thảo Vân (VTV) cũng ngon!” Nghe nói cả VOV đang theo gương lão, thanh lọc! Cô bạn Cẩm Thơ người mở một học viện ẩm thực ở Hà Nội, nói “Chị ơi, chị đua thế nào được với ông Khoa, ông ấy tám chục cân lại thuộc diện Thép đã tôi thế đấy, từ bé đã dạn dày môi trường Nước như ai nấu chết cả cá cờ. Cua ngoi lên bờ mẹ em xuống cấy”.
Nghe nói tiết mục này lợi hại lắm. Có vị viết hài hước trên mạng: “Sau chừng ấy ngày giải độc, ăn cháo tiết xong ngắm nghía thấy mình thải được cả những cọ rác hình như là món giá xơi từ hồi di cư vào Nam năm 54”.
Bởi tiếc, cho nên bắt người nhà đi mua tiết lợn, pha với chút nước lọc rồi mà hàng tiếng đồng hồ nó vẫn không đông cho để mà xắt nhỏ nấu với cháo.
Đau đẻ chờ sáng giăng, đói lả mà vẫn phải chờ tiết đã không đông lại lâu chín, từng sợi từng sợi thõng thượt ghê ghê, mùi hoi hoi, nuốt vào lại lập tức bắn thẳng ra ngoài. Sáu ngày nhịn, cuối cùng lại đi bồi dưỡng thứ mà bình thường cũng ít dám!
Chớ thấy người ăn khoai vác mai đi đào
Nghe tôi đáp khó nhọc (giống trả lời vị 115) về nguồn cơn dẫn đến phải lao vào viện trong tình trạng mắt nhắm nghiền mặt tái xám, người hẳn là bác sĩ nhận ca cấp cứu, mát mẻ: “Chương trình thanh lọc này của nước nào hay do chị sáng chế ra. Bệnh viện chúng tôi cũng có bệnh nhân sinh năm 74 đang hôn mê do ăn kiêng một tháng đấy”.
Họ tức tốc điện tim, siêu âm, xét nghiệm máu và cho nhập viện ngay. Băng ca từ tầng 1 lên tầng 4 lại xóc nẩy, thế là “thiếp có cái áo lông ngỗng”, băng ca đi đến đâu thiếp lại “rắc” đến đấy. Mắt vẫn nhắm tịt tôi chỉ nghe mình để lại tiếng thảng thốt phía sau, kiểu “Ối ai vừa nôn trước cửa phòng hành chính thế này!”.
Xuất xứ chương trình này, người bảo Singapore người bảo Thái Lan- với tên Lemon detox, Detox diet... Trước khi vào chiến dịch tôi cũng lượn một vòng trên mạng, thấy phe ca ngợi và phản đối đông ngang nhau. Công thức thì không hoàn toàn giống nhưng đều có món chanh và đường.
Hồi tháng 7, một cô gái 18 tuổi bị chết não gây xôn xao, đọc kỹ thấy cô nhịn ăn hoàn toàn, chỉ uống nước lọc. Còn mình ngoài mía và chanh còn cả ớt ngọt - chứa nhiều vitamin cơ mà!
Sự thật là rất nhiều lời cảnh báo đã được đưa ra, chưa nói các chuyên gia dinh dưỡng đầu ngành mà tận Bệnh viện tỉnh Thanh Hóa, bác sĩ Ngô Kim Xuân cũng khuyến cáo về triệu chứng “chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, đau cơ và lo lắng. Nhịn ăn dài ngày có thể gây suy dinh dưỡng dẫn đến thiếu máu, hạ đường huyết, mất cân bằng điện giải, suy gan, suy thận, nặng hơn nữa có thể rối loạn nhịp tim, ngừng tim, hôn mê. Với người thể trạng yếu, thậm chí tử vong”.
Nhưng lúc đó tôi chưa đọc những dòng này! Và dù có đọc, có lẽ vẫn giữ chủ trương “làm đến đâu nghe ngóng đến đấy, nếu thấy không êm thì rút luôn”. Đây gọi là “ngu thì chết chứ bệnh tật gì”, phũ nhưng mà gọi sự vật đúng tên!
Nhập viện được hai hôm, cậu em vác vào bài báo mới ra lò của Trần Đăng Khoa Tôi đã tự biến mình thành chuột bạch, kỳ 1 chạy tít: 12 ngày thanh lọc để cơ thể khỏe đẹp long lanh. Bài to bằng cái chiếu ảnh to bằng cái mẹt, mà ảnh lão hình như hồi 30 tuổi!
Mệt lắm nhưng tôi cố thều thào gọi điện: “Anh ơi, anh mà hô là nhiều người theo lắm cho nên kỳ 2 nhớ kín kẽ, phải có cảnh báo vì cơ địa mỗi người mỗi khác”. Lão rối rít “Ta biết rồi ta biết rồi, cám ơn thím” và có vẻ thực sự bất ngờ về ca của tôi.
Hôm sau, vừa ngồi xuống ghế, lão đã trải ra giường rồi vuốt phẳng phiu chiếc phong bì ghi “Chúc thím mau lành bệnh và nhớ cẩn trọng, đừng có đua theo mấy lão già nhé”.
Tôi đã nằm như con cá chết trên chiếc giường trải ga màu cháo lòng, môi bợt mắt cũng bạc phếch - theo mô tả của bà chị Thu Hà, thế mà con người duy mỹ này còn không tha. Lão quét mắt một lượt từ chân đến đầu bệnh nhân rồi nói với bà mẹ ngồi cạnh: “Cô này ngày xưa nhiều người mê lắm, cháu còn không dám tán”. (Ý nói sao bây giờ lại ra nông nỗi này). Mẹ tôi: “Anh chấp em nó làm gì, nó bây giờ thì bê bối rồi”.
Ốm nặng để làm gì?
Nguyên văn câu Dumbatze viết trong Qui luật của muôn đời, bản dịch của Phạm Mạnh Hùng 1984: Con người ta cần ốm nặng ít nhất một lần trong đời. Như vậy sẽ có dịp phân tích, đánh giá quãng đời đã qua.
Sau cuộc nửa đường đứt gánh, điều hay ho nho nhỏ tôi đúc rút được, là ớt đỏ quả thật tốt cho mắt vô cùng. Mới xơi hết ngày thứ hai, mắt sáng mở to trợn trừng trợn trạc. Cho nên, bạn nên tăng cường món ớt đỏ cho thực đơn, cũng như hành tây rất tốt cho xương khớp, trẻ em muốn cao còn người lớn muốn gia cố xương cốt đều cần ăn nó.
Einstein nói “Mọi thứ đều tương đối nhưng sự dốt nát của con người là tuyệt đối”. Trước giờ vẫn biết sở học là mênh mông vậy mà (không hiếm người như mình) rất chi Nguyễn Ngu Ngơ song lại chủ quan, trong đó có việc đối xử với cơ thể kiểu ngược đãi.
Cậy dăm bảy năm mới ốm nhẹ một lần nên thường xuyên ăn uống qua quít buổi trưa ở cơ quan, dần dà máu nó mới không thèm lên não. Nói “không” với thể thao thể dục suốt mấy chục năm. Làm những việc khiến căn bệnh phình đĩa đệm cột sống cổ ở đó phục sẵn. Xổng xểnh từ lời ăn tiếng nói trở đi: “Thấy chị biên tập có biểu hiện ngớ ngẩn, chắc chết não rồi”. Họ hàng thì bảo “Rõ khéo chọn tháng cô hồn mà hành sự”...
Mọi khi hứng lên thức đọc sách xem phim Mỹ suốt đêm, giờ chỉ mất ngủ vài bận là giường ốc lại tròng trành, lại làm hành khách tàu Titanic! Thật là không cái dại nào giống dại nào, vụ thấy người ăn khoai vác mai đi đào này.
Lão Khoa thì phũ phàng nhắn tin khi thấy tôi lại bị lại - tiền đình, thiểu năng tuần hoàn não, sau nửa tháng điều trị: “Em bị thế không phải do thanh lọc. Tranh thủ trác táng đi. Ít năm nữa nhìn đàn ông đàn bà không khác lũ chó đá”.
Lão Vương Mông nhà văn bên Trung Hoa có bài rất hay Niềm ân hận của đời tôi. Trong vô số niềm ân hận có đoạn: “Tôi biết sự lợi hại của ngoại ngữ nhưng suốt đời không lo học một ngoại ngữ đến nơi đến chốn. Biết âm nhạc là hương nhụy của đời người, thế mà không cố học lấy một nhạc cụ để rồi cho đến bây giờ có 5 dòng kẻ cũng phải đếm đi đếm lại.
Tôi ân hận vì có lúc sơ ý đã làm bẩn chiếc khăn trắng như tuyết ở bàn ăn. Nhiều khi trong cuộc đời, vì muốn chứng tỏ sự quảng đại mà tôi đã giúp những người không đáng, để rồi phải nhận quả đắng...”. Nghe thật đáng đồng cảm, phải không.
Tôi cũng có một núi ân hận, ngẫm ngợi sau trận ốm nặng nhất trước giờ. Và hiểu rằng một phần hạnh phúc, đó là khi ta có bạn bè tốt, có trí tuệ, ít nhất cũng đủ hiểu biết để chăm sóc bản thân và không làm phiền người khác (không phiền, ví dụ: không làm kinh động bệnh nhân cùng phòng- chuyện này kể ở kỳ sau; và ốm lăn ốm lóc để mọi người lại phải- theo tục lệ, phong bao thăm thú).
“Khổ vì trí tuệ” chỉ là một cách nói còn tôi cho rằng người có trí tuệ sẽ hạnh phúc theo kiểu khác hẳn người không. Và hạnh phúc, đương nhiên cần sức khỏe...
* Kỳ cuối: Những chuyện chép ở bệnh viện