Bầu cử Tổng thống Pháp: Sự xung đột giữa hai quan điểm

TPO - Theo công bố của Bộ Nội vụ Pháp sau khi kiểm 46 triệu phiếu trong tổng số gần 47 triệu phiếu bầu, ứng viên Emmanuel Macron dẫn đầu với 23,82% số phiếu giành được, trong khi bà Le Pen về thứ hai với 21,58% số phiếu ủng hộ.
Ứng cử viên độc lập Emmanuel Macron (phải) và ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen sẽ bước vào vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Pháp dự kiến diễn ra ngày 7/5 tới. Ảnh; AFP

Như vậy là ứng cử viên độc lập Emmanuel Macron và ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen sẽ bước vào vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Pháp dự kiến diễn ra ngày 7/5 tới.

Ứng viên Macron theo đường lối ôn hòa, không chỉ trích Liên minh châu Âu (EU). Trong khi đó, bà Le Pen người chủ trương đưa nước Pháp rời khỏi EU.

Như vậy là trong cuộc bỏ phiếu vòng 2 vào ngày 7/5 tới sẽ không có đảng chính thống nào từng lãnh đạo Pháp trong vài thập niên qua hiện diện. Đây được coi là một "cơn địa chấn chính trị" trong lòng nước Pháp.

Quả thực, từ kết quả bầu cử sơ bộ vòng 1 Tổng thống Pháp thấy đó không phải là sự phân chia giữa phe cánh tả với phe cánh hữu mà là cuộc xung đột giữa hai quan điểm: Một là ủng hộ EU và một bài xích EU.

Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN), bà Le Pen chủ trương “Frexit”, đưa nước Pháp rời khỏi EU, và ra khỏi khu vực sử dụng đồng euro. Theo các chuyên gia phân tích, đây là những chủ trương rất tệ hại vì “đồng euro ngăn ngừa lạm phát” và cho phép “duy trì lãi suất ở một mức tương đối thấp”. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến tài chính các hộ gia đình và các công ty, với những khoản lợi bị thu hẹp. Các nhà đầu tư ngoại quốc sẽ rút vốn đi. 

Ngoài ra, bà Marine Le Pen cũng thu hút lá phiếu cử tri nhờ đánh trúng tâm lý người lao động với quan điểm phản đối người nhập cư, bảo vệ bản sắc Pháp và khôi phục chủ quyền quốc gia.

Trong một tuyên bố giành chiến thắng tại vòng 1, bà Le Pen  gọi kết quả bầu cử là "sự kiện mang tính lịch sử". Bà Le Pen cho rằng sự sống còn của nước Pháp đang bị đe dọa và đã đến lúc giải phóng người dân Pháp khỏi "những người thống trị kiêu ngạo" và kêu gọi những người yêu nước ủng hộ bà. 

Đặc biệt, bà Le Pen có chủ trương bài Đức kịch liệt. Bà Le Pen thường hay có các phát biểu tấn công Đức, nói đúng hơn là vào Thủ tướng Merkel và chính sách nhập cư của bà.

Tại Đức người ta đang lo ngại mất đi người đồng minh chủ chốt và chứng kiến châu Âu đứng bên bờ vực thẳm.

Truyền thông Đức đã có rất nhiều bài báo nói đến bà Marine Le Pen, “mối hiểm nguy” hàng đầu đối với Đức. Ngoài ra, tại Brussels, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Junker cũng báo trước ông sẽ “mặc đồ tang” trong trường hợp bà Le Pen đắc cử.

Trong khi đó ông Macron lại có quan điểm ủng hộ và không chỉ trích EU. Động thái đầu tiên là ông Macron đã đến Đức và gặp giới lãnh đạo nước này. Truyền thông Đức đã không ngần ngại lên tiếng ủng hộ ông Macron.

Hiện nay, họ ủng hộ Macron, xem ông là “thành trì” ngăn chặn bà Marine Le Pen. Quan điểm thiên châu Âu của ông đã thuyết phục ngay cả giới bảo thủ ở Đức. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble đã không ngần ngại nói rằng ông sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên Macron nếu ông là người Pháp.

Đặc biệt, ngay sau khi kết quả sơ bộ cuộc bầu cử Tổng thống Pháp được công bố, lãnh đạo nhiều nước châu Âu gồm: Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, Thủ tướng Đức Angela Merkel, cựu Bộ trưởng Tài chính George Osborne, Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen, Ngoại trưởng Na Uy Borge Brende đều công khai lên tiếng chúc mừng ông Macron.

Trước đó, ngày 23/4, phát biểu trước những người ủng hộ tại Paris sau khi có kết quả sơ bộ, ông Macron đã kêu gọi toàn thể người dân Pháp đoàn kết chống lại chiến dịch dân túy của ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen.

Ông Macron tuyên bố muốn huy động sự ủng hộ “lớn nhất có thể” trước khi cuộc bầu cử vòng hai diễn ra vào ngày 7/5 tới. Đặc biệt, ông đã cảm ơn những người ủng hộ vì một chiến dịch “đã thay đổi tiến trình của đất nước”. Ông Macron cũng kêu gọi người dân hãy tin tưởng vào châu Âu thay vì sợ hãi, một lời ám chỉ tới chiến dịch chống EU của bà Le Pen. 

Việc không có ứng cử viên của một đảng chính thống nào từng lãnh đạo nước Pháp trong vài thập niên trở lại đây giành thắng, thay vào đó là một người có xu hướng ủng hộ EU, còn người kia lại bài xích EU báo hiệu cuộc bầu cử vòng 2 Tổng thống Pháp dự kiến vào ngày 7/5 tới sẽ vô cùng gay cấn.