> Khám nhà, bắt giam các chủ nợ
> Giải cứu thị trường bất động sản
Lên nhanh, xuống nhanh
Sau vụ vỡ nợ 150 tỷ đồng tại Hà Đông cách đây gần một tháng, tại cơ quan quan điều tra, bà Nguyễn Thị Dậu - 48 tuổi (số 5 phố Nguyễn Thái Học, phường Quang Trung, quận Hà Đông) - người gom tiền đã hé lộ thông tin liên quan đến nhiều đại gia BĐS.
Bà Dậu cho biết: “Tôi đi vay từ hơn 30 người dân số tiền 100 tỷ đồng, 10.000 USD và 11 cây vàng, với tổng giá trị là 150 tỷ. Nhưng toàn bộ số tiền đó cộng thêm tiền của gia đình tôi đều chuyển cho Nguyễn Đức Thắng (Quang Trung, Hà Đông) vay lại và anh ta đầu tư vào bất động sản. Thậm chí, tôi còn mượn sổ đỏ của mẹ để đi vay ngân hàng 1 tỷ đưa cho Thắng. Tôi cũng chính là nạn nhân trong vụ vỡ nợ này”.
Theo bà Dậu, Thắng vốn là một đại gia có tiếng trong giới BĐS bởi hàng loạt các biệt thự đại Khu đô thị Văn Khê, Văn Phú. Thắng trúng nhiều phi vụ ăn chênh lệnh tiền tỷ nên ai cũng nể. Cách đây 2 năm, khi thị trường BĐS lên cơn sốt, chỉ trong vòng một tháng, Thắng bán chênh 10 căn biệt thự, mỗi căn lãi 2 tỷ đồng, thừa sức trả lãi cao cho các chủ nợ. Vì tin tưởng vào tài buôn đất có nghề của Thắng thêm lời gợi mở về các dự án khu vực Hoài Đức nên bà Dậu tiếp tục gom tiền tiếp cho đại gia.
Để chứng minh, bà Dậu trình ra 10 tờ giấy viết tay, trong đó Thắng có ký vay tiền, lần vay thấp nhất cũng 10 tỷ, nhiều nhất tới 30 tỷ đồng.
“Mỗi lần vay Thắng đều dẫn tôi đi thăm các vị trí đất mà anh ta định đầu tư tại Hoài Đức, Đông Anh, Sóc Sơn... Đầu năm nay đất, nhà đều không bán được nên Thắng không đủ khả năng trả lãi cho tôi” - bà Dậu nói.
Khi PV đến gia đình Thắng (số 8 Trần Nhật Duật, Hà Đông, Hà Nội) để xác minh thông tin thì Thắng đã đi khỏi nhà nhiều ngày. Chị Thoa (vợ Thắng) cho biết: “Chồng tôi đầu tư bất động sản 5 năm nay và phất lên từ năm 2008. Tôi cũng biết chồng vay của bà Dậu tiền nhưng cụ thể thế nào tôi cũng không rõ, mỗi lần vay chồng tôi chỉ bảo để đầu tư đất đai”.
Bà Dậu cho biết thêm, ngoài gom số tiền cho Thắng, bà còn vay 31 tỷ từ đầu năm 2009, sau đó cho Nguyễn Văn T (giám đốc một Cty tư nhân tại Gia Lâm, Hà Nội) vay lại để anh này mua đất tại Ba Vì và một số vùng ven Hà Nội như: Bắc Ninh, Hưng Yên. Đến khoảng giữa năm, T không còn khả năng trả lãi cho bà Dậu và chủ nợ khi đất không bán được, giá giảm liên tục. Hiện, cả T và Thắng đều đã bỏ trốn, còn các chủ nợ chỉ biết đến nhà bà Dậu đập phá đòi tiền.
Còn nữ đại gia vừa phá sản Nguyễn Thị Cúc (32 tuổi tại Phú Xuyên) cũng từng nổi danh khi mạnh tay vay lãi ngày (từ 3.000 đến 7.000 đồng/triệu) để đầu tư hàng loạt căn biệt thự, đất nền, thổ cư quanh Hà Nội.
Bà Cúc thừa nhận đã vay nợ 230 tỷ đồng và khoảng 600 cây vàng để buôn bất động sản. Với số tiền vay này, trung bình một tháng Cúc phải trả lãi tới 10 tỷ đồng. Nay, Cúc tự khai khi trình diện cơ quan điều tra, cũng còn dăm mảnh đất, nhưng nếu tính giá cả thời điểm này không đủ để trả 1/10 số nợ.
Nguyễn Thị Minh Tâm (Bắc Ninh), thừa nhận đã vay nợ gần 130 tỷ đồng, cũng với lãi suất siêu khủng, để mua các biệt thự tại Bắc Ninh và ven Hà Nội, cả thảy gần 50 căn. Khi BĐS sôi động, tiền chênh tại mỗi căn biệt thự lên tới vài tỷ, người ta thấy Tâm giỏi giang buôn bán. Nhưng ai ngờ, nay thị trường bất động, Tâm thành con nợ khổng lồ. Còn một số căn biệt thự mà Tâm đầu tư, hiện đều bỏ hoang.
Gán nợ giá trên trời
Trong các vụ vỡ nợ, người ta thấy rất ít chủ nợ đến trình báo với cơ quan chức năng. Bởi thực tế, chủ nợ vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm. Vì có chủ nợ cho con nợ vay siêu lãi tới 7.000 đồng/triệu/ngày. Nếu quy ra, nó vượt hơn 10 lần lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước (quá 140%/năm), nên họ có thể bị xử lý hình sự tội cho vay nặng lãi.
Nắm bắt được tâm lý này, nhiều con nợ gán nợ tài sản giá trên trời. Như Nguyễn Thị Cúc, mua chiếc Audi A8 hơn 5 tỷ đồng, dù đã sử dụng mấy tháng trời, nhưng vẫn có chủ nợ chấp nhận lấy xe trừ nợ bằng giá xe mới. Còn bà Dậu, tuyên bố giá chiếc LX (cũ) tới 400 triệu đồng, nếu ai muốn thu xe bắt nợ.
Dự báo của cơ quan chức năng, tới đây sẽ còn lộ ra nhiều vụ vỡ nợ tương tự. Trong khi nó chưa diễn ra, ở nhiều vùng quê, các chủ nợ và con nợ đang tự dàn xếp. Chuyện ở xã Q (Quốc Oai, Hà Nội), thời điểm đất đai các huyện phía Tây Hà Nội sốt sình sịch năm 2009-2010, do thông tin di chuyển trung thâm hành chính Quốc gia về Ba Vì và quy hoạch trục Thăng Long, một anh thợ sửa xe máy tên Đ., nhờ có chút vốn liếng và vay mượn mua mảnh đất 300 m2 của người cùng làng giá 700 triệu đồng.
Chỉ nửa tháng sau, có khách về trả gấp đôi 1,4 tỷ đồng. Sức hút từ lãi khổng lồ, anh bỏ nghề sửa xe, nhảy qua buôn đất. Để rộng vốn, Đ. thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng hơn chục tỷ đồng, đồng thời huy động vay lãi 5.000 đồng/triệu/ngày của người dân trong làng.
Nhiều người hám lợi, vay cả ngân hàng để về cho Đ. vay lại. Chẳng mấy chốc, số nợ của Đ. tới hơn 20 tỷ đồng. Ở một làng quê nghèo, quanh năm cày cấy, chốc lát Đ. nổi lên như một đại gia, mua xe Innova chạy chơi. Còn lại đầu tư cả chục mảnh đất (thổ cư và nông nghiệp).
Từ hơn nửa năm nay, không thấy ai về làng Q mua đất, Đ. bắt đầu đầu sốt vó, vì không kham nổi khoản trả lãi tháng hàng trăm triệu đồng. Nay nhiều chủ nợ thuê cả đầu gấu tới đòi, nhưng Đ. hết cách. Chiếc Innova buộc phải gán nợ. Còn những mảnh đất, Đ. cũng gán dần.
Dù thị trường trầm lắng, nhưng ở cái làng cách Hà Nội hơn 20 km, Đ. hét giá 30-40 triệu đồng/m2 (thực tế giá chỉ dưới 10 triệu/m2 cũng khó bán), nhưng nhiều chủ nợ vẫn phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”, thà ăn quả đắng còn hơn mất cả chì lẫn chài. Nhưng bù đi bù lại, bán đất gán nợ đắt thế mà cũng không đủ trả hết nợ.
Cơn bão nhà nhà, người người đầu tư BĐS, nay hết thời, nhưng hậu quả mà nó để lại không biết bao giờ mới khắc phục được.