Bão số 6 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, mưa lớn ở nhiều nơi miền Trung

TPO - Chiều nay (27/10), sau khi đi sâu vào đất liền các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam-Đà Nẵng, bão số 6 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

1 giờ trước

Hàng chục nhà dân ở Đà Nẵng tốc mái, hơn 900 cây xanh ngã đổ

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng cho hay bão số 6 đã làm 51 nhà ở xã Hoà Bắc (huyện Hoà Vang) bị ngập; 62 nhà ở huyện Hoà Vang, quận Liên Chiểu, quận Cẩm Lệ tốc mái.

Cơn bão làm ngã đổ hơn 900 cây xanh; hơn 60 biển báo hiệu đường bộ trên các tuyến đường bị nghiêng, ngã. Tại đường Như Nguyệt (đoạn gần cầu Thuận Phước), nước sông dâng cao gây ngập một đoạn mặt đường với chiều dài khoảng 150m, sóng lớn đánh gây hư hỏng, bong bật gạch vỉa hè nhiều vị trí, quật ngã trụ đèn trang trí phía sông. Đất, cát tràn lên vỉa hè, lòng đường.

Cơ quan chức năng đã chỉ đạo nhà thầu quản lý đường đã triển khai ngay công tác cảnh báo, đảm bảo giao thông, dọn dẹp và khắc phục các hư hỏng vỉa hè.

Bão số 6 đã làm nhiều nhà ở Đà Nẵng bị tốc mái.

1 giờ trước

Bão số 6 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ đêm qua đến chiều 27/10, khu vực từ Hà Tĩnh-Quảng Nam đã có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa tính đến 16 giờ ngày 27/10, phổ biến 150-250mm, cục bộ có nơi trên 400mm.

Chiều nay (27/10), sau khi đi sâu vào đất liền các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng bão số 6 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Hồi 16 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 107,9 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 9. Di chuyển theo hướng Nam Tây Nam, tốc độ khoảng 5km/h.

Dự báo tác động của áp thấp nhiệt đới

Gió mạnh, sóng lớn

Trên biển: Vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi (bao gồm đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 2,0-4,0m; biển động mạnh.

Trên đất liền: Trên đất liền Quảng Bình đến Quảng Nam có gió giật mạnh cấp 6-8; vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9.

Mưa lớn

Từ nay đến hết đêm 28/10, ở khu vực từ Nam Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 150-250mm, cục bộ có nơi trên 400mm; cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn (>100mm/3h). Khu vực từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi và Kon Tum có mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa từ 70-150mm, cục bộ có nơi trên 200mm.

4 giờ trước

4 giờ trước

Bão Trà Mi gây mưa bằng cả tháng ở TPHCM

Ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng dự báo khí tượng thủy văn, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết, cơn bão Trà Mi dự báo khi ảnh hưởng tới khu vực Trung bộ gây mưa to đến rất to, lượng mưa từ 7 giờ, ngày 26/10 đến 19 giờ, ngày 29/10 là 700 mm.

Chỉ trong vài ngày, tổng lượng mưa này đạt 700 mm là rất lớn, bởi thông thường những tháng cao điểm mùa mưa, tổng lượng mưa một tháng tại TP.HCM chỉ khoảng từ 300 – 400 mm.

4 giờ trước

Lũ dâng, nhiều nơi ở TT.Huế bị ngập

Chiều 27/10, thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh TT-Huế cho biết, mưa lớn trong nhiều giờ qua đã làm lũ trên các sông thuộc tỉnh này lên nhanh. Mức nước trên sông Hương tại Kim Long ở mức 2,06m, vượt trên báo động 2 là 0,06m; lũ sông Bồ tại trạm Phú Ốc ở mức 1,66m, trên báo động báo động 1 là 0,16m; lũ sông Ô Lâu tại trạm Phong Bình ở mức 0,98m; sông Truồi tại trạm Truồi ở mức 1,59m.

Lũ trên sông Hương dâng nhanh, cầu đi bộ gỗ lim ven sông chìm trong nước.

Theo cảnh báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh TT-Huế, trong 12 đến 24 giờ tới, lũ trên các con sông tiếp tục lên cao, dao động ở mức từ báo động 2 đến báo động 3.

Mưa lũ gây nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất tại khu vực vùng núi, sạt lở bờ sông, ngập lụt vùng trũng thấp ven sông và khu đô thị trên địa bàn tỉnh.

Đến chiều cùng ngày, lũ trên các sông dâng cao đã gây ngập lụt nhiều phường, xã vùng thấp trũng của TP. Huế, huyện Phú Vang, Phú Lộc…, làm ách tắc giao thông đi lại, ảnh hưởng sinh hoạt của người dân và hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các hoạt động khác

Vùng trũng phường Phú Thượng (TP. Huế) bị ngập lụt do mưa lớn, nước sông Hương dâng cao.

4 giờ trước

Bão số 6 suy yếu nhanh, không đổi hướng ra biển

Chiều nay 27/10 bão số 6 (bão Trà Mi) đã đi vào đất liền các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và TP.Đà Nẵng.

Bão số 6 sẽ đi sâu vào đất liền rồi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Lúc 1 giờ ngày 28.10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,8 độ vĩ bắc; 108,1 độ kinh đông trên đất liền Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng.

Áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 8, di chuyển ven bờ biển Trung Trung bộ, suy yếu thành vùng thấp rồi tan dần.

5 giờ trước

Sóng cao 5m trên vùng biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của bão số 6 tại đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10; đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cấp 6, giật cấp 7; đảo Bạch Long Vỹ cấp 8, giật cấp 10.

Ở vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Nam có mưa bão; khu vực vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Ngãi đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan và vùng biển phía Đông của khu vực Giữa Biển Đông có mưa rào và dông rải rác.

Hiện nay, bộ phận không khí lạnh ở phía Bắc tiếp tục tăng cường xuống phía Nam.

Dự báo diễn biến trong 24h tới

Đêm 27 và ngày 28/10 vùng biển từ Quảng Trị đến Đà Nẵng có mưa bão; vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Nam đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông rải rác. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.

Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo: Đêm 28 và ngày 29/10: Vùng biển phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8; sóng biển cao 2,5-4,5m; biển động mạnh.

Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; biển động mạnh; sóng biển cao từ 2,0-4,0m.

Vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận, phía Tây của khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; biển động; sóng biển cao từ 2,0-4,0m.

Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: cấp 2; riêng vùng biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi (bao gồm đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn cấp 3.

Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên các khu vực trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của lốc xoáy, gió mạnh và sóng lớn.

5 giờ trước

6 giờ trước

CLIP: Cây đổ chắn ngang nhiều tuyến đường ở Đà Nẵng

Thực hiện: Thanh Hiền.

6 giờ trước

Quảng Nam: 13 nhà tốc mái, Trung tâm y tế huyện sụt lún, nứt gãy nền

Phóng viên Hoài Văn từ Quảng Nam cho biết, đến đầu giờ chiều nay, tại Quảng Nam đã ngớt gió, ngớt mưa. Tuy nhiên ảnh hưởng của bão số 6 đã gây những thiệt hại cho địa phương.

Ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, thống kê ban đầu có 2 người bị thương; 13 nhà dân bị tố mái (6 nhà ở xã Gari, huyện Tây Giang bị tốc mái và 7 nhà ở huyện Phước Sơn).

Trung tâm y tế huyện Tây Giang xuất hiện trình trạng sụt lún, nứt gẫy nền nhà, tường nhà bất thường với diện tích khoảng 300m2. Địa phương di dời tạm thời người và phương tiện đến nơi an toàn.

Gió giật, mưa lớn ảnh hưởng tới dây điện ĐZ 35kV Thăng Bình – Quế Sơn gây mất điện địa bàn huyện Quế Sơn. Các lực lượng liên quan khắc phục sự cố về điện và cắm biển, căng dây cảnh báo khu vực nguy hiểm.

Sụt lún, nứt gãy tường, nền nhà ở Trung tâm Y tế huyện Tây Giang.

6 giờ trước

Trên tuyến đường giao thông huyết mạch nối từ quốc lộ 1A (đoạn qua quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) lên xã Hòa Liên và xã Hòa Bắc, cây cối đỗ la liệt, đất đá tràn xuống đường gây ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của người dân.

Trên tuyến đường Ngô Xuân Thu nối dài, cây cối ngã đổ la liệt. Ảnh: Duy Quốc

Đất đá từ đồi núi tràn xuống đường ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.

7 giờ trước

Ngăn phương tiện lưu thông qua đèo Hải Vân

Anh Nguyễn Minh Hoàng - cán bộ trạm Cảnh sát giao thông Hòa Hiệp (TP Đà Nẵng) cho biết, lực lượng chức năng đã cho lập chốt chặn tại chân đèo Hải Vân từ 6h hôm nay (27/10) để đảm bảo an toàn cho người dân, vì trên đèo có cột điện ngã đổ, nhiều điểm có nguy cơ sạt lở cao.

Ảnh: Duy Quốc

7 giờ trước

Dự báo diễn biến bão (12 đến 24 giờ tới)

7 giờ trước

Tâm bão trên đất liền các tỉnh TT-Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, chiều nay (27/10), bão số 6 đã đi vào đất liền các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam-Đà Nẵng.

Do ảnh hưởng của bão số 6 tại đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10; đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cấp 6, giật cấp 7; Lệ Thuỷ (Quảng Bình) gió mạnh cấp 7, giật cấp 9; Nam Đông (Thừa Thiên Huế) gió mạnh cấp 8, giật cấp 10; Cẩm Lệ (Đà Nẵng) gió mạnh cấp 8, giật cấp 9.

Từ đêm qua đến chiều nay (27/10), khu vực từ Hà Tĩnh-Quảng Nam đã có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa tính đến 13h ngày 27/10, phổ biến 100-250mm, cục bộ có nơi trên 400mm.

Hồi 13h ngày 27/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc; 107,9 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam-Đà Nẵng.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10. Bão di chuyển theo hướng Tây Nam, tốc độ khoảng 10km/h.

Dự báo tác động của bão

Gió mạnh, sóng lớn, nước dâng:

Trên biển: Vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi (bao gồm đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao 3,0-5,0m; biển động mạnh.

Nước dâng do bão vùng ven bờ: ven biển các tỉnh từ Quảng Bình tới Quảng Nam có khả năng xuất hiện nước dâng do bão cao từ 0,4-0,6m.

Tàu/thuyền hoạt động trong khu vực biển ven bờ từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.

Nguy cơ cao ngập úng ở vùng trũng thấp ven biển, sạt lở đê, kè biển tại ven biển các tỉnh từ Quảng Trị tới Quảng Nam do tác động của sóng lớn và nước dâng do bão

Trên đất liền: Trên đất liền Quảng Bình đến Quảng Nam có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10.

Mưa lớn

Từ ngày 27/10 đến hết đêm 28/10, ở khu vực Quảng Bình đến Quảng Nam có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 200-400mm, cục bộ có nơi trên 600mm. Cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn (>100mm/3h).

Khu vực Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định và Bắc Tây Nguyên có mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, có nơi trên 250mm.

7 giờ trước

Bão quật đổ một nhà kho nội thất tại quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng . Trên nhiều tuyến đường tại Đà Nẵng cây xanh ngã đổ la liệt, bảng quảng cáo bị gió xô đổ. Ảnh: Thanh Hiền

7 giờ trước

Đà Nẵng: Nhiều cây xanh gãy đổ, nhà bị bay mái tôn, tróc ngói

Theo báo Đà Nẵng, ghi nhận tại các tuyến đường như: Mai Chí Công, Thăng Long, Quang Trung, Cách Mạng Tháng Tám, Như Nguyệt, Lê Đại Hành, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sa… và khu vực ven biển, nội thị, nhất là tại huyện Hòa Vang, nhiều cây xanh đã bị đổ, mái tôn bị bay, trốc ngói do gió giật mạnh vào sáng 27/10.

Trong khi đó, nhiều xã của huyện Hòa Vang và một số phường của quận Cẩm Lệ bị mất điện, ngành điện cũng cắt nguồn để tránh việc dây, cột điện đứt, gãy, đổ gây nguy hiểm cho người dân.

Đặc biệt, tại đoạn đường Như Nguyệt, gió lớn cộng với sóng mạnh đã khiến nhiều cột đèn, gạch lát vỉa hè hư hại. Để bảo đảm an toàn cho người dân và các phương tiện giao thông, lực lượng chức năng đã cho thiết lập rào chắn, ngăn xe đi vào khu vực này.

Nhà người dân tại xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) bị tốc mái tôn trong sáng 27/10. Ảnh: Báo Đà Nẵng

Nhà dân tại xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) bị tốc mái, bay cửa vì không chịu nổi sức gió lớn. Ảnh: Báo Đà Nẵng

Cột đèn bị đổ vì sóng đánh mạnh vào bờ đoạn đường Như Nguyệt. Ảnh: Báo Đà Nẵng

7 giờ trước

Quảng Nam: Mưa lớn gió mạnh 'quần thảo' ở Đông Giang

Theo báo Quảng Nam, trưa 27/10, tại khu vực các xã vùng thấp của huyện Đông Giang xuất hiện mưa lớn kèm gió mạnh trên diện rộng.

Nhiều cây cối, hoa màu bị ngả đổ; một số tuyến đường bị sạt lở cục bộ, ảnh hưởng đến việc lưu thông của người dân. Hiện mực nước tại các sông, suối trên địa bàn huyện đang lên nhanh, chính quyền địa phương khuyến cáo người dân không đến gần khu vực nguy hiểm.

Trên tuyến ĐT609, đoạn gần khu du lịch Cổng trời Đông Giang, mưa lớn khiến nhiều điểm có dấu hiệu bị sạt lở. Một số đoạn, đất đá từ taluy dương đổ xuống tràn lấp hơn nửa mặt đường, gây nguy hiểm cho các phương tiện và người dân lưu thông.

Hiện khu vực huyện Đông Giang đang mất điện trên diện rộng toàn tuyến.

Cây cối ngã đổ trên tuyến quốc lộ 14G thuộc địa phận thôn Bhơ Hôồng 2 (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang). Ảnh: Báo Quảng Nam

Xuất hiện điểm sạt lở trên tuyến ĐT609. Ảnh: Báo Quảng Nam

7 giờ trước

Quảng Trị: Nhiều hàng quán tại bãi tắm Gio Hải bị sập

Theo báo Quảng Trị, sáng nay 27/10, do ảnh hưởng của cơn bão số 6, mưa to sóng lớn đã nhiều hàng quán kinh doanh dịch vụ tại bãi tắm cộng đồng xã Gio Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị bị sập hoặc tốc mái.

Ngoài ra, tuyến kè đang thi công thuộc Dự án Kè chống xói lở khẩn cấp bờ biển Gio Hải - Cửa Việt bị sạt lở gây thiệt hại khá lớn.

Tại đoạn kè đi qua Thôn 4 và Thôn 5, sóng biển làm xói lở phần chân kè dài khoảng 1,5 km, ăn sâu vào khoảng 10 - 20 m.

Dọc bờ biển của xã đoạn đi qua các thôn: 7, 8 cũng bị sạt lở, ăn sâu vào đê cát ven biển từ 15 - 20 m.

Hàng quán kinh doanh dịch vụ tại bãi tắm cộng đồng xã Gio Hải bị sập - Ảnh: Báo Quảng Trị

Một đoạn đê cát chắn sóng tại xã Gio Hải bị sạt lở - Ảnh: Báo Quảng Trị

8 giờ trước

Bão số 6 đổ bộ, nhiều nơi gió giật mạnh

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia do ảnh hưởng của bão số 6 tại đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10; đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) gió mạnh cấp 6, giật cấp 7; Nam Đông (Thừa Thiên Huế) gió mạnh cấp 8, giật cấp 10; Cẩm Lệ (Đà Nẵng) gió mạnh cấp 8, giật cấp 9.

8 giờ trước

8 giờ trước

Bão trên đất liền Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng

Theo thông tin cập nhật từ Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia lúc 12h hôm nay, vị trí tâm bão số 6 ở khoảng 16.1 độ Vĩ Bắc; 108.0 độ Kinh Đông, trên đất liền Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng. Sức gió mạnh nhất: Cấp 8-9 (62-88km/h), giật cấp 11.

Dự báo: Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Nam, tốc độ khoảng 10-15km/h.

Theo ghi nhận của Tiền Phong, sáng 27/10, tại đường Nguyễn Văn Linh, Điện Biên Phủ, Võ Văn Kiệt, Tôn Đức Thắng... (Đà Nẵng) nhiều cây xanh đã bị ngã đổ, bật gốc nằm la liệt trên các tuyến đường.

Chị Phạm Nga (trú quận Ngũ Hành Sơn) cho biết: "Gió lớn đã khiến nhiều cây ở Đà Nẵng ngã đổ, nằm la liệt trên các tuyến đường. Người dân nên hạn chế ra đường để tránh gặp những tai nạn không đáng có xảy ra".

Gió dữ dội cũng đang gây khó khăn với các phương tiện di chuyển trên đường, nhiều người đi xe máy lảo đảo, chòng chành, phải cúi người, giữ chặt mũ và di chuyển chậm.

Nhiều cây to ngã đổ, nằm la liệt trên đường ở Đà Nẵng.

Nhiều xe ô tô đậu trên đường bị cây ngã đè lên.

Trước đó, các địa phương trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã khẩn trương hoàn thành việc cắt tỉa, chằng chống cây xanh, thực hiện các biện pháp cần thiết để giảm thiểu rủi ro gây hại cho hệ thống cây xanh đô thị và nguy hiểm cho người dân trong mùa giông bão.

Lực lượng chức năng đã nhanh chóng có mặt xử lý các cây ngã đổ, điều tiết giao thông.

Trước khi bão đổ bộ, UBND thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo Chủ tịch các quận, huyện và các đơn vị liên quan nhanh chóng di dời, sơ tán người dân khỏi nhà trọ, nhà tạm, nhà không kiên cố và các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét đến nơi an toàn.

Theo ghi nhận của Tiền Phong, tại quận Liên Chiểu, sáng sớm 27/10, cán bộ các phường đã khẩn trương có mặt ở nhiều nơi để hỗ trợ người dân tại các vùng có nguy cơ ngập lụt và nhà ở không kiên cố đến nơi trú ẩn an toàn.

Chị Ngô Xuân Bình (trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) đã di dời đến Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm để tránh bão. “Gia đình tôi đã chuẩn bị sẵn đồ đạc để khi có thông báo là đi ngay. Chúng tôi rất yên tâm khi được di dời đến nơi kiên cố để tránh bão”, chị Bình cho biết.

Lực lượng chức năng đã đến từng nhà, từng khu trọ của người dân để vận động sơ tán đến nơi an toàn.

Hầu hết các gia đình thuộc diện di dời đều ở nhà cửa tạm bợ, không đảm bảo an toàn khi bão đổ bộ. Người dân đã ký cam kết chấp nhận sơ tán trước 10 giờ sáng ngày 27/10.

Ông Mai Văn Thôi, cán bộ phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu cho biết, từ tối 26/10, lực lượng chức năng phường đã đến từng nhà để vận động, di dời người dân nhằm đảm bảo an toàn. “Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ thức ăn như mì tôm, bánh, nước uống tại các phòng học của Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm để bà con yên tâm tránh bão. Hiện công tác vận động vẫn tiếp tục để kêu gọi người dân tránh bão an toàn,” ông Thôi chia sẻ.

Bão số 6 dị thường, Phó Thủ tướng chỉ đạo triển khai công tác ứng phó

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp

Sáng 27/10, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với các bộ ngành và trực tuyến tới 8 địa phương: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum để chỉ đạo triển khai công tác ứng phó bão số 6.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, "Bão Trà Mi khác với thông thường, cơn bão này đổ bộ vào đất liền khu vực nam Quảng Trị đến bắc Quảng Nam rồi sẽ quay ra phía Biển Đông, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, do vậy gió mạnh trên biển sẽ kéo dài đến đêm mai - ngày 28/10". Về lượng mưa sẽ kéo dài từ ngày 27/10 đến 2, 3 ngày tới.

Đại diện Đài Khí tượng thủy văn Quảng Trị cho biết, sáng 27/10, tâm bão đã tiến sát vùng biển của tỉnh Quảng Trị, gió mạnh cấp 8 - 9. Về lượng mưa, ở khu vực Đồng Bằng có mưa từ 100 - 200mm, có nơi ven biển trên 200 - 250mm, vùng núi từ 50 - 100mm, nhiều điểm ở phía Tây Nam tỉnh có mưa từ 150 - 180mm.

Đại diện Bộ Quốc Phòng cho biết, ngay từ khi cơn bão hình thành, đơn vị đã huy động 275.480 người, trong đó có hơn 80.019 bộ đội, dân quân tự vệ 199.461, 12.503 phương tiện quân sự các loại, sẵn sàng ứng phó với cơn bão này.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, cơ chế hoạt động của cơn bão số 6 rất đặc biệt, khi bão vào đến đất liền lại quay ra phía Biển Đông. Đồng thời, theo dự báo của nhiều cơ quan khí tượng quốc tế thì đầu tháng 11 hình thành một vùng áp thấp có thể mạnh lên thành bão, công tác dự báo cần cụ thể, dự báo sớm cho người dân.

"Vừa rồi, chúng ta đã sử dụng các loại thiết bị bay không người lái để kiểm tra, phát hiện các vết nứt trên đồi để đưa ra dự báo, cảnh báo, di dời được dân cư. Tôi đề nghị Bộ Quốc phòng với tinh thần hỗ trợ, phối hợp giúp cho các địa phương khảo sát tình trạng nứt, gãy ở khu vực tập trung đông dân cư, có bản đồ đứt gãy về địa chất để có thể giảm bớt thiệt hại của cơn bão này", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, các tập đoàn viễn thông phối hợp chặt chẽ với các địa phương để duy trì kết nối thông tin ở các khu vực dễ bị chia cắt, nhằm duy trì sản xuất, phát triển kinh tế.

"Công tác dự báo cần sát sao hơn, đề nghị các cơ quan truyền thông tích cực thông tin về tính chất phức tạp của cơn bão Trà Mi", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói. (PV)

Sóng biển dâng cao trên đảo Cù Lao Chàm

Tại bãi tắm Cửa Đại, Hội An, sóng vượt qua đoạn đê đánh thẳng vào bờ gây sạt lở một đoạn ngắn 20m. Còn khu vực ven biển Hội An có sóng lớn, biển động dữ dội, gió cấp 6-7.

Nước biển tràn vào bờ ở Thừa Thiên Huế

Hiện tại, khu vực ven biển Thuận An, TP Huế đã ngớt mưa. Tuy nhiên, tuyến đường chính dẫn về cửa biển bị ngập sâu, nhiều hộ dân phải sơ tán khẩn cấp. Để giúp dân, TP Huế đã điều động nhiều lực lượng đến hỗ trợ người dân sơ tán khỏi vùng ngập lụt.

Huy động xe thiết giáp sẵn sàng cứu nạn

Sáng 27/10, Bộ Chỉ huy quân sự TP.Đà Nẵng điều động 4 xe thiết giáp về trung tâm thành phố để sẵn sàng cứu nạn khi bão số 6 (bão Trà Mi) gây thiệt hại.

Đây là thiết giáp thuộc Tiểu đoàn Tăng thiết giáp 699 (Bộ Chỉ huy quân sự TP.Đà Nẵng), trong đó 3 xe ứng trực tại Bộ Chỉ huy quân sự thành phố, 1 xe ứng trực tại UBND Q.Liên Chiểu để phục vụ cho khu vực đường Mẹ Suốt thường xuyên ngập sâu ở P .Hòa Khánh Nam.

Tiếp tục cập nhật...