Báo động sư phạm 'rớt giá'

TP - Dư luận còn chưa hết ngỡ ngàng vì đạt 3 điểm 10 vẫn không trúng tuyển nguyện vọng 1 thì nay với khối các trường ĐH Sư phạm, họ cũng bàng hoàng không kém khi điểm chuẩn vào một số ngành sư phạm thấp chỉ ở mức điểm sàn. Thậm chí, một loạt các trường cao đẳng sư phạm chỉ lấy điểm đầu vào 9-10 điểm/3 môn.
Sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội trên giảng đường. Ảnh: Hồng Vĩnh.

So với những ngành kinh tế hay khối ngành đặc thù như công an, quân đội, sư phạm đúng là đang “mất giá”. Trong 7 trường ĐH Sư phạm được Bộ GD&ĐT đặt hàng xây dựng các chương trình đào tạo giáo viên mới và bồi dưỡng giáo viên phổ thông thì chỉ có hai trường là ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm TPHCM có điểm chuẩn ổn hơn cả, còn lại chỉ từ điểm sàn hoặc nhích hơn điểm sàn của Bộ GD&ĐT. Nhiều ngành sư phạm của Trường ĐH Sư phạm Huế năm nay cũng lấy bằng điểm sàn.  Thậm chí, theo lý giải của lãnh đạo trường, với cách tính điểm chuẩn của trường như năm nay thì môn chính điểm thấp nhất có thể là 1,25 điểm. Xét mặt bằng chung, điểm chuẩn năm nay của ĐH Sư phạm Huế thấp hơn năm 2016.  So với điểm chuẩn năm 2016, nhiều ngành sư phạm của trường có chuẩn giảm mạnh như ngành Sư phạm Toán giảm 5,5 điểm, Sư phạm Hóa giảm 3 điểm. Ngoài 7 trường ĐH sư phạm được Bộ GD&ĐT “đặt hàng” thì các trường ĐH Sư phạm địa phương khác điểm chuẩn cũng rất thấp.

Tuy nhiên theo GS. Đỗ Đức Thái, Chủ nhiệm khoa Toán tin, trường ĐH Sư phạm Hà Nội lại nhìn nhận, điểm chuẩn của các trường sư phạm không đến mức tồi như mọi người tưởng. “Ví dụ như khoa Toán của tôi tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội điểm chuẩn là 26, ngành Toán tiếng Anh điểm chuẩn còn cao hơn. Tức là cũng tương đương với điểm chuẩn các trường top 1. Các ngành khác trong trường không thấp. Trường ĐH Sư phạm TPHCM cũng thế” – GS. Đỗ Đức Thái ví dụ.

“Để vào sư phạm, thí sinh phải yêu nghề và có thiên hướng trở thành giáo viên. Nhưng thực tế hiện nay, công ăn việc làm khó khăn, đời sống của giáo viên so với mặt bằng chung của xã hội không cao. Do vậy sẽ thật vô lý nếu đòi hỏi sư phạm thuộc top 1. Học các trường công an, quân đội có lợi thế là gia đình không phải nuôi, không phải đóng học phí, học xong  đương nhiên có việc làm, lương ra trường không thấp. Nếu sư phạm cũng như thế hoặc 70-80% sinh viên ra trường có việc làm thì sẽ khác” – GS. Thái nhận định.

Sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội trên giảng đường. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Nguy cơ cho ngành giáo dục

Trong khi đó, thầy Nguyễn Quốc Bình, hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, Hà Nội cho rằng ngành nào cũng thế, nếu đầu vào không tốt thì sản phẩm đầu ra không thể tốt. Ngành sư phạm luôn mong muốn có người thầy, người cô giỏi năng lực chuyên môn, có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực nghiệp vụ sư phạm giỏi. Do đó, phải có nền tảng kiến thức, chất lượng ban đầu. 4 năm sau, khi lứa sinh viên này ra trường, ngành giáo dục cũng đổi mới hoàn toàn chương trình giáo dục phổ thông. Chính vì vậy, dư luận, các nhà quản lý giáo dục, những người có tâm huyết với ngành nhìn vào điểm đầu vào quả thật cũng lo lắng. “Thầy cô giống như máy cái để sản xuất ra những cái máy nhỏ. Nếu  những máy cái năng lực không đảm bảo thì sản phẩm của tương lai sẽ có những khiếm khuyết” – thầy Bình lo lắng.

Đứng dưới góc độ người sử dụng lao động, thầy Bình nhìn nhận, Việt Nam mới bước  vào nền kinh tế thị trường, nên xu hướng chạy theo khối ngành kinh tế.  Đồng thời, giáo dục định hướng nghề nghiệp làm chưa được tốt nên phần lớn vẫn đang chạy theo ngành nghề có thu nhập cao hoặc những ngành liên quan đến vật chất, chưa coi trọng những ngành nghề mang tính giáo dục lâu dài.

Ngành sư phạm, ngành xã hội, thậm chí những  ngành kỹ thuật điểm chuẩn cũng không cao. Trong đó, ngành sư phạm thu nhập quá thấp, lương giáo viên mới ra trường chỉ được hơn 3 triệu đồng/tháng.

Thứ hai, đầu ra đang khủng hoảng thừa nên vào ngành rất khó khăn. “Tôi cũng đã nhận một thủ khoa tuyển thẳng. Sau một tuần làm việc, khi tôi thông báo mức lương được hưởng em ấy xin nghỉ việc. Điều đó có nghĩa những em giỏi vào ngành rồi nhưng do không đảm bảo được cuộc sống nên họ sẽ lại bỏ ngành để đi” – thầy Bình chia sẻ.

Vì vậy, theo thầy Bình, nguy cơ này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành giáo dục. Giáo viên luôn là nhân tố quyết định  chất lượng giáo dục. Nếu  chất lượng thầy cô không xuất sắc thì sẽ không có được những sản phẩm xuất sắc.

Thầy Bình đưa khuyến nghị, Chính phủ, Bộ GD&ĐT cần có chính sách tốt hơn về ngành giáo dục. Ví dụ như vẫn miễn giảm học phí, chế độ lương, có cơ chế tuyển dụng sau khi tốt nghiệp hợp lý. Đồng thời phải quy định ngưỡng tuyển sinh đầu vào cho các trường sư phạm và  có kế hoạch đầu ra không quá dư thừa như hiện nay.

Trường ĐH Tân Trào, Tuyên Quang có 4 mã ngành đào tạo sư phạm hệ ĐH thì điểm chuẩn lấy kết quả thi THPT quốc gia cũng chỉ bằng điểm sàn là 15.5 điểm.  10 mã ngành đào tạo sư phạm của ĐH Hải Phòng thì có 3 mã ngành lấy điểm chuẩn 15.5; Các mã ngành còn lại là 16, 16.5, 17, 20.5, 21,23 và cao nhất là sư phạm Hóa học 24.5 điểm. Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên điểm chuẩn năm nay cũng không sáng hơn các trường ĐH Sư phạm địa phương khác, những năm trước các ngành sư phạm Toán, Tin, Lý, Hóa, Sinh luôn có điểm chuẩn cao, vì được coi là ngành hot trong trường, nhưng năm nay cũng chỉ lấy 15,5 điểm.

Trường CĐ Sư phạm Thái Bình, điểm chuẩn đối với tất cả các ngành sư phạm là 10 điểm (trung bình chỉ 3,3 điểm/môn). Còn trường CĐ Sư phạm Bắc Ninh, trong 6 ngành đào tạo sư phạm, có tới 4 ngành lấy kết quả thi THPT quốc gia với điểm chuẩn là 9 điểm (3 điểm/môn). Tuy vậy, trường vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu và phải xét tuyển bổ sung. Tương tự, 16 ngành sư phạm của CĐ Hải Dương cũng có điểm chuẩn từ kết quả thi THPT quốc gia là 10 điểm.