Bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa

TP - Sáng 19/1, UBND huyện đảo Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng công bố đề cương tóm tắt nội dung sẽ trưng bày tại nhà trưng bày Hoàng Sa. 
Cắt băng khai mạc triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử và pháp lý”. Anh: Dân Trí

Tại tầng 1, giới thiệu vị trí địa lý, điều kiện hình thành và phát triển quần đảo Hoàng Sa; lộ trình tham quan và cấu trúc nội dung sưu tập tài liệu trưng bày; tái dựng không gian về các tài liệu, sự kiện lịch sử chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. 

Tầng 2: những chặng đường lịch sử xác lập chủ quyền của Việt Nam với những bằng chứng đắt giá của Đại Việt, các nước phương Tây và của chính Trung Quốc từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XVIII và từ đầu thế kỷ XIX đến năm 1945. 

Tầng 3: những bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa giai đoạn 1945-1975 và từ 1975 đến nay. Sau khi công trình hoàn thành, sẽ trưng bày tàu cá ĐNa 90152 TS của gia đình bà Huỳnh Thị Như Hoa, bị tàu cá của Trung Quốc đâm chìm trên biển Hoàng Sa ngày 26/5/2014, cùng 30 lá thư tiêu biểu của học sinh Đà Nẵng trong cuộc thi “Viết về huyện đảo Hoàng Sa thân yêu”.

* Sáng 19/1 tại thành phố Vũng Tàu, Bộ Thông tin & Truyền thông phối hợp Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tổ chức Triển lãm bản đồ, trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử và pháp lý”. 

Triển lãm giới thiệu bộ sưu tập gồm 65 bản đồ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, do Việt Nam, phương Tây, Trung Quốc công bố từ kế kỷ XVI đến nay. Trong đó, 4 tập bản đồ Trung Quốc do nhà Thanh và chính phủ Trung Hoa Dân quốc xuất bản không đề cập Hoàng Sa và Trường Sa.