Bàn giải pháp thúc đẩy an sinh xã hội bền vững

Các đại biểu quốc hội cho rằng, cần tiếp tục đầu tư cho chính sách an sinh xã hội theo hướng tiếp cận tới đơn vị gia đình, xây dựng an sinh xã hội toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, có tiêu chí rõ ràng và thúc đẩy BHXH toàn dân. Đây là cốt lõi của an sinh xã hội bền vững.
Toàn cảnh hội trường kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV. Ảnh: Như Ý

Tăng cường năng lực toàn diện cho y tế cơ sở

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, tại phiên thảo luận ngày 31/10, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần quan tâm đến các yếu tố để đảm bảo sự phát triển về sức khỏe, văn hóa, xã hội.

ĐB Ngô Thị Kim Yến (Đà Nẵng) cho rằng chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện được tăng lên rõ rệt, mức độ hài lòng của bệnh nhận cũng được cải thiện nhiều, các bệnh viện đạt tiêu chuẩn sạch đẹp. Y tế cơ sở là nền móng của toàn bộ hệ thống y tế quốc gia, là lực lượng chủ lực giải quyết các vấn đề chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe ban đầu của nhân dân tại cộng đồng. Thế nhưng y tế dự phòng và y tế cơ sở đang còn nhiều khó khăn.

Nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng và chất lượng để có thể triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống các bệnh không lây nhiễm.

Cũng liên quan đến vấn đề y tế cơ sở, một số đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung để hoàn thiện hành lang pháp lý về y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, nhằm bảo đảm thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ như trong Báo cáo số 481 ngày 13/10/2019 của Chính phủ đã đề ra.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị cần làm tốt công tác kiểm tra, giám sát và hướng dẫn trong việc chấp hành pháp luật về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, bảo đảm mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh.

Thúc đẩy bảo hiểm xã hội toàn dân

Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) chia sẻ một khía cạnh có tác động và ảnh hưởng rất lớn đến các lĩnh vực của đời sống, chính trị, xã hội, quốc gia nhưng trong Báo cáo kinh tế - xã hội và phương hướng của Chính phủ, bộ, ngành, chính quyền địa phương thường rất ít hoặc mờ nhạt hoặc không có thông tin đó là gia đình.

Trước những ảnh hưởng đặt ra đối với gia đình trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ĐB Nguyệt đề nghị, trong các chính sách về kinh tế và xã hội của Nhà nước ta năm 2020 và các năm tiếp theo cần dành đầu tư hơn cho gia đình theo hướng.

Trước hết, theo ĐB Nguyệt, cần thay thế dần các chính sách không phát huy được vai trò của gia đình trong phát triển kinh tế, như trợ cấp cho không, vay không lãi suất, bằng các hình thức thúc đẩy thiết thực hơn về cơ hội đầu vào là nguyên vật liệu, thiết bị, đất đai, v.v. và đầu ra là thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Đặc biệt, tiếp tục đầu tư cho chính sách an sinh xã hội theo hướng tiếp cận tới đơn vị gia đình, hiện nay đã có BHYT, trong đó bảo đảm chính sách an sinh xã hội gồm cả phòng ngừa, ứng phó, khắc phục rủi ro, xây dựng an sinh xã hội toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, có tiêu chí rõ ràng và thúc đẩy BHXH toàn dân. Đây là cốt lõi của an sinh xã hội bền vững.

Tiếp đó, cần rà soát, xác định đúng, đủ và toàn diện các tiêu chí liên quan đến gia đình trong thống kê chung và thống kê về giới. Tiếp tục nghiên cứu sâu về khía cạnh liên quan đến gia đình và mối quan hệ trong gia đình.

Ngoài ra, theo ĐB Nguyệt, cần xây dựng chính sách về giáo dục tiền hôn nhân và giáo dục gia đình theo các hình thức phù hợp, thiết thực, gắn với các giai đoạn phát triển của đời người và hướng đến việc ứng phó với thất nghiệp trong hiện tại của vợ, của chồng và tương lai của con, hỗ trợ cho con cách thức tham gia vào mạng xã hội, tạo không gian nuôi dưỡng tâm hồn cho các thành viên trong gia đình.

Đồng thời, trao cơ hội hợp tác, chia sẻ, cân đối chung, riêng hợp lý, giảm khoảng cách giữa vợ và chồng về tâm lý, sinh lý, thể lực, ngôn ngữ và thiên chức của người cha, người mẹ do yếu tố tự nhiên về giới tính và xu hướng tính dục chi phối.

Cùng với đó, bà Nguyệt cho rằng, cần tăng cường năng lực quản lý nhà nước về dân số, gia đình, phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới đủ mạnh để thực hiện các chức năng quản lý nhà nước và dịch vụ công dành cho gia đình.

Các đại biểu đề nghị cần làm tốt công tác kiểm tra, giám sát và hướng dẫn trong việc chấp hành pháp luật về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, bảo đảm mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh.