Tiếp loạt bài Y tế Đắk Lắk về đâu?

Bài học chấn động ngành y

TP - Thời gian qua báo Tiền Phong đã liên tục phản ánh tình trạng tiêu cực, sai phạm về đấu thầu thuốc và mua sắm trang thiết bị y tế tại Đắk Lắk. Về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết, trong thời gian ngắn sắp tới sẽ tiếp tục làm việc với Sở Y tế Đắk Lắk.
Báo Tiền Phong đã nhận được 12kg hồ sơ tố cáo tham nhũng tiêu cực tại Sở Y tế Đắk Lắk.

Sau khi báo Tiền Phong có loạt bài điều tra về những khuất tất trong việc đấu thầu thuốc và mua sắm trang thiết bị y tế tại địa phương này, Bộ Y tế đã cử đoàn công tác vào làm việc với Sở Y tế Đắk Lắk về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư mua sắm, quản lý sử dụng, bảo hành bảo trì trang thiết bị y tế. Tại buổi làm việc này, đoàn công tác của Vụ Trang thiết bị và Công trình Y tế (Bộ Y tế) đã yêu cầu Sở Y tế Đắk Lắk cần thành lập bộ phận, đầu mối chuyên trách theo dõi về đầu tư mua sắm, sử dụng trang thiết bị y tế; yêu cầu Sở Y tế Đắk Lắk khẩn trương xây dựng Quy chế quản lý đầu tư, sử dụng trang thiết bị…

Từ sự việc tiêu cực xảy ra tại Sở Y tế Đắk Lắk, ông Tuấn cho rằng sự việc xảy ra là do chưa làm chặt chẽ khâu tổng hợp nhu cầu từ cơ sở, chưa có hội đồng chuyên môn tại Sở Y tế. Ông Tuấn cho hay: “Đấu thầu mua sắm chỉ là một khâu còn kiểm tra, quản lý khai thác sử dụng như thế nào có hiệu quả là vấn đề quan trọng. Việc kiểm tra và quản lý chấp hành quy định, quy chế trong vấn đề quản lý trang thiết bị tại địa phương, tại các cơ sở là quan trọng đòi hỏi phải xây dựng được quy chế và phải được kiểm tra, đôn đốc thường xuyên. “Chúng tôi đề nghị Sở Y tế khẩn trương xây dựng quy chế quản lý đầu tư, sử dụng trang thiết bị tại Sở và các đơn vị phân công, phân cấp rõ trách nhiệm, quyền hạn quản lý trang thiết bị y tế của từng bộ phận”, ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, bài học rút ra quan trọng nhất là phải xác định nhu cầu đầu tư và lên kế hoạch một cách tập trung, rộng rãi, công khai minh bạch. Theo báo cáo của Sở Y tế Đắk Lắk khi làm việc với đoàn kiểm tra, máy móc khi giao về đến nơi nhiều bệnh viện không sử dụng hoặc khi đoàn đến kiểm tra thì lại bảo thiếu cái nọ, cái kia nên không sử dụng. Đoàn kiểm tra nhận thấy Sở Y tế không văn bản hoá, không thành lập quy chế quy trách nhiệm của đơn vị sử dụng. Để xảy ra những vấn đề này trách nhiệm thuộc về địa bàn, tức là Sở Y tế.

Cũng theo ông Vụ trưởng Vụ trang thiết bị và Công trình Y tế, ngay khi báo chí nêu các sự việc trên, lãnh đạo Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo kiểm tra và hướng dẫn đơn vị để chấn chỉnh và làm tốt công tác quản lý đầu tư mua sắm trang thiết bị. Bộ Y tế có trách nhiệm đề nghị khuyến cáo, hướng dẫn các địa phương làm đúng các quy định, nhưng khi xảy ra sự việc thì chính quyền địa phương mới là nơi có trách nhiệm chỉ đạo giải quyết. Theo đại diện Bộ Y tế, nhiều nơi xảy ra sai phạm thế này chính là do nhận thức, một số nơi do buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm nên việc làm rõ trước công luận kịp thời để có biện pháp chấn chỉnh là cần thiết.