> Thủ lĩnh thanh niên tranh tài
Anh Đinh Phú Đáng, Bí thư Đoàn xã Cao Minh (Phúc Yên, Vĩnh Phúc), ngấp nghé 50 tuổi và đã lên chức ông ngoại. Anh Đáng đang chờ Đảng ủy và UBND xã Cao Minh bố trí luân chuyển vị trí công tác khác.
Theo Bí thư thị Đoàn Phúc Yên Nguyễn Văn Huyến, không chỉ Cao Minh, nhiều địa phương khác ở Phúc Yên cũng kêu khó trong luân chuyển cán bộ Đoàn, trong đó hai lý do thường được đưa ra là nguồn cán bộ Đoàn thiếu và biên chế cán bộ Đoàn hạn chế. Phúc Yên hiện còn 5/10 xã có bí thư Đoàn trên 35 tuổi.
Bí thư Đoàn xã Tề Lỗ (Yên Lạc, Vĩnh Phúc) Trần Xuân Lộc vừa bước sang tuổi 42 và cũng vừa lên chức ông ngoại được hơn 1 năm. Đến với Đoàn từ năm 16 tuổi, năm 1993, anh Lộc bắt đầu làm Bí thư Đoàn xã Tề Lỗ. Người trong thôn xóm và đồng nghiệp gọi anh là ông ngoại Đoàn, còn ĐVTN gọi anh là chú, bác.
“Hơn 20 năm gắn bó nên Đoàn đã ngấm vào da thịt. Nhiệt huyết vẫn tràn đầy, nhưng thú thực, tôi không đủ sự trẻ trung, sôi nổi để hòa vào lớp trẻ. Đặc biệt từ ngày trở thành ông ngoại, tôi e dè hơn và dường như đang chững lại”, anh Lộc bộc bạch.
Với kinh nghiệm lâu năm, anh Lộc vẫn đưa ra nhiều sáng kiến, giúp phong trào thanh niên phát triển, nhưng hoạt động phong trào văn hóa, văn nghệ, anh giao hết cho phó bí thư trẻ hơn đảm nhiệm.
Vẻ mặt đượm buồn, anh Lộc cho biết kỳ Đại hội vừa rồi, trong xã còn 1, 2 chỗ trống nhưng Đảng ủy xã lại bố trí người khác, còn anh vẫn chưa được cân nhắc. Anh Lộc cho hay, hết nhiệm kỳ này, nếu không được Đảng ủy xã cân nhắc, luân chuyển sang vị trí khác, anh sẽ xin về hưu Đoàn, tạo cơ hội cho lớp trẻ vươn lên.
“Mình về để lớp trẻ còn có cơ hội phấn đấu. Xin về thế này, sau hơn 26 năm cống hiến cho Đoàn cũng thấy tiếc”, anh Lộc ngậm ngùi.
Theo Bí thư huyện Đoàn Yên Lạc Nguyễn Mạnh Tuấn, toàn huyện Yên Lạc có 3/17 xã (Tam Hồng, Đại Tự, Tề Lỗ) còn tình trạng cán bộ Đoàn quá tuổi (39 - 42 tuổi). Anh cho biết từ nay đến cuối năm, những trường hợp quá tuổi trên này sẽ được luân chuyển, bố trí công việc khác.
Bí đầu ra
Thái Bình cũng là một trong những tỉnh có độ tuổi trung bình cán bộ Đoàn cao. Theo anh Hoàng Thái Phúc, Bí thư tỉnh Đoàn Thái Bình, trong tỉnh vẫn còn hơn 100 bí thư Đoàn cơ sở có độ tuổi trên 35; khoảng 30 người từ 40 trở lên.
Theo anh Phúc, có nhiều nguyên nhân khiến tuổi cán bộ Đoàn cơ sở cao như do cơ chế, bí đầu ra, cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm; bản thân cán bộ Đoàn phấn đấu chưa đủ tầm, không tham gia các chuyên môn khác để nâng cao năng lực; một số cán bộ Đoàn trình độ còn thấp, chưa được đào tạo cơ bản nên khó luân chuyển sang vị trí khác.
Nhiều địa phương không tìm được cán bộ Đoàn kế cận, bởi hầu hết người trẻ đi làm ăn xa, người ở nhà thường trình độ thấp, không đảm trách được vai trò thủ lĩnh thanh niên.
“Cán bộ Đoàn bên cạnh kinh nghiệm, còn phải có tâm hồn trẻ mới dễ hòa đồng và hiểu được ĐVTN”, anh Phúc nói.
Nỗi lo trẻ hóa
Nam Định từng được biết đến là một trong những tỉnh có nhiều Bí thư Đoàn cơ sở quá tuổi. Tuy nhiên, đến thời điểm này, những cán bộ Đoàn quá tuổi trên đã được luân chuyển gần hết. Theo bí thư tỉnh Đoàn Nam Định Trần Đăng An, từ đầu năm đến nay, việc luân chuyển cán bộ Đoàn được thực hiện quyết liệt, hiện trong tỉnh chỉ còn hơn 10 bí thư Đoàn trên 35 tuổi. Trong nhiệm kỳ vừa qua chỉ riêng tỉnh Đoàn đã luân chuyển được 6 đồng chí.
Báo cáo phân tích chất lượng cán bộ Đoàn của 58/58 tỉnh, thành Đoàn do T.Ư Đoàn công bố, tính đến tháng 3 – 2011 cả nước có 8 Bí thư, 3 Phó bí thư tỉnh, thành Đoàn, 14 bí thư huyện Đoàn và 213 Bí thư Đoàn cơ sở trên 40 tuổi.
Bài cuối: Việc trẻ hoá cán bộ Đoàn diễn ra hiệu quả ở nhiều tỉnh thành nhờ người trẻ được tin tưởng bố trí vào những vị trí công tác khác.